17:00 12/07/2019

Chi phí y tế từ túi tiền của người dân Việt Nam vẫn ở mức cao

Nhật Dương

Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao, nguy cơ dẫn đến tình trạng nghèo hóa ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khi có người ốm đau

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Luật Khám, chữa bệnh đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế tư nhân và nhà nước. Ảnh - Đức Việt.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Luật Khám, chữa bệnh đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế tư nhân và nhà nước. Ảnh - Đức Việt.

Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám, chữa bệnh, do Bộ Y tế tổ chức, ngày 12/7 tại Hà Nội. Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Đánh giá về việc thực thi Luật Khám, chữa bệnh qua 9 năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, luật đã góp phần tạo điều kiện để phát triển ổn định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng tốt.

Luật cũng giúp xây dựng mạng lưới cơ sở y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển rộng khắp, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế ngày càng tăng...

Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành luật cũng cho biết, hiện tổng chi của toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, dù chuyển từ "ngân sách nhà nước bao cấp" sang "xã hội hóa" nhưng tỷ trọng nguồn tài chính công gồm ngân sách và bảo hiểm y tế vẫn tăng.

Tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, người dân) so với GDP ngày càng tăng, từ 5,1% năm 1993 lên khoảng 6,6% năm 2016. Từ 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách nhà nước cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước và đạt khoảng 7- 8% tổng chi ngân sách.

9 năm qua, Chính phủ cũng đã ưu tiên ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để có bước đầu tư đột phá cho y tế, đã đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và gần 400 triệu đô la Mỹ từ nguồn ODA để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 766 bệnh viện, từ tuyến huyện đến trung ương, 114 phòng khám đa khoa khu vực, hơn 2.000 trạm y tế.

Hiện đang đầu tư 20.000 tỷ đồng từ nguồn thu sắp xếp doanh nghiệp nhà nước để đầu tư 5 bệnh viện trung ương, tuyến cuối tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, dù ngân sách Nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế ngày càng tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, mệnh giá bảo hiểm y tế thấp, trong khi 70% chi cho khám, chữa bệnh là chi cho thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, mà giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế lại phải theo mặt bằng quốc tế.

Đáng chú ý, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao, dễ dẫn đến tình trạng nghèo hóa ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khi có người ốm đau (tỷ lệ bị nghèo hóa do chi phí y tế hiện nay là 1,7%).

Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho y tế gồm ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế và người dân chi trả nhưng cũng chưa xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chi nào ngân sách phải bảo đảm, cái nào do bảo hiểm y tế và người dân chi trả.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số, gần đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% dân số.