Chỉ số UV cao báo động: người dân nên làm gì?
Theo trang weatheronline, từ ngày 10/6 – 13/6, chỉ số tia tử ngoại (UV) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM ở mức 9 đến 11 - mức gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp.
Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết chỉ số tử ngoại hay chỉ số UV là một chỉ số đo lường về cường độ của bức xạ tử ngoại từ mặt trời tại một địa điểm cụ thể vào một ngày cụ thể. Thông thường, các tổ chức y tế công cộng khuyến cáo người dân chú ý bảo vệ khi chỉ số tử ngoại đạt mức 3 hoặc cao hơn.Giới chuyên môn cho biết tác hại cấp tính phổ biến nhất của tai UV là cháy nắng do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Đặc biệt, khi nắng nóng đỉnh điểm có thể gây say nắng hoặc say nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp xúc với tia UV tích lũy, hay việc phơi nắng khi tia UV cao xảy ra thường xuyên và kéo dài, có thể dẫn đến lão hóa da sớm, đặc biệt là ung thư da.Thời điểm trong ngày tia UV dễ ảnh hưởng đến da nhất dao động từ 10 đến 16 giờ tuỳ từng mùa và vùng miền. Vì vậy, để xác định thời điểm chỉ số UV nguy hiểm bằng cách đứng dưới nắng và quan sát bóng của mình, nếu bóng ngắn hơn chiều cao thì tương ứng với chỉ số UV cao, lúc này nên sử dụng các biện pháp tránh nắng.
Theo bác sĩ Đặng Bích Diệp, bức xạ tia cực tím (Ultraviolet radiation) là một thành phần của ánh nắng mặt trời, trong đó tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương ADN của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều dưới ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt như cườm,… Ngoài ra, tia UV còn có thể gây ra một số tác hại đối với sức khỏe con người như ung thư da, khối u ác tính, ung thư mô tế bào cơ bản, ung thư mô tế bào hình vảy, lão hóa nhanh, ức chế miễn dịch.Đại tá Phạm Văn Tiến, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cho biết tia cực tím gây ảnh hưởng nhiều nhất đến mắt khi không đeo kính bảo hộ. Các tế bào bao bọc mắt có thể bị phá hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt xi măng, cát hay nước. Sau khi bị tia cực tím chiếu từ 6 - 15 giờ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi.Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa thậm chí mù mắt. Vì thế, khi chọn mua kính chống nắng, người tiêu dùng nên kiểm tra kính có ghi chỉ số chống tia UV hay không, nếu có thì xem tỉ lệ khoảng bao nhiêu phần trăm theo tiêu chuẩn UV ANSI để cân nhắc lựa chọn. Đồng thời, kính chống nắng nên có kích thước lớn, che được toàn bộ vùng mắt, vừa giúp cản tia UV vừa giúp bảo vệ mắt khỏi gió, bụi.
Các chuyên gia lưu ý trong những ngày này, mọi người nên bảo vệ da và mắt khỏi tia cực tím bằng cách cách sau:
- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10 - 16h). Luôn đeo kính khi ra đường.- Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng. Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.- Tia UVA có thể xuyên qua cửa sổ và kính xe, vì vậy dù bạn đi bằng ôtô vẫn phải bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng.- Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.- Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.- Khẩu trang nên chọn loại phủ kín mặt, chừa 2 mắt đeo kính, sử dụng màu đen, sậm (có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%), khẩu trang phải dày, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, không có tác dụng chống nắng.