Chính phủ chưa báo cáo kết quả xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội bắt đầu sáng 30/10 với hàng loạt báo cáo được trình bày
Sáng 30/10, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội bắt đầu với hàng loạt báo cáo được trình bày.
Một trong số đó là báo cáo tóm tắt tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày.
Về lĩnh vực ngân hàng, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận xét, khuôn khổ pháp lý và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Chính sách tiền tệ đã được Chính phủ điều hành chủ động, linh động, các giải pháp điều hành lãi suất và tỷ giá được tập trung triển khai.
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu đang được tiếp tục thực hiện. Hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường. Khuôn khổ pháp lý cho công tác thanh tra, giám sát được kiện toàn.
"Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Chính phủ chưa báo cáo kết quả xử lý nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình, dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được bảo lãnh", Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
So lại, ngay trước đó, báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cũng đề cập khá nhiều thông tin về lĩnh vực ngân hàng, nhưng đúng là thiếu vắng kết quả xử lý nợ xấu.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. Đến nay, đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn, đây là các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo lập khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng và là giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, đã thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Đến nay, các tổ chức tín dụng đang tích cực xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2017-2020 theo từng nhóm, loại hình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro; tiếp tục hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống chỉ tiêu giám sát. Quản lý, thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, Chính phủ nêu khái quát.