09:52 21/10/2008

“Chính phủ không buộc ngân hàng cho Vinashin vay!”

Anh Quân

Chủ tịch Vinashin nói về việc huy động gần 20.000 tỷ đồng của tập đoàn này, hiện đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Vinashin - Ảnh: Anh Quân.
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Vinashin - Ảnh: Anh Quân.
Quanh câu chuyện Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mới đây đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu, vay 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước và vay 400 triệu USD từ nguồn vốn nước ngoài, đã có khá nhiều câu hỏi đặt ra.

Có chuyện Chính phủ “ép” ngân hàng cho Vinashin vay? Lãi suất thương mại hay có “ưu ái”? Vinashin dùng tiền này như thế nào? Doanh nghiệp đóng tàu sẽ trả nợ ra sao?... Những thắc mắc này đã được ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn thẳng thắn chia sẻ với VnEconomy.

Không phải bất thường

Thưa ông, vì sao Vinashin lại phát sinh khoản vay lớn như vậy trong lúc tình hình kinh tế đang rất khó khăn?

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin không giống các tập đoàn và tổng công ty khác. Họ có nguồn tiền vào ổn định nên chỉ vay để đầu tư chứ hoạt động kinh doanh hàng ngày ít phải vay.

Đóng tàu thì có hai việc, một là vay để đầu tư các nhà máy đóng những con tàu ấy, hai là phải có vốn lưu động đóng tàu.

Một con tàu thì phải đóng trong thời gian từ 1-2 năm, làm xong mới được thanh toán. Tuy chủ tàu có đặt tiền trước, nhưng thường thì họ chi 50%, mình phải bỏ ra 50% từ vốn lưu động. Do đó, Vinashin cần một lượng vốn lưu động rất lớn mà từ lâu không được cấp vốn lưu động mà phải đi vay hoàn toàn.

Cứ nhìn vào doanh thu của Vinashin năm nay là trên 2,5 tỷ USD thì nguyên tắc phải cần trên 1 tỷ USD vốn lưu động, tức là phải đến 20.000 tỷ đồng.

Còn về đầu tư, trong tình hình khó khăn về vốn thì Vinashin đã giãn, hoãn triển khai nhiều dự án. Tổng vốn đầu tư dự kiến trong năm nay là 10.000 tỷ đồng đã được rút xuống mức tối thiểu, còn 3.500 tỷ đồng cho 21 dự án thực sự cần thiết và không thể không đầu tư.

Ngoài ra còn những dự án Vinashin đã đầu tư trước đây và nhà thầu họ đã làm rồi, có khối lượng rồi, thì nay phải thanh toán cho họ chứ. Tài chính cắt giảm rồi, nay không có tiền trả cho họ thì phải đi vay. Khoản này cũng rất lớn.

Vì vậy, việc Vinashin huy động vốn không có gì là bất thường và nằm trong tính toán của tập đoàn từ  trước, không phải mới phát sinh. Hợp đồng đóng tàu thì Vinashin đã ký đến hết năm 2012, nhiều hợp đồng kéo dài đến 2014. Như vậy về cơ bản, chúng tôi có thể tính toán nhu cầu vốn cho đến tận lúc ấy. Do những khó khăn trên thị trường vốn thời gian gần đây nên lượng vốn huy động theo kế hoạch đã được điều chỉnh giảm đi. Vay như thế này là chưa đủ đâu, nhưng vì tính đến hiệu quả sử dụng vốn trong điều kiện lãi suất cao và nguồn vốn khó khăn nên chúng tôi mới dừng lại ở mức này.

Các dự án hoãn, giãn tiến độ trước đây có liên quan gì đến những khoản vay này?

Mấy chục dự án mà Vinashin đã thông báo hoãn, giãn tiến độ trước đây không nằm trong kế hoạch cấp vốn từ các khoản vay lần này.

Gần 20.000 tỷ đồng này nhằm mục đích giải quyết nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh thiết yếu, tối cần thiết trước mắt của tập đoàn, trong đó bao gồm cấp vốn cho 21 dự án không thể cắt giảm được, thanh toán cho các nhà thầu đã hoàn thành khối lượng những dự án Vinashin đầu tư từ trước và cấp vốn cho các hợp đồng đóng tàu đang triển khai.

Không chỉ lần vay này mà cả các lần phát hành trái phiếu, vay trong và ngoài nước trước đây, nhiều người vẫn nói Vinashin đầu tư ngoài ngành nhiều quá nên phải đi vay lớn…

Tôi xin khẳng định rằng Vinashin dùng toàn bộ vốn Nhà nước giao, vốn tự có hình thành trong quá trình kinh doanh, và vốn vay để đầu từ vào các dự án, hoạt động liên quan trực tiếp đến việc đóng ra các con tàu.

Từ trước đến nay vẫn thế, nguyên tắc của chúng tôi là không đầu tư những đồng vốn trung và dài hạn, thường không dễ vay, ra bên ngoài.

Những dự án ngoài ngành mà thấy có góp vốn của Vinashin thì thực ra đó là góp bằng thương hiệu, thương quyền, đất đai... Tức là chúng tôi tận dụng những lợi thế khác của Vinashin, chứ không phải tiền.

Có góp vốn thì là các doanh nghiệp thuộc Vinashin, mà các doanh nghiệp này chúng tôi cũng chỉ góp bằng thương hiệu, thương quyền…

Khoản vay 750 triệu USD là một cú hích cho Vinashin, nhưng lúc đó tình hình khác hiện nay. Những khoản vay mới này dường như không phải để hướng tới một sự “tăng tốc” của Vinashin?

750 triệu USD đúng là một cú hích. Nó có hai mặt tích cực, thứ nhất là đầu tư công nghệ mới, năng lực mới để Vinashin đóng các con tàu xuất khẩu, hai là tạo nên uy tín cho Vinashin  trên thị trường thế giới. Ngay năm sau đó, Vinashin đã tự huy động thêm được 600 triệu USD trên thị trường vốn quốc tế với lãi suất rất tốt.

Đến năm nay, Vinashin định vay tiếp nhưng gặp phải câu chuyện thị trường tài chính thế giới khủng hoảng nên không thể làm được nữa, mới có chuyện có các khoản vay này.

Việc này là rất cấp thiết của Vinashin, để giải quyết các vấn đề cấp tốc, trước mắt, vay là để không bị cơn bão tài chính nó “dìm” một ngành công nghiệp vừa mới lên của mình. Không có nó thì mình không có đủ tiền để mua vật tư thiết bị, để đóng tàu xuất cho nước ngoài và trả hàng đúng thời hạn, dẫn tới bể hợp đồng, mất uy tín.

Thứ hai nữa, những dự án trọng điểm đang đầu tư dở dang mà dừng thì Vinashin sẽ không đủ điều kiện thực hiện các hợp đồng đã ký, nó bị hỏng đi và mất khoản tiền đầu tư về trước.

Không có “ưu ái” nào

Về 10.000 tỷ đồng vay trong nước, Chính phủ có ấn định lãi suất cho các khoản vay không?

Vay theo lãi suất thương mại hết, lãi suất theo hàng ngày. Từ xưa đến nay Vinashin vẫn phải vay như thế, không có “ưu ái” gì về lãi suất. Vì thế không phải dự án nào chúng tôi cũng đem ra để vay.

Vốn lưu động thì phải vay rồi. Vì vay xong vài tháng trả ngay thì lãi, dù ít thôi. Phải nhanh để thời gian trả lãi ít nhất.

Còn đầu tư thì chỉ dự án nào còn thiếu 10% đến 15% thì chúng tôi vay, trộn với khoản vay trước dài hạn, lãi suất thấp, dung hòa mà còn hiệu quả thì còn được.

Với mức lãi suất hiện nay thì chúng tôi cũng phải tính dự án nào có thể vay được thì mới vay, tức là phải tính đến hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ.

Tức là muốn vay được vốn, Vinashin cũng phải chứng minh được khả năng trả nợ vốn vay như các doanh nghiệp khác?

Tổng số gần 20.000 tỷ đồng quy đổi đó mới chỉ là cho phép vậy thôi. Đấy là xuất phát từ nhu cầu của mình. Chính phủ không bỏ tiền ra và mình phải tự đi tìm nguồn mà vay.

Nhưng vay được tiền không hẳn đã phụ thuộc vào mình. Muốn vay được vốn phải có dự án tốt. Đi vào thị trường vốn quốc tế và phát hành trái phiếu còn cần phải có kết quả kiểm toán tốt.

Vừa qua, Vinashin đã hoàn thành kiểm toán do KPMG thực hiện cho năm 2007. Kết quả nói chung rất tốt, doanh thu tăng khoảng 70% so cùng kỳ, lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn khoảng trên 700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2006.

Tiếp đến là cần phải có đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế. Cái này Vinashin cũng đang làm, đối tác lần này cũng vẫn là S&P.

Sau đấy thì còn cần phải phải xem thị trường có tốt không. Hiện nay thị trường còn bấp bênh, chưa thể làm ngay được, còn phải chở tiếp. Theo tôi thì phải đến đầu năm sau mới có thể triển khai được.

Ông có nói tự Vinashin phải tìm nguồn mà vay, nhưng dư luận thì hiểu rằng Chính phủ chỉ định các ngân hàng phải cho vay với số lượng xác định…

Đúng là có chuyện đưa khoản vốn vay của Vinashin ứng với từng ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho vay 2.700 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại khác 300 tỷ đồng.

Về việc này, tôi xin nói rõ lại, là không phải Chính phủ buộc các ngân hàng này phải cho Vinashin vay với số vốn tương ứng như thế.

Vinashin có quan hệ tín dụng chặt chẽ với nhiều ngân hàng và rất có uy tín trong trả nợ vốn vay. Trước khi trình Chính phủ thông qua phương án vay vốn, chúng tôi đã có “đánh tiếng” với các ngân hàng và họ cho biết có thể cung cấp khoản vay như thế, vì vậy con số về vốn vay và ngân hàng cụ thể mới được đưa ra trong kế hoạch vay vốn.

Các ngân hàng không có trách nhiệm phải cho Vinashin vay bằng mọi giá. Với hạn mức ấy, ngân hàng có thể không cho vay đồng nào nếu xét thấy dự án của Vinashin không tốt, Vinashin không có khả năng trả nợ vốn vay.

Chính phủ cũng không bảo lãnh khoản vay của Vinashin. Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các khoản vay của mình và Vinashin vay theo thị trường, trả theo thị trường đối với mọi khoản vay, từ trước đến nay và sắp tới cũng thế.

Vậy sao lại có chuyện “cho phép” vay vốn?

Bởi vì Vinashin là doanh nghiệp Nhà nước, trong tình hình kinh tế vĩ mô căng thăng và để kiềm chế lạm phát thì huy động vốn đầu tư đáng lẽ ra không được làm. Vì thắt chặt tiền tệ thì ông phải ngồi im chứ, sao lại có chuyện ông “kéo” tiền về để đầu tư tiếp.

Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt hiện nay thì Vinashin được đưa vào diện linh hoạt, tức là được vay vốn. Còn vay như thế nào, vay bao nhiêu thì phải do Vinashin và các ngân hàng quyết định.

Thế vì sao Vinashin lại được đưa vào diện “linh hoạt”, trong khi các doanh nghiệp khác thì thuộc diện “thắt chặt”. Mà họ cũng đang “khó” cả đấy chứ?

Nhiều anh khó, đúng, nhưng phải xét là những anh nào?

Vinashin làm xuất khẩu, là một. Vinashin làm công nghiệp nặng, là hai. Những lĩnh vực đấy mà bây giờ chậm chân thì năm 2020 không thể có công nghiệp hóa. Bây giờ mà chậm một năm thì phải 5 năm sau mới quay lại thời điểm trước khi chậm ấy.

Những khoản đầu tư bây giờ, ngoài dành cho đóng tàu, còn cho công nghiệp phụ trợ như thép, động cơ, máy móc, thiết bị… Những cái ấy làm cho tàu thủy được thì làm cho các ngành khác, cả dân dụng và quốc phòng, vì nó là nền tảng của cơ khí chế tạo lớn. Hiện nay rất ít doanh nghiệp dám đầu tư.

Vinashin đầu tư chỉ 60% cho đóng tàu, còn lại là nghĩ cho công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Chúng tôi làm ra những động cơ, thiết bị rất lớn, có thể dùng cho phát điện, tàu hỏa, ô tô…

Một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam, nếu không có ngành công nghiệp tàu thủy mạnh thì làm sao khai thác và bảo vệ được biển, làm sao có được kinh tế biển?

Những ngành khác, nếu năm nay ảnh hưởng thì có thể thu hẹp lại, khi thị trường tốt trở lại thì gây dựng được ngay.

Ngành đóng tàu thì không thế, nếu chậm lại thì mất luôn cơ hội phát triển các năm tiếp theo, và nó kéo theo nhiều chiến lược phát triển khác của đất nước như kinh tế biển, như công nghiệp chế tạo cơ khí nặng… cũng bị ảnh hưởng.

Khi các ngành báo cáo khó khăn lên Chính phủ, chúng tôi cũng báo cáo như thế, và Chính phủ cũng thấy đúng là như vậy, nên mới có chuyện đưa Vinashin vào diện “linh hoạt” là vì thế.

Và còn một điểm nữa là Vinashin lại có các hợp đồng xuất khẩu, mười mấy tỷ USD rồi. Làm cái này thì giảm nhập siêu, có hiệu quả ngay từ vốn vay và phương án vay vốn là khả thi.

Thế nhưng trong thời kỳ khó khăn này thì liệu chủ tàu có trả được cho các hợp đồng đã ký?

Họ vẫn đảm bảo trả được vì tàu thủy là công cụ vận tải hàng ngày của nền kinh tế thế giới, không thể không có.

Bây giờ sản xuất là toàn cầu rồi. Các tập đoàn họ làm cái này ở một nước, cái kia ở nước khác rồi ghép lại với nhau ở nước thứ ba. Như thế thì vận tải là quan trọng và tàu thủy là công cụ chính. Họ có thể giảm bớt nếu khó khăn nhưng không thể không đóng tàu.

Nhưng nếu hợp đồng đã ký rồi, thời hạn giao hàng cũng đã định sẵn, nếu không có tiền thì sẽ không hoàn thành hợp đồng và phải chịu đền bù, vậy thì Vinashin có chấp nhận lỗ để vay lãi suất cao không?

Về nguyên tắc là phải thế, kể cả lãi suất có cao bao nhiêu cũng phải vay để hoàn thành hợp đồng, giữ uy tín cho thương hiệu Vinashin và cho Việt Nam.

Nhưng hiện nay, chúng tôi đang đàm phán với các đối tác. Khủng hoảng là tình hình chung nên các đối tác cũng rất thông cảm, họ cũng “đỡ” cho mình bớt khó khăn vì là đối tác lâu dài với nhau, còn làm nhiều hợp đồng tiếp về sau này.

Cho đến nay thì chưa có hợp đồng nào chúng tôi bị buộc vào tình trạng phải vay vốn lãi suất cao dẫn tới lỗ.

Phải hiệu quả mới dám vay

3 khoản huy động khác nhau này sẽ được dùng như thế nào?

Khoản 10.000 tỷ đồng huy động từ ngân hàng trong nước và 400 triệu USD huy động từ nước ngoài thì dành cho các dự án công nghiệp phụ trợ như làm động cơ, làm thép và đóng tàu xuất khẩu có hợp đồng ngay, hay là trả nợ các chủ thầu đã có khối lượng và nghiệm thu, tức là những khoản mục cấp bách nhất.

Vẫn cứ phải căn cứ vào hiệu quả của từng dự án, từng hợp đồng. Nếu không hiệu quả thì ngân hàng họ không giải ngân đâu. Đấy là nguyên tắc.

Còn 3.000 tỷ đồng trái phiếu, nếu phát hành được, thì sẽ dành cho 21 dự án có kế hoạch triển khai trong năm nay.

Việc phát hành trái phiếu, hay vay nước ngoài thì chúng tôi đang còn nghiên cứu. Khi thị trường thuận lợi Vinashin sẽ tiến hành ngay. Điều kiện thì chung tôi cũng đang chuẩn bị cho đủ như là kiểm toán, đánh giá tín nhiệm... và tiếp tục bàn với các nhà đầu tư. Thời điểm thì vẫn còn phải chờ đến lúc thị trường tốt.

Thực ra, lãi suất ngoại tệ hiện nay không phải là cao đâu, theo Libor chỉ hơn 4% và cộng độ 1,5% đến 2% gì đó thôi. Nhưng chẳng ai cho vay cả, đóng băng hết. Vay thị trường tự do thế giới thì khoảng 8-9%, nhưng cũng khó vay khoản lớn. Đấy là vay ngắn hạn, dài hạn cũng không có ai cho vay trong thời điểm này. Chính vì thế Vinashin mới phải vay trong nước.

Kế hoạch trả nợ là cân đối trên từng dự án hay cân đối trên cả tập đoàn?

Trả nợ thì phải cân đối trên cả tập đoàn vì Vinashin chủ yếu vay dài hạn để đầu tư.

Hiện nay chúng tôi đang đầu tư dài hạn bằng các nguồn phát hành trái phiếu 10 năm, đến năm 2016 mới bắt đầu phải trả nợ gốc, nay mới chỉ trả lãi.

Những khoản vay mới có vai trò thế nào đối với kế hoạch tăng trưởng 50% và xuất khẩu 500 triệu USD đặt ra hồi đầu năm nay?

9 tháng đầu năm nay, Vinashin đã xuất khẩu 520 triệu USD, tăng trưởng 70% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch thì năm sau sẽ tăng trưởng 50% so với năm nay, vì hợp đồng đã ký rồi và tàu phải giao. Nhưng nếu không có các khoản vay sắp tới thì những năm sau sẽ rất khó khăn.

Nợ trên vốn chủ sở hữu vẫn lành mạnh

Với khoản vay này thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinashin sẽ thế nào?

Vốn của Vinashin cho đến thời điểm này khoảng 6.300 tỷ đồng, nhưng đây là vốn chủ sở hữu trên sổ sách và được "chốt" từ rất lâu rồi. Trong hàng chục năm vừa qua, vốn của Vinashin đã tăng rất nhiều so với con số ấy, vì vậy vừa rồi Chính phủ đã có ý kiến để chỉ đạo Bộ Tài chính đánh giá lại tài sản của Vinashin.

Tại thời điểm 31/12/2007, tổng tài sản của Vinashin được đánh giá là vào khoảng trên 80.000 tỷ đồng, trong đó 2/3 là vào đầu tư, khoảng 55.000 tỷ, hình thành từ những khoản vay dài hạn như 750 triệu USD, 8.300 tỷ trái phiếu…

Với nhiều dự án đầu tư trong thời gian qua, nguyên tắc kinh doanh của Vinashin là đầu tư đến đâu, nếu sản xuất được thì tiến hành làm ngay đến đó. hàng loạt dự án chưa chờ đầu tư xong đã tiến hành đặt ky tàu. Đà tàu, ụ tàu dài ra đến đâu thì tàu cũng dài đến đó. Các nhà máy đóng tàu của Vinashin đều thực hiện đầu tư như thế.

Vì thế, các dự án đều làm ra lợi nhuận, khấu hao sớm và trả lãi cho khoản vay. Trong mấy năm qua, những khoản trả nợ như thế rất nhiều. Đáng nhẽ nó phải được tính vào tài sản của Vinashin, nhưng theo quy định thì khi nào công trình hoàn thành, quyết toán thì mới được tính vào phần vốn của Vinashin, như thế là chưa đủ.

Hơn nữa, đáng lẽ đó là tài sản của doanh nghiệp thì lại tính thành nợ phải trả. Như thế thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đã bị lệch lạc đi, không thể hiện đúng thực tế tại doanh nghiệp. Chính vì thế mới phải đánh gia lại tài sản của Vinashin, những khoản vay đã hình thành tài sản rồi thì cho phép gộp vào và nâng vốn lên.

Thế doanh nghiệp tự đánh giá tỷ lệ này thì con số như thế nào?

Tự đánh giá thì tài sản của Vinashin gấp nhiều lần con số hiện nay đang dùng. Theo như kết quả đánh giá sơ bộ, đến hết 2007 thì tài sản của Vinashin vào khoảng 17.000 - 18.000 tỷ đồng. Còn hết năm nay thì lên cỡ khoảng trên 25.000 tỷ đồng. Chúng tôi đang thuê tư vấn quốc tế đánh giá tài sản để trình Bộ Tài chính, có cơ sở tính toán tăng vốn cho Vinashin.

Số vốn vay khoảng 55.000 tỷ đồng, cộng với khoản vay mới hiện nay thì vào khoảng trên 70.000 tỷ đồng, nếu so với số vốn hiện nay của Vinashin thì gấp gần 3 lần, như vậy là lành mạnh hơn rất nhiều.

Từ 21 lần, theo công bố hồi năm ngoái, xuống còn gần 3 lần, như thế có khó hiểu không?

Không có gì là khó hiểu cả. Khi công bố tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinashin là 21 lần gì đó, chúng tôi có tính lại thì chỉ dưới 10 lần và nguyên nhân vẫn là do nhầm lẫn, một phần đáng lẽ là vốn của Vinashin thì bị chuyển thành nợ như tôi vừa nói.

Hơn nữa, vừa qua Vinashin đã đầu tư vào nhiều dự án, doanh nghiệp từ góp thương hiệu, thương quyền... Những phần vốn, cổ phần trong doanh nghiệp đó thuộc sở hữu của Vinashin nhưng chưa được đưa vào thành tài sản của chúng tôi.

Những con số này có đáng tin cậy?

Thì đây là các con số được KPMG, một tổ chức kiểm toán độc lập quốc tế công bố, cũng mới đây thôi. Với đối tác này, chúng tôi cũng vừa ký tiếp hợp đồng hai năm đến hết 2009, họ sẽ tiếp tục kiểm toán cho Vinashin.

Như vậy là chúng tôi đã thực hiện kiểm toán độc lập từ năm 2004 đến nay. Vừa rồi chúng tôi có đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ đạt chuẩn kiểm toán quốc tế, tức là tài chính của Vinashin lành mạnh và minh bạch. Về mục tiêu này, KPMG cũng cho rằng Vinashin có thể đạt được.