14:56 26/12/2008

Chính sách cổ phần hoá dường như đã lẫn lộn các mục tiêu

Nội dung cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) về vấn đề chậm trễ trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Trong năm 2008 đã cổ phần hoá được 73 doanh nghiệp nhà nước, đạt 28% so với kế hoạch.
Trong năm 2008 đã cổ phần hoá được 73 doanh nghiệp nhà nước, đạt 28% so với kế hoạch.
Nội dung cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) về vấn đề chậm trễ trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 28% kế hoạch năm nay, được nhiều người quy cho sự sụt giảm vốn trên thị trường chứng khoán. Ông nghĩ gì với đánh giá này?

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm hoàn toàn là vấn đề chủ trương. Từ năm 2006 đến nay đã không hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Tôi nghĩ là do nó liên quan đến quan điểm của Nhà nước về cổ phần hoá, hơn là vì sụt giảm của thị trường chứng khoán.

Ý tưởng chủ đạo trước đây với cổ phần hoá là để tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Khi thị trường chứng khoán bùng nổ, ý tưởng này chuyển thành tăng vốn cho Nhà nước.

Đây là lý do vì sao Nhà nước giữ lại nhiều tiền. SCIC chẳng hạn cầm 30.000 tỷ đồng mà giá cổ phiếu tăng ba chấm, thì Nhà nước có gần 100.000 tỷ đồng.

Nhưng đến bây giờ, giới nghiên cứu chúng tôi không thấy rõ Nhà nước đặt mục tiêu cổ phần hoá để làm gì, nên chương trình cổ phần hoá chững lại. Nó là do quyết tâm của Chính phủ là chính, vì vốn là của Nhà nước mà.

Bộ Tài chính chưa công bố chương trình cổ phần hoá cụ thể cho năm tới, nhưng theo bộ Kế hoạch và đầu tư, Nhà nước dự kiến cổ phần hoá 19 tổng công ty nhà nước trong năm 2009. Theo ông, chương trình này trong năm tới sẽ như thế nào trong bối cảnh ảm đạm hiện nay của thị trường chứng khoán?

Chúng tôi chưa nhìn thấy một chủ trương mới gì của Chính phủ để thúc đẩy cổ phần hoá cả. Theo tôi, trong năm tới, Nhà nước sẽ không đặt ưu tiên vì còn phải lo chống đỡ với những thách thức vĩ mô.

Trong kế hoạch do chúng tôi soạn trước đây, đáng ra phải cơ bản cổ phần hoá xong trước năm 2005. Sau đó bản kế hoạch đó bị gạch chữ cơ bản đi, chỉ để lại cổ phần hoá thôi. Nhưng dù sao, sẽ rất khó hoàn thành chương trình này theo đúng kế hoạch 2010.

Trong bối cảnh Nhà nước cần các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mạnh để điều hành nền kinh tế đang đầy biến động, có phải là lý do làm chậm cổ phần hoá?

Cũng có thể như thế. Nhưng xét về logic của vấn đề thì khác. Hầu hết các doanh nghiệp đã trở nên hiệu quả hơn sau khi cổ phần hoá. Vậy thì sao không cổ phần hoá các tổng công ty nhà nước để họ mạnh hơn lên?

Một trong những mục tiêu của cổ phần hoá là huy động được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư cho sản xuất. Như vậy, nguồn tiền này không huy động được khi chương trình này chậm lại, và thị trường chứng khoán không có thêm hàng mới?

Đấy là mục tiêu xác định cổ phần hoá làm gì, cổ phần hoá có để lấy tiền hay không? Lấy tiền của dân vào cho sản xuất, hay lấy tiền vào cho Nhà nước. Nhưng vấn đề là người dân có dùng tiền của mình để đi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước hay không.

Các doanh nghiệp cổ phần hoá xong, nhưng bộ máy quản lý không thay đổi. Tôi biết có nhiều trường hợp lợi dụng cổ phần hoá để kiếm lợi riêng cho mình. Theo tôi, thời gian tới cần phải đánh giá lại cổ phần hoá để làm gì.

Sao phải đặt lại mục tiêu cổ phần hoá sau nhiều năm như vậy?

Phải đặt ra vấn đề vì sau một giai đoạn thực hiện cổ phần hóa, dường như Nhà nước đã quên cổ phần hóa để làm gì. Chúng tôi làm nghiên cứu, thấy các chính sách cổ phần hóa dường như đã lẫn lộn các mục tiêu đề ra từ trước.

Theo ông, vì sao phần lớn các doanh nghiệp nhà nước lớn không thích niêm yết?

Họ không cần vốn, họ có kênh khác để huy động vốn. Trước đây có ý kiến nên giảm bớt các kênh vốn khác để buộc doanh nghiệp nhà nước lên niêm yết để huy động vốn qua kênh thị trường chứng khoán, nhưng không ai nghe. Bây giờ nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn không cần vốn.

Ví dụ các doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo cần vốn, lập tức có vốn ngay, hay được bảo lãnh vay vốn quốc tế. Thế thì họ cần gì phải niêm yết.

Tôi quan sát thấy chúng ta đang quay lại tín dụng chỉ định. Nhiều ngân hàng bị gọi lên bắt cam kết cho các doanh nghiệp vay. Nghĩa là các doanh nghiệp lớn còn các kênh vốn như thế, thì họ không cần niêm yết.

* Trong giai đoạn 1992 – 2007 đã cổ phần hoá được 3.756 doanh nghiệp nhà nước, trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong năm 2007 đã cổ phần hoá được 116 doanh nghiệp nhà nước, đạt 21% so với kế hoạch. Trong năm 2008 đã cổ phần hoá được 73 doanh nghiệp nhà nước, đạt 28% so với kế hoạch. Trong giai đoạn 2008 – 2010 phải sắp xếp lại 1.535 doanh nghiệp nhà nước, trong đó 948 thuộc diện cổ phần hoá.

Như vậy, nhiệm vụ cổ phần hoá hơn 800 doanh nghiệp nhà nước cho hai năm 2009 và 2010 là rất nặng nề. Đến nay, số vốn được cổ phần hoá chiếm chưa đầy 15% tổng số vốn trong các doanh nghiệp nhà nước (Nguồn: Bộ Tài chính).

Tư Giang (SGTT)