10:46 22/09/2007

Chính sách xuất khẩu lao động: “Ngoại lệ” Macao

Quỳnh Lam

Cả 10 công ty khai thác thị trường này đều phải chấp nhận đưa lao động đi theo hình thức visa du lịch

Pháp luật Việt Nam (luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) quy định không được phép đưa lao động ra nước ngoài bằng hình thức visa du lịch.
Pháp luật Việt Nam (luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) quy định không được phép đưa lao động ra nước ngoài bằng hình thức visa du lịch.
Macao đang là “điểm đến” của nhiều lao động xuất khẩu, nhưng chính sách tiếp nhận lao động của thị trường này đang có một số "kẽ hở", có thể bị những đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Năm 2007 được đánh giá là năm bùng phát của những thị trường mới. Đối với khu vực châu Á, bên cạnh các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản…, thị trường Macao gần đây được rất nhiều doanh nghiệp “nhòm ngó”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã cho phép 10 doanh nghiệp chính thức khai thác thị trường này.

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2007, đã có 1.461 lao động được đưa sang Macao, làm việc ở các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng khách sạn, thợ xây dựng, trang trí nội thất, nhưng chủ yếu là giúp việc gia đình...

Nhiều công ty khai thác tại thị trường này cho biết, Macao là một vùng lãnh thổ nhỏ, chỉ với 180.000 hộ dân, nhưng nhu cầu nhập khẩu lao động rất lớn. Đa số hộ dân cần sử dụng người giúp việc gia đình.

Bên cạnh đó, chính sách tiếp nhận lao động của Macao khá thông thoáng. Đây là điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang thị trường này.

Ông Nguyễn Huy Tùng, thuộc Công ty TTMC cho biết, mặc dù ở Macao không quy định mức lương tối thiểu cho lao động giúp việc gia đình nhưng thu nhập của lao động tại thị trường này khá cao so với chi phí bỏ ra ban đầu.

Đối với lao động phổ thông, mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Còn lao động giúp việc gia đình không dưới 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng chính vì chính sách "quá mở", người nước ngoài có thể vào Macao thường xuyên và rất dễ dàng nên bất cứ ai đặt chân lên đất Macao chỉ được cấp visa du lịch, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đây chính là lỗ hổng phát sinh nhiều bất cập.

Pháp luật Việt Nam (luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) quy định không được phép đưa lao động ra nước ngoài bằng hình thức visa du lịch. Thế nhưng, với thị trường Macao hình như là ngoại lệ?

Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Simco Sông Đà cho biết, riêng với Macao thì không còn cách nào khác. Cả 10 công ty khai thác thị trường này đều phải chấp nhận đưa lao động đi theo hình thức visa du lịch. Sau khi sang đến đất Macao, người lao động được chủ sử dụng lao động tiếp nhận, họ sẽ có trách nhiệm lo thủ tục làm thẻ xanh, tức là thẻ cư trú khoảng 1 năm.

Theo đó, người lao động sau khi nhập cảnh vào Macao mới được biết chủ sử dụng lao động là ai. Điều này hoàn toàn trái ngược với quy trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài của Việt Nam hiện nay.

Đấy là chưa kể đến chuyện ngay cả khi đặt chân lên đất Macao rồi, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như chính người lao động không biết chắc mình có được chủ chọn hay không? Thời gian ký kết hợp đồng và mức lương như thế nào? Thậm chí, không loại trừ trường hợp sẽ có nhiều lao động đã sang Macao nhưng không được chủ chọn.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Xuân An, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu lao động nói, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm với những lao động sau khi hết thời hạn visa du lịch mà vẫn chưa tìm được việc. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đưa lao động về nước và hoàn trả lại toàn bộ chi phí mà người lao động đã bỏ ra.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc đi ngược lại với quy định của pháp luật trong hoạt động xuất khẩu lao động sang Macao sẽ tạo nên kẽ hở cho những đối tượng lừa đảo có cơ hội lộng hành. Hoạt động đưa lao động ra nước ngoài bằng hình thức visa du lịch.có lẽ cần được sự xem xét kỹ lưỡng hơn từ phía các cơ quan quản lý.