Chính thức cho nhập khẩu vàng
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp phép nhập khẩu vàng cho một số đơn vị, khiến giá vàng trong nước sụt 300.000 đồng/lượng
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp phép nhập khẩu vàng cho một số đơn vị. Thông tin này kéo giá vàng trong nước nhanh chóng sụt giảm trên 300.000 đồng/lượng, về ngưỡng 32,80 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều nay.
Lúc 17h chiều nay, giá vàng miếng bán ra đã được một số doanh nghiệp lớn hạ về mức 32,80 triệu đồng/lượng. Trước đó, vào đầu giờ chiều, giá vàng đã leo lên tới mức 33,15 triệu đồng/lượng, có nơi xấp xỉ 33,20 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm nhanh chóng của giá vàng trong nước chiều nay là tin Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn và ngân hàng thương mại. Được biết, các đơn vị được nhập vàng lần này gồm có Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Sacombank…
Tuy nhiên, theo thông tin từ một số đơn vị trong số này, hạn ngạch được Ngân hàng Nhà nước cấp lần này không nhiều, chỉ vài tạ mỗi đơn vị. Chẳng hạn Sacombank được nhập 3 tạ, PNJ cũng chỉ được cấp phép nhập 3 tạ… Khối lượng này xem ra không thấm vào đâu so với số vàng đã được xuất khẩu khỏi Việt Nam từ đầu năm tới nay dưới dạng nữ trang. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, đã có 36 tấn vàng được xuất đi, chưa kể tới đợt xuất mạnh trong tháng 8 vừa qua.
Là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất hiện nay nhưng SJC cho biết chỉ được nhập 2 tạ vàng đợt này và đã tiến hành nhập luôn trong ngày hôm nay. Ông Nguyễn Công Tường, Phó giám đốc kinh doanh của SJC cho biết, khối lượng vàng được nhập này tương đương với 6.000 lượng vàng mà SJC bán ra trong ngày.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, PNJ nhận được giấy phép nhập vàng từ cơ quan chức năng vào lúc khoảng 15h chiều nay. Trước đó, tin đồn được nhập vàng đã xuất hiện trên thị trường, khiến nhiều người đổ đi bán vàng vì lo ngại giá sẽ có sự điều chỉnh giảm mạnh.
“Trong buổi sáng, lực mua cắt lỗ trên thị trường vẫn mạnh vì người dân hầu như không thấy dấu hiệu nào cho thấy giá vàng có thể giảm. Tuy nhiên, từ khoảng 14h30 chiều, khối lượng vàng bán ra tăng mạnh, dù chưa nhiều bằng lượng mua trước đó”, bà Cúc nói. Tính đến khoảng 17 giờ chiều, hệ thống PNJ đã bán ra được 5.000 lượng vàng và gom mua được 2.800 lượng.
Bà Cúc cho biết, hạn ngạch nhập vàng của PNJ có thời hạn đến ngày 12/10. Theo nhà kinh doanh vàng này, nếu lấy giá USD thị trường tự do để quy đổi, thì mức lãi đối với vàng nhập hiện chỉ vào khoảng vài chục ngàn mỗi lượng, nhưng công ty vẫn sẽ nhập để có vàng cân đối giữa mua vào và bán ra.
“Nguyên tắc của kinh doanh vàng là phải cân đối giữa mua và bán để tránh rủi ro về biến động giá, nhất là trong thời điểm giá vàng diễn biến khó lường như gần đây. Thực ra nguồn vàng của các doanh nghiệp không đến nỗi khan tới mức không có để bán, nhưng khi khách hàng chỉ mua chứ không bán, chúng tôi bị đặt vào thế rủi ro”, bà Cúc nói.
Bà Cúc nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng, khối lượng tuy không lớn, nhưng có tác động tích cực tới tâm lý thị trường, giúp giảm lực mua, tăng lực bán, theo đó giảm bớt áp lực tăng giá đối với giá vàng trong nước. Theo bà Cúc, thời gian tới, không loại trừ khả năng giá vàng trong nước sẽ lại rẻ hơn giá vàng thế giới.
Lãnh đạo một đơn vị kinh doanh vàng phía Nam khác cho biết, trước khi thông tin cho nhập vàng được loan đi, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp vàng lớn đã tranh thủ xả hàng lúc đầu giờ chiều nay ở mức giá đỉnh, kéo giá vàng trong nước giảm mạnh.
Lúc 17h03, giá vàng SJC do SJC báo cho thị trường Tp.HCM là 32,77 triệu đồng/lượng (mua vào) và 32,83 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 320.000 đồng/lượng so với mức đỉnh 33,15 triệu đồng/lượng cách đó ít giờ đồng hồ. Trước đó chừng 20 phút, giá vàng bán ra tại công ty này là 32,95 triệu đồng/lượng.
Lúc 17h, Công ty Phú Quý tại Hà Nội niêm yết giá vàng SJC ở mức 32,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 32,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Một nhân viên ở đây đề nghị khách hàng thông cảm vì giá vàng đang trong thời điểm “hỗn loạn”, buộc công ty phải để mức chênh lệch rộng giữa giá mua và giá bán vàng để tránh rủi ro.
Trái với sự xuống dốc nhanh chóng của giá vàng, giá USD thị trường tự do chiều nay leo thang sau khi tạm nghỉ vào buổi sáng. Cuối giờ chiều, các điểm giao dịch ngoại tệ tại Hà Nội báo giá USD phổ biến ở mức 19.840 đồng (mua vào) và 19.880 đồng (bán ra), giá mua tăng thêm 40 đồng, giá bán tăng 30 đồng so với buổi trưa nay.
Giá vàng giao ngay tại London lúc 17h25 chiều nay đứng ở mức trên 1.358 USD/oz, tăng 8,2 USD/oz so với giá đóng cửa phiên trước tại New York. Trước đó, giá vàng thế giới trong chiều nay đã có thời điểm lên tới kỷ lục 1.365 USD/oz, kéo giá vàng trong nước qua mức 33,15 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích quốc tế, thông tin về việc Việt Nam được nhập vàng đã góp phần kéo giá vàng thế giới tăng mạnh từ buổi trưa, sau khi giảm trong phiên buổi sáng.
Tuy nhiên, hiện tại, đồng USD yếu vẫn đang là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất của giá vàng. Lúc 17h30 chiều nay, tỷ giá Euro/USD quốc tế đã tăng lên mức gần 1,40 USD/Euro, từ mức 1,39 USD/Euro vào buổi sáng. Giới đầu tư đang dự báo, những số liệu kém tích cực về thị trường việc làm của Mỹ sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng cường nới lỏng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng, theo đó khiến USD thêm mất giá.
Lúc 17h chiều nay, giá vàng miếng bán ra đã được một số doanh nghiệp lớn hạ về mức 32,80 triệu đồng/lượng. Trước đó, vào đầu giờ chiều, giá vàng đã leo lên tới mức 33,15 triệu đồng/lượng, có nơi xấp xỉ 33,20 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm nhanh chóng của giá vàng trong nước chiều nay là tin Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn và ngân hàng thương mại. Được biết, các đơn vị được nhập vàng lần này gồm có Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Sacombank…
Tuy nhiên, theo thông tin từ một số đơn vị trong số này, hạn ngạch được Ngân hàng Nhà nước cấp lần này không nhiều, chỉ vài tạ mỗi đơn vị. Chẳng hạn Sacombank được nhập 3 tạ, PNJ cũng chỉ được cấp phép nhập 3 tạ… Khối lượng này xem ra không thấm vào đâu so với số vàng đã được xuất khẩu khỏi Việt Nam từ đầu năm tới nay dưới dạng nữ trang. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, đã có 36 tấn vàng được xuất đi, chưa kể tới đợt xuất mạnh trong tháng 8 vừa qua.
Là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất hiện nay nhưng SJC cho biết chỉ được nhập 2 tạ vàng đợt này và đã tiến hành nhập luôn trong ngày hôm nay. Ông Nguyễn Công Tường, Phó giám đốc kinh doanh của SJC cho biết, khối lượng vàng được nhập này tương đương với 6.000 lượng vàng mà SJC bán ra trong ngày.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, PNJ nhận được giấy phép nhập vàng từ cơ quan chức năng vào lúc khoảng 15h chiều nay. Trước đó, tin đồn được nhập vàng đã xuất hiện trên thị trường, khiến nhiều người đổ đi bán vàng vì lo ngại giá sẽ có sự điều chỉnh giảm mạnh.
“Trong buổi sáng, lực mua cắt lỗ trên thị trường vẫn mạnh vì người dân hầu như không thấy dấu hiệu nào cho thấy giá vàng có thể giảm. Tuy nhiên, từ khoảng 14h30 chiều, khối lượng vàng bán ra tăng mạnh, dù chưa nhiều bằng lượng mua trước đó”, bà Cúc nói. Tính đến khoảng 17 giờ chiều, hệ thống PNJ đã bán ra được 5.000 lượng vàng và gom mua được 2.800 lượng.
Bà Cúc cho biết, hạn ngạch nhập vàng của PNJ có thời hạn đến ngày 12/10. Theo nhà kinh doanh vàng này, nếu lấy giá USD thị trường tự do để quy đổi, thì mức lãi đối với vàng nhập hiện chỉ vào khoảng vài chục ngàn mỗi lượng, nhưng công ty vẫn sẽ nhập để có vàng cân đối giữa mua vào và bán ra.
“Nguyên tắc của kinh doanh vàng là phải cân đối giữa mua và bán để tránh rủi ro về biến động giá, nhất là trong thời điểm giá vàng diễn biến khó lường như gần đây. Thực ra nguồn vàng của các doanh nghiệp không đến nỗi khan tới mức không có để bán, nhưng khi khách hàng chỉ mua chứ không bán, chúng tôi bị đặt vào thế rủi ro”, bà Cúc nói.
Bà Cúc nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng, khối lượng tuy không lớn, nhưng có tác động tích cực tới tâm lý thị trường, giúp giảm lực mua, tăng lực bán, theo đó giảm bớt áp lực tăng giá đối với giá vàng trong nước. Theo bà Cúc, thời gian tới, không loại trừ khả năng giá vàng trong nước sẽ lại rẻ hơn giá vàng thế giới.
Lãnh đạo một đơn vị kinh doanh vàng phía Nam khác cho biết, trước khi thông tin cho nhập vàng được loan đi, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp vàng lớn đã tranh thủ xả hàng lúc đầu giờ chiều nay ở mức giá đỉnh, kéo giá vàng trong nước giảm mạnh.
Lúc 17h03, giá vàng SJC do SJC báo cho thị trường Tp.HCM là 32,77 triệu đồng/lượng (mua vào) và 32,83 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 320.000 đồng/lượng so với mức đỉnh 33,15 triệu đồng/lượng cách đó ít giờ đồng hồ. Trước đó chừng 20 phút, giá vàng bán ra tại công ty này là 32,95 triệu đồng/lượng.
Lúc 17h, Công ty Phú Quý tại Hà Nội niêm yết giá vàng SJC ở mức 32,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 32,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Một nhân viên ở đây đề nghị khách hàng thông cảm vì giá vàng đang trong thời điểm “hỗn loạn”, buộc công ty phải để mức chênh lệch rộng giữa giá mua và giá bán vàng để tránh rủi ro.
Trái với sự xuống dốc nhanh chóng của giá vàng, giá USD thị trường tự do chiều nay leo thang sau khi tạm nghỉ vào buổi sáng. Cuối giờ chiều, các điểm giao dịch ngoại tệ tại Hà Nội báo giá USD phổ biến ở mức 19.840 đồng (mua vào) và 19.880 đồng (bán ra), giá mua tăng thêm 40 đồng, giá bán tăng 30 đồng so với buổi trưa nay.
Giá vàng giao ngay tại London lúc 17h25 chiều nay đứng ở mức trên 1.358 USD/oz, tăng 8,2 USD/oz so với giá đóng cửa phiên trước tại New York. Trước đó, giá vàng thế giới trong chiều nay đã có thời điểm lên tới kỷ lục 1.365 USD/oz, kéo giá vàng trong nước qua mức 33,15 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích quốc tế, thông tin về việc Việt Nam được nhập vàng đã góp phần kéo giá vàng thế giới tăng mạnh từ buổi trưa, sau khi giảm trong phiên buổi sáng.
Tuy nhiên, hiện tại, đồng USD yếu vẫn đang là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất của giá vàng. Lúc 17h30 chiều nay, tỷ giá Euro/USD quốc tế đã tăng lên mức gần 1,40 USD/Euro, từ mức 1,39 USD/Euro vào buổi sáng. Giới đầu tư đang dự báo, những số liệu kém tích cực về thị trường việc làm của Mỹ sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng cường nới lỏng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng, theo đó khiến USD thêm mất giá.