12:36 08/09/2009

"Chợ" lao động tại làng hoa Tây Tựu

Dũng Hiếu

Thu nhập của lao động nông nghiệp ở Tây Tựu cao và ổn định, trung bình từ 70 đến 100 nghìn đồng mỗi ngày

Cả xã Tây Tựu có 2.700 hộ dân thì có tới 95% số hộ trồng hoa.
Cả xã Tây Tựu có 2.700 hộ dân thì có tới 95% số hộ trồng hoa.
Một vài năm gần đây, những lao động từ các vùng lân cận ở Hà Nội, thậm chí  từ Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang cũng tụ về làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm - Hà Nội) hình thành nên một số "chợ" lao động.

Hoạt động rất đều đặn từ 5 - 7h sáng mỗi ngày, những "chợ" này tập hợp từ 300 - 500 lao động.

Nếu như huyện Từ Liêm được đánh giá là vùng hoa lớn nhất ngoại thành với diện tích 500 ha thì xã Tây Tựu chiếm tới 66% diện tích toàn huyện. Năm 1994, toàn xã mới chỉ có 18ha trồng hoa thì nay đã lên tới hơn 300 ha, chiếm 84,6% diện tích canh tác toàn xã.

Cả xã có 2.700 hộ dân thì có tới 95% số hộ tham gia trồng hoa. Mỗi năm, xã tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động ở các tỉnh bạn, thu nhập bình quân một người đạt gần 1 triệu đồng/tháng, doanh thu toàn xã đạt trên 40 tỷ đồng mỗi năm.

Công việc giản đơn, thu nhập không nhỏ

Theo ông Nguyễn Phan Đoán, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, công việc mà những chủ vườn hoa ở Tây Tựu cần như: làm cỏ, tỉa cành, tỉa nhánh, tỉa nụ, chụp bông. Những công việc mà nghề trồng hoa không thể thay thế sức người bằng bất kỳ một loại máy móc nào. Công việc ngày nào cũng sẵn nên những lao động tập trung tại chợ không mấy khi không có người thuê.

5h sáng, khi trời vẫn mờ mịt mặt người thì chợ lao động ở Tây Tựu đã nhộn nhịp. Công việc nhà nông thường bắt đầu sớm nên chỉ sau một tiếng, chợ đã gần như vãn.

Công việc tại làng hoa giản đơn và thu nhập cũng không phải ít. Chị Nguyễn Thị Gái đang làm cỏ cho một vườn hoa gần chợ cho biết, công việc của chị chỉ là tỉa cành nên thu nhập ít nhất trong những phần việc tại vườn hoa (70.000 đồng/ngày). Đi làm đều, mỗi tháng chị cũng cho thu nhập trên 2 triệu đồng. Hai con trai đầu của chị cũng đi làm thuê nên ngoài cấy 3 sào ruộng, thu nhập của 3 mẹ con cũng góp phần cải thiện cuộc sống, đủ nuôi 2 cậu con trai còn nhỏ đi học.

Còn 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh ở Trôi ngày nào cũng đạp xe 5 cây số về Tây Tựu làm. Mỗi ngày 3 mẹ con cũng kiếm được trên 200.000 đồng. Chị Thanh vừa thoăn thoắt tỉa nhánh hoa cúc vừa cười: “Công việc nhẹ nhàng, chỉ phải chịu nắng gió một chút thôi nhưng thu nhập còn cao hơn làm việc tại khu công nghiệp, lại an toàn, không sợ bị lừa”.

Chị cho biết, tầm tuổi trên 40 như chị ở nhiều xã không có nghề phụ, đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Chính vì thế họ đã tìm về Tây Tựu để làm thuê, kiếm thêm thu nhập. Còn các ông chồng ở nhà quán xuyến việc cám bã, chăn nuôi lợn, gà, nấu cơm tối chờ vợ, con về.

Có cầu, ắt có cung

Sự chuyển dịch lao động nông nghiệp từ làng này sang làng khác, xã này sang xã khác và cả những lao động từ tỉnh ngoài về Tây Tựu là nhu cầu tất yếu của cung - cầu lao động nông nghiệp. Tuy không diễn ra như qui mô của các sàn giao dịch việc làm được tổ chức ở thành phố nhưng cũng đã khẳng định một xu hướng mới, một cơ hội mới cho lao động nông nghiệp ở vùng ven đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Phan Đoán tâm sự: “Khi thấy ngày càng có nhiều lao động tìm về Tây Tựu tìm việc, đứng tụ tập gây cản trở giao thông, chính quyền xã đã tổ chức lực lượng công an xã, dân phòng và các trưởng thôn sắp xếp cho lao động tập trung tại 3 điểm cố định ở 3 thôn. Đồng thời hàng ngày xuất hiện nhắc nhở, tiếp xúc với bà con để nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự. Nhưng hầu hết những lao động tại chợ đều là những người nông dân chân chất, nên chưa có vụ việc gì xảy ra trên địa bàn liên quan đến đội quân lao động này”.

Xã cũng tạo điều kiện, huyện Từ Liêm cũng ủng hộ, tạo việc làm, giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ nông dân. Mỗi ngày ở Tây Tựu cũng giải quyết việc làm cho cả nghìn lao động từ nơi khác đến. Thu nhập của lao động nông nghiệp ở Tây Tựu lại cao và ổn định, trung bình từ 70 đến 100 nghìn đồng/người/ngày. Riêng người biết ghép giống thì lúc nào cũng đắt giá nhất, thuộc vào loại công đặc biệt, dễ dàng kiếm từ 200 đến 300 nghìn đồng mỗi ngày.

Thu nhập từ trồng hoa và trồng rau ở nhiều vùng ven đô Hà Nội đã thực sự mang lại đổi thay rõ nét cho người nông dân. Nhiều người đã vươn lên tiếp cận công nghệ, thị trường để trở thành những ông chủ, bà chủ, tạo việc làm cho số lượng lớn lao động nông nghiệp. Nhu cầu lao động nông nghiệp ngày một lớn nên việc hình thành chợ lao động như ở Tây Tựu đang mở ra một xu thế mới cần được Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội quan tâm, nhân rộng.