08:30 11/06/2007

Cho vay đầu tư chứng khoán: Phía sau hạn mức 3%

Minh Đức

Thay vì sự sôi động trong thời gian qua, các ngân hàng đang lặng lẽ xử lý sự việc đã rồi với thế "tiến thoái, lưỡng nan"

Nhiều bạn đọc VnEconomy lo ngại rằng với hạn mức 3% đó, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ gặp trở ngại lớn.
Nhiều bạn đọc VnEconomy lo ngại rằng với hạn mức 3% đó, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ gặp trở ngại lớn.
Thay vì sự sôi động trong thời gian qua, các ngân hàng đang lặng lẽ xử lý sự việc đã rồi với thế "tiến thoái, lưỡng nan".

Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát rủi ro cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán đến với các ngân hàng khá bất ngờ, nhưng ít nhiều cũng đã được lường trước.

Đầu quý này, trong một cuộc hội thảo, một số công chức Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề cập đến khả năng áp dụng hạn mức 3% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay nói trên. Tuy nhiên, một số thành viên thị trường cho rằng họ khá bất ngờ về thời điểm chính thức áp dụng.

Bất ngờ này đang tạo ra những tình huống khó xử đối với hoạt động của ngân hàng thương mại, vốn đang chạy khá êm.

Thời sự nhất, được nhà đầu tư quan tâm hiện nay là câu chuyện hậu đấu giá cổ phần Bảo Việt. Một số ngân hàng có chủ trương hỗ trợ tín dụng cho nhà đầu tư tham gia đấu giá và mua cổ phần. Tuy nhiên, với chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, cả ngân hàng và nhà đầu tư đang ở thế “tiến thoái, lưỡng nan”.

Được sự hỗ trợ của ngân hàng, nhà đầu tư tự tin hơn khi tham gia đấu giá cổ phần Bảo Việt. Và nay, khi trúng giá, tiền đã đặt cọc, cơ hội đầu tư đến nhưng nhiều người không biết cách nào để xoay đủ tiền để đóng, khi hạn 26/6 đang đến gần.

Các ngân hàng có chủ trương hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư trong cuộc đấu giá này cũng ở thế khó xử, nếu không cho vay thì thất hứa với khách hàng (điều tối kỵ trong kinh doanh); nếu cho vay thì chắc chắn sẽ lún quá sâu so với mặt bằng hạn mức 3% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Ngân hàng lưỡng lự, và nếu theo đúng chỉ thị thì họ không thể vì dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán đã vượt ngưỡng 3%. Những số liệu trong bản tin nội bộ của một số ngân hàng đầu năm đề cập đến những tỷ lệ lên tới 10%, cá biệt 15% tổng dư nợ cho vay loại này. Theo đó, càng cho vay càng vượt xa ranh giới.

Trước bài toán này, nhà đầu tư trúng giá cổ phần Bảo Việt, đang thiếu vốn có khả năng sẽ phải bỏ tiền cọc, hoặc phải bán quyền bằng mọi cách và xem đây là một rủi ro trong đầu tư (?). Cũng có thể họ hy vọng ngân hàng sẽ cho qua nốt vụ này.

Ở một chuyện “hậu trường” khác, những ngân hàng (chủ yếu trong khối cổ phần) đang có dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán vượt quá 3%, ngoài quyết định chốt hẳn hoạt động cho vay này để tránh phát sinh, việc giải quyết “sự đã rồi” của phần vượt quá đó diễn ra khá lặng lẽ nhưng không đơn giản.

Hiệu lực của chỉ thị đã đành, nhưng các ngân hàng cần có độ trễ để đáo hạn các hợp đồng vay, hiện chủ yếu là ngắn hạn. Theo đó, phải mất một thời gian để “giảm cân”, đưa dư nợ về dưới 3% rồi nghiệp vụ này mới có thể tiếp tục triển khai.

Trong những câu chuyện liên quan đến vấn đề này, VnEconomy nhận được khá nhiều ý kiến từ đồng nghiệp, nhà đầu tư và bạn đọc. Họ lo ngại rằng với hạn mức 3% đó, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ gặp trở ngại lớn.

Đó là những doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Người lao động, công chức phần lớn thu nhập không đủ để tham gia mua cổ phần ưu đãi doanh nghiệp, họ vốn vẫn cậy nhờ kênh ngân hàng để nắm bắt được chế độ này. Còn nay, kênh hỗ trợ trở nên hạn chế, họ trông chờ vào đâu?

Trong một bài viết của một cộng tác viên – chuyên gia gửi tới VnEconomy về vấn đề này có đề cập đến tính hợp lý và hiệu quả của việc áp dụng hạn mức 3% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, vì an toàn hệ thống, vì tính nhạy cảm của hoạt động ngân hàng và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế nói chung…

Chuyên gia này cũng đánh giá cao đề xuất về một hạn mức linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm của thị trường. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ rất khó khăn bởi tính kỳ hạn của hoạt động cho vay và khả năng biến động nhanh chóng của thị trường chứng khoán.

Vậy nên có thể tìm đến những rào cản kỹ thuật khác để thay thế không? Nếu trưng cầu, hẳn Ngân hàng Nhà nước sẽ được nhiều chuyên gia sẵn sàng hiến kế. Đây cũng là một hướng giải quyết mà Bộ Tài chính, cũng như một số bộ ngành khác, đã và đang làm đối với những chính sách nhạy cảm.