09:47 18/04/2008

“Chọn mặt gửi vàng” Thương hiệu Quốc gia

Thúy Nhung - Mạnh Chung

Tối 17/4, 30 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã được trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự buổi lễ và trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia cho đại diện của các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự buổi lễ và trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia cho đại diện của các doanh nghiệp.
Tối 17/4, 30 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã được trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia.

Tại lễ công bố các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia tại Nhà hát lớn Hà Nội, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia nhấn mạnh: “Đây là chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia, với mục tiêu là xây dựng hình ảnh Việt Nam thành một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú về chất lượng”.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc gắn hình ảnh doanh nghiệp với Thương hiệu Quốc gia nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Chương trình sẽ xây dựng hình ảnh Việt Nam cũng như thương hiệu của doanh nghiệp theo phương châm gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực lãnh đạo”.

Trong số trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký tìm hiểu tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia gồm 58 chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực đã nhất trí thông qua 30 thương hiệu, sản phẩm của 30 doanh nghiệp đạt được tất cả các tiêu chí của Chương trình bao gồm các thương hiệu, sản phẩm thuộc các ngành hàng thực phẩm chế biến, dệt may, vật tư ngành điện, công nghệ thông tin...

“Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình nên mới chỉ có 30 doanh nghiệp được chọn. Tuy nhiên, chương trình sẽ không khống chế, cũng như không quá đề cao số lượng doanh nghiệp tham gia”, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết.

Ông cũng cho biết, Chính phủ sẽ bảo trợ cho các sản phẩm tham gia chương trình. Các tham tán thương mại tại nước ngoài sẽ tham gia vào việc quảng bá thương hiệu của sản phẩm này ở các nước. Các cơ quan liên quan như Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ có kế hoạch giúp doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngay tại Việt Nam và trên thế giới.

Các doanh nghiệp được gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia sẽ được tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, tập huấn kỹ năng về xây dựng và phát triển thương hiệu và nhiều chương trình khác. Các chương trình xúc tiến thương mại cũng sẽ có sự tham gia của các thương hiệu này.

Trong phạm vi chương trình, Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp có thương hiệu tham gia trong chương trình thương hiệu quốc gia được tham gia tư vấn cho Nhà nước, tư vấn cho Chính phủ về các chương trình có liên quan đến thương hiệu.

Bắt đầu từ thời điểm này, những doanh nghiệp đầu tiên được lựa chọn sẽ cùng tham gia triển khai những kế hoạch cụ thể trong định hướng phát triển chương trình, sau mỗi năm sẽ có những dịp tổng kết đánh giá.