Chọn ngân hàng gửi vốn: Thực tế và thận trọng
Bình luận từ kết quả cuộc khảo sát trực tuyến trên VnEconomy về các tiêu chí chọn ngân hàng để gửi tiền
Người dân đang thực tế hơn khi tìm ngân hàng gửi vốn, nhưng sự thận trọng trong lựa chọn vẫn thể hiện rõ nét.
Sau một tháng triển khai, cuộc khảo sát trực tuyến trên VnEconomy về các tiêu chí có ảnh hưởng nhất đến quyết định chọn ngân hàng để gửi tiền đã thu hút trên 6.000 bạn đọc tham gia.
Kết quả không có nhiều bất ngờ và có thể xem là một tham khảo cần cho các ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt tâm lý người gửi tiền hiện nay.
Lãi suất là số 1
Cuộc khảo sát được tiến hành trong thời điểm lãi suất huy động trên thị trường liên tục có những biến động mạnh, lạm phát và các kênh đầu tư chủ yếu (vàng, chứng khoán, bất động sản) diễn biến phức tạp. Và không bất ngờ khi lãi suất cao luôn là tiêu chí được lựa chọn nhiều nhất, áp đảo trong suốt quá trình khảo sát.
Người gửi tiền đang thực tế hơn. Dẫn đầu và chiếm tới 45,41% trong số 6.160 ý kiến tham gia cho biết lãi suất là tiêu chí được ưu tiên nhất khi họ quyết định chọn ngân hàng gửi tiền. Với tiêu chí này, khả năng sinh lời được đề cao.
Giải thích cho kết quả này có thể lấy một ví dụ từng được VnEconomy đề cập cách đây hai năm, rằng một trường hợp cư trú tại một huyện của Hà Tĩnh (địa bàn chỉ có sự hiện diện của ngân hàng quốc doanh, vốn có lãi suất thấp) đã chọn phương án chuyển tiền cho người thân tại Hà Nội gửi vào một ngân hàng cổ phần để có lãi suất cao hơn. Ở đây, lợi nhuận có ý nghĩa quyết định. Mặt khác, uy tín của khối ngân hàng cổ phần cũng đã có thời gian khẳng định.
Ở ví dụ trên, cũng như kết quả của cuộc khảo sát, một phần giải thích vì sao lãi suất luôn là công cụ số 1 trong cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng. Trong cuộc đua đỉnh điểm cuối tháng 2 vừa qua, có ngân hàng cổ phần đã huy động được tới 120 tỷ đồng/ngày, gấp 3 lần mức thường có do áp lãi suất vượt trội.
Và để giải thích cho sự dịch chuyển thị phần huy động từ các ngân hàng quốc doanh sang khối ngân hàng cổ phần những năm gần đây, chênh lệch lãi suất cũng là một cơ sở đầu tiên được xét đến.
Người gửi tiền đã và đang thực tế hơn, bởi thói quen gửi ngân hàng quốc doanh lãi suất thấp nhưng tin cậy đang dần thay đổi, khi vị trí và tên tuổi của nhiều ngân hàng cổ phần đã thực sự lớn mạnh.
Mặt khác, nhiều người dân hiểu rằng, gửi tiền ở ngân hàng nào cũng đều có được sự giám sát chung của Ngân hàng Nhà nước, có Bảo hiểm Tiền gửi hỗ trợ. Thực tế, từ năm 2003 đến nay, họ đã biết đến ít nhất ba trường hợp rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng do lo ngại đổ vỡ. Kết quả, chính người rút tiền là chịu thiệt thòi, ngân hàng vẫn đứng vững.
Uy tín là giá trị
Có tới 32,6% ý kiến, đứng thứ hai trong kết quả khảo sát, ưu tiên tiêu chí uy tín của ngân hàng để quyết định gửi tiền. Tỷ lệ này cho thấy nhiều người dân vẫn rất thận trọng trước tài sản của mình, dù hoạt động ngân hàng đã được các cơ quan quản lý giảm sát và bảo vệ.
Không như lãi suất, tiêu chí này không phải ngân hàng nào cũng khẳng định được và tạo sức lôi kéo dòng tiền về phía mình. Ở đây uy tín đồng nghĩa với giá trị riêng có, lợi thế cạnh tranh riêng có; và khối ngân hàng quốc doanh thường chiếm ưu thế bởi có bề dày truyền thống và có yếu tố “Nhà nước” trong cơ cấu.
Với phần lớn ngân hàng cổ phần, đặc biệt là những ngân hàng mới chuyển đổi, mới thành lập, tiêu chí uy tín không phải là thế mạnh và đang phải xây dựng, chứng minh. Bù lại, một diễn biến trên thực tế dễ thấy là những ngân hàng này thường đẩy cao lợi thế lãi suất. Đặt trong bối cảnh áp trần lãi suất thỏa thuận hiện nay, những ngân hàng này đang chịu thiệt thòi.
Một ví dụ khác có thể giải thích vì sao uy tín ngân hàng có được vị trí thứ hai trong kết quả khảo sát, chi phối quyết định của người gửi tiền:
Trong đợt biến động lãi suất mạnh vừa qua, đặc biệt trong tháng 2, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) không có những quyết định tăng dồn dập, không có những mức lãi suất vượt trội, nhưng tốc độ huy động vẫn được duy trì; nguồn tiền gửi bị “rút ruột” không đáng kể.
Trước “hiện tượng” này, MB đã thực hiện một cuộc khảo sát, tổ chức phỏng vấn và lấy ý kiến các khách hàng cá nhân và có một kết quả đáng chú ý: Đa số khách hàng trả lời cho rằng chính ngân hàng không tăng lãi suất lại củng cố lòng tin của họ, rằng ngân hàng vẫn hoạt động tốt; trong khi những ngân hàng liên tục tăng lãi suất lại gây cảm giác bất an vì thiếu vốn, hoặc “có vấn đề” nào đó…
Hoài nghi về hiệu quả khuyến mại
Trong kết quả khảo sát, khá bất ngờ khi các chương trình khuyến mại lại có ảnh hưởng ít nhất đến quyết định của người gửi tiền; chỉ có 1,54% lựa chọn, thấp hơn nhiều so với các tiêu chí cạnh tranh khác như chất lượng dịch vụ của ngân hàng, các tiện ích đi kèm và mạng lưới giao dịch thuận tiện.
Với kết quả trên, một lần nữa cho thấy người gửi tiền đang thực tế hơn và ít chịu chi phối bởi tính may rủi. Ở đây lại đặt sự hoài nghi vào hiệu quả của các chương trình khuyến mại; phía sau những chương trình đó là giá trị giải thưởng, nhưng cũng là niềm tin của người gửi tiền.
Có thể giải thích ở một nguyên nhân khác về sự lép vế của tiêu chí cạnh tranh này. Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có và liên tục có các chương trình khuyến mại hỗ trợ năng lực huy động.
Thống kê sơ bộ chỉ riêng những ngày đầu tháng 5 này cũng đã cho thấy ít nhất có 20 chương trình khuyến mại mới được triển khai, với những giá trị lớn và xác suất trúng thưởng khá tương đồng. Theo đó, người gửi tiền có thể được tham gia khi gửi tiền ở bất cứ ngân hàng nào và tiêu chí “có khuyến mại hấp dẫn” không ảnh hưởng lớn tới quyết định lựa chọn của họ.
Sau một tháng triển khai, cuộc khảo sát trực tuyến trên VnEconomy về các tiêu chí có ảnh hưởng nhất đến quyết định chọn ngân hàng để gửi tiền đã thu hút trên 6.000 bạn đọc tham gia.
Kết quả không có nhiều bất ngờ và có thể xem là một tham khảo cần cho các ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt tâm lý người gửi tiền hiện nay.
Lãi suất là số 1
Cuộc khảo sát được tiến hành trong thời điểm lãi suất huy động trên thị trường liên tục có những biến động mạnh, lạm phát và các kênh đầu tư chủ yếu (vàng, chứng khoán, bất động sản) diễn biến phức tạp. Và không bất ngờ khi lãi suất cao luôn là tiêu chí được lựa chọn nhiều nhất, áp đảo trong suốt quá trình khảo sát.
Người gửi tiền đang thực tế hơn. Dẫn đầu và chiếm tới 45,41% trong số 6.160 ý kiến tham gia cho biết lãi suất là tiêu chí được ưu tiên nhất khi họ quyết định chọn ngân hàng gửi tiền. Với tiêu chí này, khả năng sinh lời được đề cao.
Giải thích cho kết quả này có thể lấy một ví dụ từng được VnEconomy đề cập cách đây hai năm, rằng một trường hợp cư trú tại một huyện của Hà Tĩnh (địa bàn chỉ có sự hiện diện của ngân hàng quốc doanh, vốn có lãi suất thấp) đã chọn phương án chuyển tiền cho người thân tại Hà Nội gửi vào một ngân hàng cổ phần để có lãi suất cao hơn. Ở đây, lợi nhuận có ý nghĩa quyết định. Mặt khác, uy tín của khối ngân hàng cổ phần cũng đã có thời gian khẳng định.
Ở ví dụ trên, cũng như kết quả của cuộc khảo sát, một phần giải thích vì sao lãi suất luôn là công cụ số 1 trong cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng. Trong cuộc đua đỉnh điểm cuối tháng 2 vừa qua, có ngân hàng cổ phần đã huy động được tới 120 tỷ đồng/ngày, gấp 3 lần mức thường có do áp lãi suất vượt trội.
Và để giải thích cho sự dịch chuyển thị phần huy động từ các ngân hàng quốc doanh sang khối ngân hàng cổ phần những năm gần đây, chênh lệch lãi suất cũng là một cơ sở đầu tiên được xét đến.
Người gửi tiền đã và đang thực tế hơn, bởi thói quen gửi ngân hàng quốc doanh lãi suất thấp nhưng tin cậy đang dần thay đổi, khi vị trí và tên tuổi của nhiều ngân hàng cổ phần đã thực sự lớn mạnh.
Mặt khác, nhiều người dân hiểu rằng, gửi tiền ở ngân hàng nào cũng đều có được sự giám sát chung của Ngân hàng Nhà nước, có Bảo hiểm Tiền gửi hỗ trợ. Thực tế, từ năm 2003 đến nay, họ đã biết đến ít nhất ba trường hợp rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng do lo ngại đổ vỡ. Kết quả, chính người rút tiền là chịu thiệt thòi, ngân hàng vẫn đứng vững.
Uy tín là giá trị
Có tới 32,6% ý kiến, đứng thứ hai trong kết quả khảo sát, ưu tiên tiêu chí uy tín của ngân hàng để quyết định gửi tiền. Tỷ lệ này cho thấy nhiều người dân vẫn rất thận trọng trước tài sản của mình, dù hoạt động ngân hàng đã được các cơ quan quản lý giảm sát và bảo vệ.
Không như lãi suất, tiêu chí này không phải ngân hàng nào cũng khẳng định được và tạo sức lôi kéo dòng tiền về phía mình. Ở đây uy tín đồng nghĩa với giá trị riêng có, lợi thế cạnh tranh riêng có; và khối ngân hàng quốc doanh thường chiếm ưu thế bởi có bề dày truyền thống và có yếu tố “Nhà nước” trong cơ cấu.
Với phần lớn ngân hàng cổ phần, đặc biệt là những ngân hàng mới chuyển đổi, mới thành lập, tiêu chí uy tín không phải là thế mạnh và đang phải xây dựng, chứng minh. Bù lại, một diễn biến trên thực tế dễ thấy là những ngân hàng này thường đẩy cao lợi thế lãi suất. Đặt trong bối cảnh áp trần lãi suất thỏa thuận hiện nay, những ngân hàng này đang chịu thiệt thòi.
Một ví dụ khác có thể giải thích vì sao uy tín ngân hàng có được vị trí thứ hai trong kết quả khảo sát, chi phối quyết định của người gửi tiền:
Trong đợt biến động lãi suất mạnh vừa qua, đặc biệt trong tháng 2, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) không có những quyết định tăng dồn dập, không có những mức lãi suất vượt trội, nhưng tốc độ huy động vẫn được duy trì; nguồn tiền gửi bị “rút ruột” không đáng kể.
Trước “hiện tượng” này, MB đã thực hiện một cuộc khảo sát, tổ chức phỏng vấn và lấy ý kiến các khách hàng cá nhân và có một kết quả đáng chú ý: Đa số khách hàng trả lời cho rằng chính ngân hàng không tăng lãi suất lại củng cố lòng tin của họ, rằng ngân hàng vẫn hoạt động tốt; trong khi những ngân hàng liên tục tăng lãi suất lại gây cảm giác bất an vì thiếu vốn, hoặc “có vấn đề” nào đó…
Hoài nghi về hiệu quả khuyến mại
Trong kết quả khảo sát, khá bất ngờ khi các chương trình khuyến mại lại có ảnh hưởng ít nhất đến quyết định của người gửi tiền; chỉ có 1,54% lựa chọn, thấp hơn nhiều so với các tiêu chí cạnh tranh khác như chất lượng dịch vụ của ngân hàng, các tiện ích đi kèm và mạng lưới giao dịch thuận tiện.
Với kết quả trên, một lần nữa cho thấy người gửi tiền đang thực tế hơn và ít chịu chi phối bởi tính may rủi. Ở đây lại đặt sự hoài nghi vào hiệu quả của các chương trình khuyến mại; phía sau những chương trình đó là giá trị giải thưởng, nhưng cũng là niềm tin của người gửi tiền.
Có thể giải thích ở một nguyên nhân khác về sự lép vế của tiêu chí cạnh tranh này. Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có và liên tục có các chương trình khuyến mại hỗ trợ năng lực huy động.
Thống kê sơ bộ chỉ riêng những ngày đầu tháng 5 này cũng đã cho thấy ít nhất có 20 chương trình khuyến mại mới được triển khai, với những giá trị lớn và xác suất trúng thưởng khá tương đồng. Theo đó, người gửi tiền có thể được tham gia khi gửi tiền ở bất cứ ngân hàng nào và tiêu chí “có khuyến mại hấp dẫn” không ảnh hưởng lớn tới quyết định lựa chọn của họ.