15:51 18/08/2007

Chọn voi trắng hay chọn trâu đen?

Các tổng công ty Nhà nước đang đua nhau chuyển thành các tập đoàn và mở rộng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực

Mô hình tập đoàn không đơn giản chỉ là phép cộng.
Mô hình tập đoàn không đơn giản chỉ là phép cộng.
Bài viết của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam.

Hiện nay các tổng công ty lớn của Nhà nước đang đua nhau chuyển đổi thành các tập đoàn, với mong muốn trở thành những quả đấm thép trong nền kinh tế.

Đây có phải là một trào lưu tốt hay không thì cần có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, việc xem xét những hình mẫu đi trước ở các nước cũng có thể lường đón được điều gì có thể xảy ra.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan: Con đường trở thành những ngôi sao

Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Hàn Quốc chỉ là một quốc gia nghèo đói, vậy mà sau vài ba thập kỷ, họ đã nằm trong nhóm các nước công nghiệp mới và đến nay, nước này đã trở thành nền kinh tế xếp hạng 11 thế giới với GDP bình quân đầu người (tính theo ngang bằng sức mua - PPP) lên đến 24.500 USD so với 100 USD vào năm 1963.

Chính các chaebol - mô hình tập đoàn kinh tế với một doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong một ngành trọng điểm nào đó làm trung tâm được vây quanh bởi các đơn vị hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau - đã làm nên điều thần kỳ này.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với Nhật Bản. Sau thất bại trong Thế chiến thứ hai, bắt đầu từ những đống đổ nát với một nền kinh tế kiệt quệ, nhưng chưa đầy một nửa thế kỷ sau, các keiretsu - mô hình tập đoàn kinh tế với nòng cốt thường là một ngân hàng được vây quanh bởi các đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau - đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là sau một thời gian gặt hái được những thành công rực rỡ, rất nhiều tập đoàn kinh tế của hai nước đã bộc lộ những điểm yếu cố hữu gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Trái ngược với hai quốc gia trên, chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cứ bảy người dân có một doanh nghiệp, đã đưa Đài Loan từ con số không tròn trĩnh vào năm 1952 trở thành nền kinh tế xếp thứ 16 toàn cầu vào năm 2006 với GDP-PPP bình quân người lên đến 29.500 USD, cao hơn cả Hàn Quốc, và gấp Việt Nam gần 10 lần.

Một điểm đặc biệt quan trọng là nhờ sự năng động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay trong giai đoạn khủng khoảng tài chính Đông Á năm 1997-1998, Đài Loan vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế lên đến 5% (một tỷ lệ khá cao ở các nền kinh tế phát triển) trong khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát lại rất thấp.

Hơn thế, tuy ban đầu chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng theo thời gian, nhiều doanh nghiệp đã lớn lên và trở thành các tập đoàn tầm cỡ quốc tế, mà Acer là một điển hình.

Những thành công cũng như những vấn đề của ba nền kinh tế nêu trên đã được mổ xẻ rất nhiều, nhưng nếu nói một cách ngắn gọn nhất thì cả ba đã tận dụng tốt yếu tố “thiên thời” trên cơ sở vận dụng đúng các quy luật kinh tế.

Quy luật kinh tế được tuân thủ

Lý thuyết lợi thế kinh tế nhờ quy mô chỉ ra rằng, thông thường, một hoạt động kinh tế nào đó nếu ở một quy mô nhỏ thì chi phí đầu tư ban đầu cũng như các chi phí giao dịch sẽ rất lớn làm cho giá thành sản phẩm cao, kém sức cạnh tranh.

Việc liên kết các doanh nghiệp để cùng thực hiện một sản phẩm (liên kết ngang) hoặc tạo ra một chuỗi sản phẩm hay một sản phẩm hoàn chỉnh (liên kết dọc) nhằm tạo ra một quy mô đủ lớn sẽ khắc phục được điểm yếu nêu trên. Đây chính là lý do chính để các chaebol hay keiretsu được lập và hoạt động có hiệu quả trong một thời gian khá dài.

Đối với Đài Loan, cho dù hầu hết chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng do được tổ chức và hợp tác rất tốt, các hiệp hội phát huy được vai trò, nên các doanh nghiệp của nước này đã tạo ra được sự liên kết và tập trung cao (dense cluster) do vậy cũng đã phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, sử dụng nguồn lực hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế.

Yếu tố không kém phần quan trọng giúp cho các tập đoàn kinh tế hay chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa của ba nền kinh tế nêu trên thành công là do tất cả đều thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Có lẽ vì lý do này, nên dù có phải làm theo ý của Tổng thống Park Chung Hee, nhưng “Làm sao để doanh nghiệp của mình lớn mạnh?” vẫn là câu hỏi thường trực trong đầu những người chủ doanh nghiệp Hàn Quốc thay vì câu hỏi “Làm sao để Tổng thống hài lòng?”.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng, sở dĩ Hàn Quốc có thể thực hiện các chính sách công nghiệp dựa vào các chaebol một cách thành công trong những năm 1960-1980 là nhờ họ có một chính phủ rất mạnh với tình trạng tham nhũng rất thấp.

Trở lại Việt Nam

Nếu nhìn vào sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong những năm gần đây thì thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng, trong khi hầu hết những tổng công ty lớn của Nhà nước, trừ những ngành có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hay độc quyền tự nhiên, đều có vấn đề và là gánh nặng cho nền kinh tế (Thực ra, ở các doanh nghiệp có lợi thế cũng có vô số vấn đề, nhưng có thể đang tạm thời được che lấp bởi những nguồn lợi mà chúng mang lại).

Thực tế đã ra là vậy, nhưng đáng quan tâm hơn là gần đây đang có những xu hướng mà nếu không cẩn thận sẽ gây những tác động không tốt cho nền kinh tế.

Thứ nhất, khi những vấn đề cơ bản gây ra sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lý một cách triệt để, thì các tổng công ty lại đua nhau chuyển thành các tập đoàn và mở rộng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực mà chúng chẳng có liên quan gì với nhau, cũng như với hoạt động nòng cốt của doanh nghiệp.

Việc kết hợp là cần thiết, nhưng với mô hình tập đoàn kinh tế và những gì mà một số tập đoàn đang cố gắng làm giống như sự kết hợp kiểu tôm + cua + cá. Điều gì sẽ xảy ra nếu một con đi ngang, một con đi lui và một con đi tới bị buộc lại với nhau?

Hơn thế, với mô hình tổ chức và cách thức hoạt động không khác nhiều so với các tổng công ty hiện tại đang tạo ra rất nhiều kẽ hở. Thiệt hại đã là đáng kể khi những người không có năng lực điều hành doanh nghiệp, nhưng tổn thất cho nền kinh tế sẽ nặng nền hơn rất nhiều khi những người có năng lực tìm cách trục lợi. Khi đó, các tập đoàn kinh tế rất dễ trở thành những con voi trắng, những cỗ máy phung phí nguồn lực của xã hội.

Thứ hai, bên cạnh căn bệnh đói vốn kinh niên và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không những chưa tạo ra được sự liên kết mà còn cạnh tranh theo những phương thức không lành mạnh làm tổn hại lẫn nhau. Do vậy, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa được dành nguồn lực một cách thỏa đáng và những hiệp hội được thiết lập trên cơ sở tự nguyện vì lợi ích của từng thành viên thì khu vực này sẽ phát huy tốt hơn, và tạo được nhiều giá trị gia tăng cho xã hội hơn.

Những đỉnh cao chỉ huy là điều nhiều người mong muốn, những con voi trắng sẽ làm cho các lễ hội đẹp hơn, nhưng những chú trâu đen mới thực giúp người ta có được cơm no áo ấm. Vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, nên chọn con nào là điều cần cân nhắc.