09:46 23/03/2007

“Chống tham nhũng sẽ quyết liệt hơn trong năm 2007”

Nguyễn Quân

Nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra Chính phủ

“Cơ chế xin - cho, nếu còn tồn tại thì chống tham nhũng chưa hiệu quả” - Ảnh: VNN.
“Cơ chế xin - cho, nếu còn tồn tại thì chống tham nhũng chưa hiệu quả” - Ảnh: VNN.
Theo Phó tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình, công tác chống tham nhũng sẽ được đẩy mạnh tại tất cả các bộ, ngành và địa phương trong năm nay.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Mai Quốc Bình.

Thưa ông, phải kết hợp với việc triển khai quyết liệt Luật Phòng chống tham nhũng, kế hoạch và chủ trương của hoạt động thanh tra thời gian tới có gì thay đổi?

Hoạt động thanh tra thời gian tới sẽ là sự chủ động, không chỉ chờ công việc ở trên chỉ đạo. Còn kế hoạch hàng năm chỉ là tương đối, nhưng phần cố định và kiên quyết sẽ là công việc quản lý Nhà nước.

Với Cục Chống tham nhũng, được Thủ tướng Chính phủ giao theo dõi thực thi phòng chống tham nhũng ở địa phương, Cục sẽ có kế hoạch luân phiên làm việc với 64 tỉnh, thành và các bộ, ngành để rà soát xem kế hoạch triển khai phòng chống tham nhũng ra sao.

Mục đích là để tạo cho bộ máy được vận hành thật đều và chuyển động, làm cho năng lực, sức phát huy hoạt động thanh tra sẽ được hiệu quả hơn.

Với lịch trình luân phiên như vậy, năm 2007, đơn vị nào sẽ được thanh tra việc thực hiện phòng, chống tham nhũng?

Trong năm 2007, Cục Chống tham nhũng có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng tại Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM và Cần Thơ.

Năm nay, chúng tôi chỉ làm điểm, kiểm tra xác suất với một số nội dung cụ thể. Còn cần thiết thì mở rộng kiểm tra ra các nơi khác nữa chứ không chỉ đóng khung ở đây với mục đích chính là tác động cho tinh thần tích cực hăng hái các bộ, ngành trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình.

Mới đây, có tổng kết nhận định hệ thống thanh tra chuyên ngành còn yếu. Vậy vai trò của thanh tra chuyên ngành thời gian tới sẽ được củng cố như thế nào, thưa ông?

Lĩnh vực hoạt động của các bộ, ngành thường rất lớn, nên vai trò thanh tra các bộ, ngành đều có tầm rộng. Vì thế, đánh giá thanh tra chuyên ngành yếu cũng cần xem xét nhiều mặt.

Nhưng có điều chắc chắn là thời gian tới, chúng tôi sẽ củng cố hoạt động thanh tra của Bộ, ngành địa phương theo hướng phân cấp mạnh để thanh tra được chủ động các vấn đề, vụ việc thuộc phạm vi.

Thanh tra Chính phủ nhìn chung chỉ đảm nhiệm việc kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra đó khi cần thiết. Xu hướng là Thanh tra Chính phủ giảm bớt việc lập các Đoàn đi vào các bộ, ngành ở các vụ việc cụ thể. Nói chung là Thanh tra trung ương sẽ không ôm đồm như hiện nay.

Thưa ông, hình như vẫn còn nhiều địa phương chưa nộp báo cáo phòng chống tham nhũng?

Cho đến thời điểm này, vẫn còn 15 địa phương, đơn vị chưa gửi báo cáo về phòng chống tham nhũng, tôi chưa tiện nêu tên. Có thể có nguyên nhân gì đó, phải kiểm tra lại, nhưng dù thế nào việc chậm trễ như vậy cũng không tốt.

Còn lại, nhìn chung công cuộc phòng chống đã thể hiện những nỗ lực và bước đầu đã có chuyển động tích cực. Nhưng theo tôi vẫn còn nhiều vấn đề phải làm quyết liệt hơn, nhất là hoàn thiện cơ chế chính sách để không bị người ta lợi dụng tham nhũng. Ví dụ cơ chế xin - cho, nếu còn tồn tại thì chống tham nhũng chưa hiệu quả.

Theo ông, có hay không tình trạng thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nhưng xử lý sau thanh tra thì rất ít?

Đó là một tồn tại hiện nay. Báo cáo tổng kết của thanh tra vừa qua cho thấy, việc xử lý sau kết luận thanh tra chỉ đạt hơn 30%. Đó là cái yếu. Cái yếu này do cơ chế chứ không hẳn do thanh tra không quyết liệt.

Chính phủ đã thấy và đã có chỉ đạo cho thanh tra nghiên cứu tìm giải pháp để khắc phục tồn tại này, trong đó sẽ có phương án tính đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện kết luận thanh tra. Năm 2007 chính là năm khắc phục tồn tại này.