09:09 28/03/2011

Chữ ký số: Có thị trường nhưng còn băn khoăn

M.Chung

Nhiều doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán có nhu cầu sử dụng chữ ký số, nhưng vẫn còn băn khoăn về mức độ đảm bảo

Nếu thay chữ ký số cho toàn bộ chữ ký thông thường hiện nay thì sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí về in ấn, đi lại, nâng cao hiệu quả quản lý công văn giấy tờ.
Nếu thay chữ ký số cho toàn bộ chữ ký thông thường hiện nay thì sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí về in ấn, đi lại, nâng cao hiệu quả quản lý công văn giấy tờ.
Dịch vụ chữ ký số đã được cung cấp ra thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu và tiềm năng sử dụng lớn như ngân hàng, chứng khoán còn băn khoăn về phương thức sử dụng và mức độ đảm bảo.

Cuối tuần trước, tại hội thảo "Chữ ký số với các tổ chức tài chính" do Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán cho rằng, hiện tại và trong những năm tới, doanh nghiệp đều có nhu cầu lớn về sử dụng chữ ký số.

Bởi lẽ, nếu thay chữ ký số cho toàn bộ chữ ký thông thường hiện nay, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí in ấn, đi lại, nâng cao hiệu quả quản lý công văn giấy tờ và góp phần thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bắt đầu có thị trường

Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc VDC cho biết, sau hơn một năm cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng ra thị trường, đến thời điểm hiện tại, công ty đã triển khai được nhiều dự án lớn, như tích hợp chữ ký số vào giao dịch khai thuế điện tử cho hơn 10.000 doanh nghiệp; tích hợp chữ ký số vào giao dịch hải quan điện tử cho hơn 300 doanh nghiệp.

Ngoài các doanh nghiệp khai thuế điện tử và giao dịch hải quan, theo ông Đức, nhóm công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán đang và sẽ là "mảnh đất màu mỡ" của các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số.

Vì đối với nhóm khách hàng này, mức độ và tần suất thực hiện giao dịch được tính theo ngày và theo giờ, trong khi số lượng các công ty chứng khoán, ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là ngân hàng với hệ thống các chi nhánh tỏa rộng khắp cả nước.

Tuy vậy, VDC cũng mới chỉ khai thác được ở một số công ty chứng khoán, ngân hàng lớn như Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM, ngân hàng IVB và Ngân hàng Việt Nga.

Ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkav Telecom, một trong 5 đơn vị đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phân tích, chỉ tính riêng dịch vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân cũng có khoảng 18 triệu khách hàng cần sử dụng chữ ký số và khoảng 300.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Internet.

Trước nhu cầu và tiềm năng về dịch vụ chữ ký số, đồng thời để "chạy trước" kiếm tìm, xây dựng thị phần cho mình, Bkav Telecom và một số công ty được cung cấp dịch vụ chữ ký số đã và đang tăng cường số vốn đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, đồng thời thực hiện đẩy mạnh giới thiệu, tiếp thị về sản phầm dịch vụ chữ ký số của mình ra tới các doanh nghiệp.

"Trong tương lai, gần như bắt buộc các cá nhân và doanh nghiệp phải sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như khai báo và nộp thuế qua mạng, khai báo hải quan điện tử hay sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến để thích ứng với xu thế, vì thế, dịch vụ chữ ký số sẽ có nhiều tiềm năng phát triển", ông Ngô Tuấn Anh nhận định.

Nhưng vẫn còn băn khoăn

Thực tế, quy trình và thủ tục đăng ký, sử dụng chữ ký số khá đơn giản. Các đơn vị có nhu cầu chỉ cần đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ, điền vào mẫu và cung cấp các giấy tờ như bản sao đăng ký kinh doanh (với doanh nghiệp) hoặc chứng minh thư nhân dân (với cá nhân).

Sau khi đăng ký, nhà cung cấp sẽ cấp cho chứng thư số và khóa bí mật để tạo chữ ký số, được lưu trong thiết bị ký số chuyên dụng, ví dụ như USB Token hoặc Smartcard, thế là có thể sử dụng được.

Mặc dù vậy, đại diện nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán cùng chia sẻ, băn khoăn lớn nhất mà doanh nghiệp vẫn còn "lưỡng lự", hạn chế sử dụng chữ ký số là lo ngại các yếu tố bí mật, xác thực, nhất quán và không chối bỏ cho các  giao dịch điện tử, trong đó yếu tố xác thực trong chữ ký số liệu có được bảo đảm hay không? Hoặc khi có tranh chấp giữa các chữ ký số về mặt pháp lý thì giải quyết như thế nào?

Ông Lê Ngọc Đức lý giải, bản thân chữ ký số có đặc điểm là không thể giả mạo, chứng thực nguồn gốc xuất xứ, các quốc gia phát triển cũng đã sử dụng chứng thực số như một bằng chứng pháp lý từ rất sớm. Hơn nữa, các doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ chữ ký số cũng đều có những cam kết sẽ chịu trách nhiệm về tính chất xác thực, bí mật và mức độ nhất quán về chữ ký số đối với các đơn vị, cá nhân sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, theo ông Đức, trước mắt, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chữ ký số cần xác định chiến lược ứng dụng tổng thể, chia thành các giai đoạn, xác định rõ phạm vi ứng dụng, quy mô triển khai, ngân sách đầu tư và các chiến lược cho ứng dụng chữ ký số.

Ngoài ra, do các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, vấn đề về pháp lý, kinh nghiệm triển khai là rất quan trọng, nên ban đầu, doanh nghiệp ứng dụng có thể triển khai thí điểm ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm, sau đó mới tiến tới triển khai trên quy mô rộng.