20:10 20/09/2007

“Chu Lai đã chuyển hướng thu hút đầu tư”

P.V

Sau 4 năm thành lập, Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam - có những thay đổi gì trong việc thu hút đầu tư?

TS. Lê Phước Thanh.
TS. Lê Phước Thanh.
Sau 4 năm thành lập, Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam - có những thay đổi gì trong việc thu hút đầu tư?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Phước Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai xung quanh chủ đề trên. Ông Thanh nói:

- Trong giai đoạn đầu phát triển, có thể nói Chu Lai còn hơi lúng túng trong xác định hướng đi và cách tiếp cận các nguồn lực đầu tư. Do vậy, nhiều dự án đến với Chu Lai trước đây đa phần là để chiếm đất, xí chỗ.

Đứng trước tình hình đó, chúng tôi đã tập trung rà soát, phân loại cụ thể từng dự án để có hướng xử lý dứt điểm: đối với dự án không có khả năng triển khai hoặc có dấu hiệu "giữ chỗ" thì kiên quyết thu hồi, đối với những dự án có khả năng triển khai những gặp khó khăn thì tìm cách hỗ trợ giải quyết để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Qua kết quả rà soát, chúng tôi đã tiến hành thu hồi 27 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 230 triệu USD.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã chuyển hướng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, từ chỗ xúc tiến các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu công nghiệp là chủ yếu, nay chuyển sang xúc tiến các dự án dịch vụ du lịch cao cấp, dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai như khu thương mại tự do, các khu công nghiệp, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà…

Đối với lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi chỉ chấp thuận đầu tư đối với các dự án công nghiệp không ô nhiễm, ưu tiên cho các dự án công nghệ cao và công nghiệp sạch.

Đầu tư hạ tầng đang hấp dẫn

Hiện nhiều nhà đầu tư cho rằng, cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế mở Chu Lai còn chưa đồng bộ, "vẫn thiếu trước hụt sau", nhất là năng lực vận tải của đường biển…

Vận tải đường biển và đường hàng không có vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai. Đúng là năng lực vận tải đường biển của chúng tôi còn hơi kém, tuy vậy đây không phải là tất cả vì cách Khu kinh tế mở Chu Lai không xa về phía Nam chừng 10 km, có cảng Dung Quất, về phía Bắc có cảng Đà Nẵng - năng lực vận tải của các cảng này rất lớn, có thể đón tàu từ 30-50 vạn tấn.

Vì vậy chúng tôi xác định, đối với những mặt hàng của ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch sẽ sử dụng cảng Kỳ Hà vận chuyển. Đối với những loại hàng hoá có sử dụng tàu trọng tải lớn, chúng tôi sẽ phối hợp với cảng Dung Quất và Đà Nẵng hợp tác vận chuyển thay.

Riêng về cơ sở hạ tầng, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian qua chúng tôi đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu như sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, một số tuyến giao thông quan trọng, đặc biệt đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khoảng 300 ha khu công nghiệp và đã lấp đầy 80% diện tích.

Ngoài ra, chúng tôi đang tập trung nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà để đón tàu 20 vạn tấn; xúc tiến triển khai tuyến đường Thanh niên ven biển phục vụ cho các dự án du lịch. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho UBND tỉnh Quảng Nam thành lập đơn vị sự nghiệp để làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, điều này sẽ tốt hơn trong công tác quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tiến hành việc chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt qui hoạch sân bay Chu Lai và đưa công trình này vào danh mục những công trình trọng điểm quốc gia.

Luồng vốn đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai hiện có gì đáng chú ý, thưa ông?

Nếu như năm 2006 và những năm trước đó, các nhà đầu tư chủ yếu đến Chu Lai để nghiên cứu các dự án sản xuất kinh doanh thì trong năm 2007, lĩnh vực đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai đã bắt đầu hấp dẫn các nhà đầu tư.

Các số liệu cho thấy không những số dự án tăng mà quy mô vốn đầu tư cũng tăng đáng kể, nếu năm 2006 bình quân 4 triệu USD/1 dự án thì quy mô vốn đầu tư bình quân 1 dự án trong 6 tháng đầu năm 2007 là 18,2 triệu USD, gấp 4,5 lần.

Trong số các dự án được cấp phép từ đầu năm 2007 đến nay thì lĩnh vực du lịch có tỷ trọng vốn lớn nhất, chiếm 88,8% tổng vốn đăng ký đầu tư được cấp phép (175/197 triệu USD), tiêu biểu là các dự án khu du lịch sinh thái Cát Vàng Chu Lai 50 triệu USD, khu du lịch Le Domaine de Tamhai 43 triệu USD, khu du lịch Cadasa 37 triệu USD...

Các dự án này hiện đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục đất đai và xây dựng, riêng dự án khu du lịch Cát Vàng Chu Lai - khu du lịch tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên của Khu kinh tế mở Chu Lai với 220 biệt thự và phòng nghỉ cao cấp đã bắt đầu triển khai xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1.

Ngoài những dự án trên, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiếp và làm việc với hơn 50 đoàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực đầu tư hạ tầng sân bay, lập Ngân hàng Phát triển Chu Lai, mở trường đào tạo nghề quốc tế, lập khu công nghiệp và khu đô thị, mở khu thương mại tự do, khu du lịch sinh thái…, trong đó có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ.

Hiện Tập đoàn Indochina Capital đã chính thức ký kết Thoả thuận đầu tư khu công nghiệp và khu hậu cần cảng Tam Hiệp với quy mô khoảng 700 ha; Tập đoàn Aluco D đã được cấp thoả thuận địa điểm dự án khu công nghiệp 1000 ha, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến 200 triệu USD, hiện đang tiến hành công tác quy hoạch và thực hiện thủ tục đầu tư; Tập đoàn Hoa Chen Long Đức Phong đã được cấp thoả thuận địa điểm khu công ngiệp 1000 ha, hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Các dự án khác đang trong quá trình đàm phán.

Sẽ thực hiện triệt để “một cửa, tại chỗ”

Ban Quản lý sẽ thực hiện những biện pháp gì để tăng cường thu hút đầu tư trong những tháng tới?

Chúng tôi đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường ven biển để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch - một thế mạnh của chúng tôi. Bên cạnh đó, hoàn thiện các trục ngang nối quốc lộ 1A đến các khu chức năng của Khu kinh tế mở, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng khu phi thuế quan, hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh, Tam Thăng, các khu đô thị...

Chúng tôi cũng sẽ thực hiện triệt để cơ chế “một cửa, tại chỗ” để phục vụ tốt nhất việc giải quyết các thủ tục hồ sơ cho nhà đầu tư và niêm yết, công khai thủ tục hành chính. Cố gắng sớm trình Thủ tướng ban hành qui chế hoạt động Khu thương mại tự do Chu Lai và phê duyệt qui hoạch sân bay Chu Lai. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, xúc tiến và kêu gọi đầu tư, phối hợp với các Đại sứ quán, các tham tán thương mại của các nước để tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư.

Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để tìm kiếm các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, các khu du lịch và dịch vụ cao cấp. Sau đó, chúng tôi sẽ tập trung vào các thị trường châu Âu, Mỹ… để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế…

* Tính đến thời điểm 30/6/2007, trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng cộng 58 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, trong đó có 47 dự án đã được cấp phép đầu tư với với tổng số vốn khoảng 560 triệu USD (23 dự án đang hoạt động, vốn đăng ký 203 triệu USD; 13 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đăng ký 210 triệu USD và 11 dự án đang hoàn tất thủ tục đất đai, xây dựng, vốn đăng ký 147 triệu USD).

Sáu tháng đầu năm 2007, có 17 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai với tổng vốn đăng ký gần 470 triệu USD, bằng 8,7 lần so với cùng kỳ và tương đương số vốn đăng ký trong 4 năm 2003-2006. Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 197 triệu USD, bằng 7,5 lần so cùng kỳ và bằng 54% tổng số vốn được cấp phép trong 4 năm 2003-2006.