08:48 18/11/2011

Chủ tịch Địa ốc Hòa Bình kêu gọi không bán cổ phiếu HBC

Như Bình

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) vừa có bức “tâm thư” gửi nhân viên

Bức thư đặt ra câu hỏi: “Lẽ nào một công ty có tài sản cũng như doanh số hơn 100 triệu USD, chỉ có giá trị thị trường chưa đầy 20 triệu USD?”.
Bức thư đặt ra câu hỏi: “Lẽ nào một công ty có tài sản cũng như doanh số hơn 100 triệu USD, chỉ có giá trị thị trường chưa đầy 20 triệu USD?”.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) vừa có bức “tâm thư” gửi nhân viên.

Bức thư của ông Lê Viết Hải đề ngày 14/11/2011, được viết sau chuỗi sụt giảm giá cổ phiếu HBC trên thị trường chứng khoán.

Một lá thư hướng nội, nhưng cũng có tính hướng ngoại. Nó là sự chia sẻ, động viên từ người đứng đầu một doanh nghiệp, và quan trọng hơn là một góc nhìn về sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán hiện nay, về khó khăn nói chung của thị trường bất động sản.

Thị trường chứng khoán khó khăn kéo dài. Với cổ phiếu HBC, quãng giao dịch từ 3 - 11/11/2011 là chuỗi 7 phiên giảm giá liên tiếp, trong đó có 5 phiên giảm kịch sàn nối liền. Theo quy định, với 5 phiên giảm sàn liên tiếp, doanh nghiệp niêm yết sẽ phải có thông tin giải trình nguyên do. Với HBC, việc giải trình chắc là khó có nguyên do cụ thể.

Lá thư của ông Lê Viết Hải cũng cho biết: “Rất nhiều cán bộ nhân viên và cổ đông quan tâm đã gọi điện tìm hiểu lý do, liệu việc giảm giá cổ phiếu này có liên quan gì đến tình hình kinh doanh của công ty hay không?”.

Thế nhưng, ông Hải cho rằng tình hình kinh doanh của công ty vẫn tiến triển bình thường, không có liên quan gì giữa hoạt động thi công và giá cổ phiếu HBC biến động trên thị trường chứng khoán trong mấy ngày qua.

Tổng kết quý 3/2011, doanh thu của Hòa Bình là 2198 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 88% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 97 tỷ trên doanh thu kế hoạch là 150 tỷ đồng. Trong khó khăn của thị trường, đạt được lợi nhuận này là một nỗ lực rất lớn vì Hòa Bình phải trang trải chi phí lãi vay lên đến hơn 99 tỉ đồng trong ba quý vừa qua.

“Tình hình kinh doanh của HBC khả quan, kỳ vọng vào cổ phiếu của Hòa Bình là có cơ sở. Chính vì yếu tố này, một số nhà đầu tư cá nhân đã mạnh dạn vay vốn mua cổ phiếu HBC ở mức giá khá cao. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Chính sách thắt chặt đầu tư vào bất động sản bằng cách nâng lãi suất và hạn chế cho vay ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; khiến cho giá cổ phiếu của ngành bất động sản và xây dựng sút giảm. Một số nhà đầu tư cá nhân đã đầu tư cổ phiếu HBC do không đủ lượng tiền mặt bù đắp thiệt hại khi giá giảm đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp, khiến cho giá cổ phiếu HBC giảm sàn liên tiếp các phiên từ ngày 7/11 đến 11/11/2011”, bức thư nêu lên “thực trạng”.

Và một câu hỏi mà ông Hải đặt ra, như một sự khẳng định về một nghịch lý trên thị trường chứng khoán hiện nay: “Lẽ nào một công ty có tài sản cũng như doanh số hơn 100 triệu USD, chỉ có giá trị thị trường chưa đầy 20 triệu USD?”.

Nhiều nhà đầu tư vẫn nói rằng, thị trường luôn luôn đúng. Thế nên câu hỏi đó có lẽ vẫn là sự trăn trở của người đứng đầu doanh nghiệp này.

Trong thư, ông Hải viết: “Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên công ty, những người nắm giữ cổ phiếu HBC, không nao núng bán cổ phiếu trong thời điểm này. Nếu có điều kiện, chúng ta cùng nhau đăng ký mua thỏa thuận, hay mua trên sàn giao dịch để đỡ giá. Mặc khác, chúng ta hãy tập trung vào công tác thi công, đảm bảo yêu cầu tiến độ công trình của các chủ đầu tư, chú trọng khâu an toàn lao động và thực hành tiết kiệm”.

Một lời kêu gọi có thể khó xoay chuyển được tình thế của giá cổ phiếu trên sàn, khó thay đổi được quyết định của nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán vốn lạnh lùng, đời sống của nó được quyết định bởi nhiều yếu tố khác.

Bức thư của Chủ tịch HBC cũng không phải là trường hợp đầu tiên trong tình huống tương tự mà giới đầu tư từng đón nhận. Nhưng, một lần nữa nó phản ánh tâm tư, sự trăn trở của một người đứng đầu doanh nghiệp trước thực tế như là nghịch lý và không mong muốn...