Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các doanh nhân công nghệ hàng đầu đất nước
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu, bao gồm nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, CEO Huawei, CEO Tencent nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với một số doanh nhân hàng đầu của đất nước, bao gồm nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục niềm tin vào khu vực tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Jack Ma từng là nhân vật chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chiến dịch siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ trong những năm gần đây. Ông gần như vắng bóng trước công chúng kể từ cuối năm 2020, khi các cơ quan quản lý can thiệp mạnh mẽ và hủy bỏ kế hoạch IPO kỷ lục của Ant Financial Group.
BẮC KINH TÌM CÁCH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
Sự xuất hiện của Jack Ma tại diễn đàn hôm 17/2, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu “quan trọng”, được các nhà phân tích xem là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp tích cực hơn đối với khu vực tư nhân.
“Mục đích của cuộc họp là để nói với khu vực tư nhân rằng chính phủ Trung Quốc muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, chính phủ cần các doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới công nghệ và tiêu dùng”, giáo sư tài chính Zhang Xiaoyan từ Đại học Thanh Hoa nhận định tại hội nghị của Hiệp hội Chứng khoán & Thị trường Tài chính Châu Á ở Hồng Kông.
Bà cho biết chính phủ Trung Quốc muốn “bơm niềm tin” vào các doanh nghiệp trong nước.
Theo Financial Times, Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm thực hiện chiến dịch kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn, khiến niềm tin vào khu vực tư nhân bị ảnh hưởng.

Ngoài Jack Ma, cuộc họp còn có sự tham gia của nhiều doanh nhân công nghệ nổi bật khác như Chủ tịch kiêm nhà sáng lập hãng sản xuất pin hàng đầu CATL, Robin Zeng; CEO Meituan. Trong khi đó, người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi và CEO Xiaomi, ông Lôi Quân đã có bài phát biểu trước các quan chức cấp cao.
Các lãnh đạo công nghệ khác có mặt tại sự kiện bao gồm CEO Tencent, Chủ tịch hãng xe điện BYD và nhà sáng lập công ty robot Unitree.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc đã gây áp lực lớn lên khu vực tư nhân, trong khi các doanh nhân phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn liên quan đến các cáo buộc tham nhũng và hàng loạt vụ bắt giữ của chính quyền địa phương.
Trong quá khứ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng sử dụng các cuộc gặp gỡ với giới doanh nhân để cam kết cắt giảm thuế và đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
DEEPSEEK VỚI SỰ BÙNG NỔ CÔNG NGHỆ MỚI ĐANG KHƠI DẬY NIỀM TIN CỦA THỊ TRƯỜNG
Các nhà bình luận cho rằng chính phủ Trung Quốc cần khu vực tư nhân hơn bao giờ hết. Các công ty công nghệ lớn là động lực tăng trưởng đáng tin cậy nhất trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với hàng loạt thách thức như tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, thị trường bất động sản trì trệ, nợ chính quyền địa phương tăng vọt và nguy cơ giảm phát.
Bên cạnh đó, công nghệ là mặt trận quan trọng trong căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ đã có nhiều động thái nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho các công ty đang đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược này.
Tín hiệu tích cực đã xuất hiện vào tháng 1 khi DeepSeek, một startup ít được biết đến của Trung Quốc, ra mắt mô hình AI mã nguồn mở có thể sánh ngang hoặc vượt qua các nhà phát triển hàng đầu của Mỹ trên các bảng xếp hạng ngành. Đột phá này diễn ra bất chấp các lệnh hạn chế của Mỹ đối với chip tiên tiến.
Cũng trong tháng đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã mời người sáng lập DeepSeek, Lương Văn Phong (Liang Wenfeng), tham dự một cuộc họp kín để thảo luận về các ưu tiên chính sách của chính phủ trong năm nay.

Sự xuất hiện của các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên phong từ DeepSeek – một startup công nghệ – đã giúp làm mới mối quan tâm của giới đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Điều này cũng góp phần kích thích đà tăng của thị trường chứng khoán công nghệ.
Chỉ số công nghệ Hang Seng, bao gồm 30 công ty công nghệ hàng đầu niêm yết tại Hồng Kông, đã tăng 24% kể từ đầu năm nay, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực trước đột phá của DeepSeek và các tín hiệu hỗ trợ từ Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ.
Theo Bloomberg, ngay cả trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu vào ngày 17/2, các nhà đầu tư đã đổ xô mua cổ phiếu công nghệ, đặt cược rằng chiến dịch siết chặt khu vực tư nhân kéo dài nhiều năm đã đi đến hồi kết.
Tuy nhiên, số phận của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn. Chính quyền vẫn khẳng định quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với ngành công nghệ và hạn chế ảnh hưởng xã hội của các tỷ phú công nghệ.
Bắc Kinh vẫn coi trọng đổi mới công nghệ nhưng muốn tập trung vào những lĩnh vực quan trọng hơn trong cạnh tranh với Mỹ, như AI, điện toán đám mây và chip bán dẫn tiên tiến, thay vì các nền tảng thương mại điện tử hay trò chơi trực tuyến.
Mọi công ty công nghệ lớn, từ Baidu đến Tencent, hiện đều đang đổ tiền vào phát triển các mô hình AI để cạnh tranh với OpenAI — công ty đứng sau GPT.