11:24 04/09/2008

Chú trọng đời sống người dân khi thu hồi đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói về những điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

"Việc sửa Luật Đất đai không nên quá vội vàng mặc dù đang có nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến thị trường nhà đất hiện nay".
"Việc sửa Luật Đất đai không nên quá vội vàng mặc dù đang có nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến thị trường nhà đất hiện nay".
Thời gian vừa qua, trong quá trình thu hồi đất cho các dự án, đời sống người dân sau khi đất bị thu hồi chưa được chú trọng. Những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của người dân sau khi không còn tư liệu sản xuất sẽ được đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã thông tin với báo giới như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến về đất đai và môi trường vừa diễn ra tại trụ sở bộ tại Hà Nội.

Thưa ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, vậy những sửa đổi quan trọng lần này là gì?

Việc sửa Luật Đất đai không nên quá vội vàng mặc dù đang có nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến thị trường nhà đất hiện nay. Việc sửa nhiều quá, nhanh quá với nhiều nghị định, siết nhiều luật trên cùng một miếng đất trong khoảng thời gian ngắn cũng rất dễ gây những tác động ngược.

Điều chỉnh luật phải rất khoa học, quan trọng là phải đi vào cuộc sống và được người dân chấp nhận. Quan điểm của tôi là phải rất bình tĩnh, khoa học, phải lắng nghe ý kiến của người dân; và đã sửa là phải tạo được khâu đột phá.

Vậy luật sửa đổi sẽ tạo ra bước đột phá trong những vấn đề trọng tâm nào?

Có nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tế. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề tài chính đất đai, làm sao phải giải quyết được cơ bản về vấn đề quyền của người sử dụng trong các loại đất.

Từ những quyền lợi này sẽ đi đến nguồn gốc của những tranh chấp là vấn đề giá đất. Giá đất ở đây không thể tăng lên quá mức mà chỉ đến một mức độ nào đó.

Thời gian vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều đến vấn đề giá đất nhưng mới chỉ quan tâm tới giá trị hữu hình để hỗ trợ cho dân, còn giá trị vô hình đối với đời sống người dân quan tâm chưa đầy đủ. Giá trị vô hình này là sau khi thu hồi đất rồi, người dân không còn đất nữa thì vấn đề công ăn, việc làm như thế nào.

Thứ hai là chỗ ăn ở. Nếu thu hồi đất mà dân mất nhà thì trong luật quy định rõ rồi. Nhưng quan điểm của tôi là phải để cho người dân đến khu tái định cư trước khi quyết định. Nếu chưa có khu tái định cư thì cũng phải chỉ cho người dân biết tiền đền bù là như thế này, thuê nhà ở chỗ này.

Thứ ba là cơ sở hạ tầng nơi ở mới phải đảm bảo các điều kiện về học hành, chữa bệnh. Đây là những cái mà việc sửa luật phải tập trung vào. Cách trả tiền cho người dân như thế nào cũng phải tính, vì cũng có nhiều chỗ tiền đền bù người dân có thể sống đủ trong 30 năm nhưng mới chỉ 6 tháng có trường hợp đã tiêu hết tiền.

Hạn chế chủ yếu trong cơ chế chính sách hỗ trợ hiện tại được Hà Nội chỉ ra là việc bồi thường, hỗ trợ đều dưới hình thức chi trả trực tiếp tiền cho người dân bị thu hồi đất, dẫn đến tình trạng người dân dùng tiền để mua sắm chứ ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề. Nguy cơ thất nghiệp ở người nông dân mất tư liệu sản xuất là đất đai rất lớn, bởi họ khó học nghề mới.

Bên cạnh đó, phần lớn họ lại ở độ tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao. Trong khi đó, các chính sách của trung ương và thành phố về hỗ trợ học nghề, việc làm lại chưa đồng bộ và hiệu quả.

Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề chênh lệch địa tô, đó là giá đất sơ cấp tính cho dân khi bồi thường, đây là vấn đề phải tính kỹ để đúng giá trị và tiếp cận dần với giá đất đầu ra.

Thứ hai, giá đất đầu ra tới đây cũng không để như tình trạng hiện nay được, phải điều tiết chặt chẽ hơn để lấy chênh lệch địa tô cho ngân sách nhà nước tái đầu tư vào cái vô hình. Như hiện nay sự chênh lệch địa tô chủ yếu nhà đầu tư được hưởng.

Nhưng nếu nhà đầu tư bị thiệt, họ sẽ không mặn mà đầu tư dự án nữa, thưa ông?

Cũng phải nói khách quan, phải tính toán như thế nào tạo động lực cho nhà đầu tư. Chênh lệch địa tô mình cũng phải tính để nhà đầu tư có lợi, người sử dụng đất cũng có lợi.

Nhưng ưu tiên số một vẫn là người dân. Doanh nghiệp có thể là thiệt chỗ này nhưng họ có chỗ khác bù vào, hoặc có thể thiệt trước mắt nhưng lâu dài vẫn có lãi. Trong khi người dân một khi đã thiệt là thiệt đơn, thiệt kép và không có cơ hội để bù lại.

Do vậy doanh nghiệp có thiệt với dân một chút, có hỗ trợ thêm cho dân một chút cũng không ảnh hưởng nhiều và sẽ được biểu dương. Nhà nước phải cân đối được giữa góc độ phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Luật Đất đai sửa đổi lần này gắn với rất nhiều luật khác. Hiện nay đã hình thành nhiều loại thị trường, thị trường hàng hóa, thị trường tiền tệ, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ nhưng quan điểm của riêng tôi khó nhất là thị trường bất động sản.

Bởi vì thị trường này liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố không chỉ đơn giản chỉ là hàng hóa mà nó còn liên quan đến cả những vấn đề về xã hội, về sở hữu.

Dự kiến, đến khi nào Việt Nam sẽ có bộ luật đất đai hoàn chỉnh, thưa ông?

Quan điểm của riêng tôi, nếu để xây dựng một bộ luật đất đai thật đầy đủ và hoàn chỉnh thì cũng phải vào giai đoạn 2011-2015. Việc sửa luật lần này sẽ không điều chỉnh nhiều mà chỉ tập trung vào sửa hai vấn đề: kinh tế tài chính đất đai và quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất.

Riêng về kế hoạch sử dụng đất, vừa qua Chính phủ đã ra nghị quyết về tam nông, trong đó có đề cập đến diện tích trồng lúa nước. Đây là bài toán phải cân nhắc rất kỹ vì nước ta chủ yếu là nông nghiệp, mà làm nông nghiệp thì rất khó giàu được. Muốn giàu và phát triển, chắc chắn phải làm công nghiệp và dịch vụ, nên phải lấy đất nông nghiệp, nhưng lấy như thế nào mới là điều quan trọng.

Chính vì vậy làm quy hoạch phải cẩn trọng và có tầm nhìn, ưu tiên bây giờ là phải làm quy hoạch vĩ mô. Các ngành và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm quy hoạch dự báo là giữ bao nhiêu diện tích trồng lúa nước.

Trước hết là dự báo từ nay đến năm 2030 dân số ổn định là bao nhiêu, con số dự báo được đưa ra là 130 triệu dân. Thứ hai là dự báo được năng suất trồng của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào. Thứ ba là phải tính theo suất ăn và tính đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Từ những cơ sở trên mới tính đến năm 2030 cần bao nhiêu diện tích trồng lúa nước và diện tích này là bất di bất dịch.

Chính vì vậy, luật sửa đổi lần này sẽ quan tâm tới những vấn đề đó, mà đã sửa là phải sửa chi tiết và giải quyết được những vấn đề nóng.

(Theo TBKTSG)