11:42 29/05/2007

Chú ý gì khi đầu tư vào cổ phiếu điện?

Trao đổi với ông Đặng Phan Tường, Trưởng ban Cổ phần hóa và Chứng khoán EVN về những vấn đề nhà đầu tư quan tâm

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ.
Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ.
Ngoài cổ phiếu của một số doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán chính thức, hiện trên thị trường OTC, cổ phiếu của nhiều đơn vị khác thuộc ngành điện cũng đang được rao mua rao bán rất nhộn nhịp.

Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều doanh nghiệp điện tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu. Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành điện ra sao, nhà đầu tư cần lưu ý những vấn đề gì?

Cuộc trao đổi dưới đây với ông Đặng Phan Tường, Trưởng ban Cổ phần hóa và Chứng khoán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung vào những vấn đề nhà đầu tư quan tâm.

Theo ông, những nguyên nhân nào khiến nhiều công ty điện phải đấu giá lại cổ phần?

Trong tháng 2, 3 và 4 EVN tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các phiên đấu giá của 3 Công ty tư vấn xây dựng điện 1,2,3, Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Thủy điện Thác Mơ có nhiều nhà đầu tư đã trúng thầu từ chối nộp tiền.

Khối lượng cổ phiếu trúng thầu bị bỏ của các đơn vị này chiếm trên 30% tổng khối lượng cổ phiếu phát hành nên theo quy định phải tổ chức đấu giá lại số cổ phần bị từ chối mua. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa (giá trúng thầu thấp nhất là 62.500 đồng, cao nhất là 40 triệu đồng/cổ phần) bị bỏ 39,7% và Thủy điện thác Mơ (giá trúng thầu thấp nhất là 58.500 đồng, cao nhất là 56 triệu đồng/cổ phần) bị bỏ 33,4%, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 (giá trúng thầu thấp nhất là 64.500 đồng, cao nhất là 109.000 đồng/cổ phần) bị bỏ 65,7%.

Chúng tôi đã tổ chức đấu giá lại cổ phần của hai Công ty Tư vấn xây dựng điện 2 và 3, tới đây sẽ là Công ty Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty Nhiệt điện Bà Rịa và Thủy điện Thác Mơ.

Qua tổng hợp chúng tôi thấy những nhà đầu tư bỏ cọc đều bỏ giá quá cao so với giá trúng thầu bình quân. Hơn nữa, thời điểm tổ chức đấu giá thị trường diễn biến rất tốt, giá cổ phiếu tăng nhưng đến khi nhà đầu tư nộp tiền thị trường lại đi xuống, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn, ít vốn, phải huy động các nguồn vốn ngắn hạn hoặc tham gia đấu giá để bán lại suất mua đã phải chấp nhận bỏ cọc.

Có một vấn đề tôi muốn lưu ý là nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần nên nghiên cứu kỹ Bản cáo bạch và các tài liệu liên quan trước khi quyết định bỏ giá. Trên sàn hiện có một số cổ phiếu của ngành điện như PPC (Nhiệt điện Phả Lại), VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh), KHP (Điện lực Khánh Hòa), tuy nhiên cùng là cổ phiếu điện nhưng không phải cổ phiếu của các công ty đều giống nhau. Vì vậy mới có chuyện giá PPC trên sàn khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư cũng đua nhau bỏ giá 80.000 đồng cho Nhiệt điện Bà Rịa và Thủy điện Thác Mơ.

Hiện nhiều nhà đầu tư săn lùng cổ phiếu của các dự án điện đang xây dựng hoặc sắp khởi công, trong đó có nhiều dự án nhỏ với suy nghĩ mức giá đầu 1 (mười mấy nghìn đồng một cổ phần) là hời. Ông thấy cần lưu ý các nhà đầu tư điều gì?

Đầu tư dự án điện đang xây dựng cũng hấp dẫn bởi nhu cầu tiêu thụ điện năng ở Việt Nam đang tăng trưởng rất lớn và theo tôi đầu tư dài hạn là có hiệu quả. Các nhà đầu tư thấy giá cổ phiếu điện đang giao dịch trên sàn cao nên tìm mua cổ phần của các công trình đang xây dựng. Tuy nhiên, họ cần lưu ý các vấn đề: thứ nhất, tính thanh khoản của những cổ phiếu đó, thứ hai, với những công trình đang xây dựng, nhà đầu tư phải chấp nhận không hưởng cổ tức trong thời gian khi dự án chưa được đưa vào vận hành; thứ ba, nhà đầu tư cần tính đến yếu tố dự án có thể chậm tiến độ. Với các dự án điện, việc đảm bảo đúng tiến độ đề ra rất khó, phụ thuộc nhiều cả vào yếu tố thiên nhiên.

Trên thị trường hiện đang rao bán rất nhiều cổ phiếu điện nhưng nhà đầu tư chỉ có giấy thỏa thuận suất mua chứ chưa có sổ cổ đông. Nhà đầu tư cần chú ý gì?

Nhiều dự án điện cho phép nhà đầu tư góp vốn theo tiến độ thi công của dự án, nộp tiền đến đâu phát hành sổ cổ đông đến đó mặc dù anh cam kết đầu tư một khoản tiền lớn hơn. Tôi lấy ví dụ, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung (hiện nay trên thị trường OTC nói là cổ phiếu Thủy điện A Lưới là không chính xác), nhà đầu tư có cam kết vốn 100 triệu đồng nhưng công ty thu làm nhiều đợt, đợt một nộp 10 triệu đồng thì có giấy chứng nhận sở hữu cổ phần tương ứng 10%, và nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng số cổ phần đó, 90 triệu còn lại chưa nộp tiền công ty chưa phát hành sổ cổ đông và không xác nhận chuyển nhượng.

Từ nay đến cuối năm những công ty điện nào sẽ tiếp tục bán cổ phần, niêm yết?

Theo dự kiến của chúng tôi, các công ty Điện lực 1, 2, 3, Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi sẽ bán cổ phần lần đầu với tỷ lệ tối thiểu theo quy định hiện hành là 20%. Công ty nào có vốn điều lệ lớn, EVN sẽ xin phép cơ quan có thẩm quyền để được bán với tỷ lệ thấp hơn.

Theo chỉ đạo của Tập đoàn, các đơn vị sau khi thực hiện cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài sẽ đăng ký niêm yết hoặc giao dịch cổ phiếu tại trung tâm giao dịch chứng khoán ngay.

Doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu với tỷ lệ thấp như vậy, nhưng sau khi niêm yết lại bán tiếp phần vốn nhà nước ồ ạt như trường hợp Nhiệt điện Phả Lại bán ra 41 triệu cổ phần làm giá cổ phiếu giảm mạnh. EVN phản ứng như thế nào trước phàn nàn của nhiều nhà đầu tư?

Trường hợp Phả Lại là do vào thời điểm lập phương án bán ra 41 triệu cổ phần, thị trường chứng khoán đang nóng, cần thiết có thêm hàng, việc bán ra không những tốt cho EVN mà còn tốt cho thị trường chứng khoán nói chung. Nhưng thủ tục xin phép bán ra kéo dài tới mấy tháng, khi đăng ký ngày đấu giá với hai trung tâm giao dịch cũng rất khó vì lịch đấu giá gần như dày đặc, EVN không thể chủ động được thời gian bán ra. Phiên đấu giá PPC diễn ra vào thời điểm thị trường đi xuống, vì thế giá điều chỉnh thấp hơn.

Sau đợt này EVN sẽ cân nhắc những trường hợp tới đây bán bớt phần vốn nhà nước cho phù hợp, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung bán đấu giá cổ phần lần đầu của các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, còn bán bớt phần vốn nhà nước có thể sẽ thực hiện sau.

Lâu nay ngành điện vẫn hô hào khó huy động vốn, thị trường chứng khoán bùng nổ như hiện nay thì huy động vốn có còn khó khăn?

Đúng là huy động vốn xây dựng các công trình điện không khó như trước. Ngoài EVN, có nhiều tập đoàn, tổng công ty, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khác muốn rót vốn vào ngành điện. Chúng tôi cũng được Chính phủ đồng ý chủ trương, các dự án điện đang và sẽ đầu tư xây dựng sẽ thành lập công ty cổ phần để tiến hành đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khi dự án hoàn thành, EVN chỉ đầu tư một phần, phần còn lại sẽ huy động vốn từ các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác. Như vậy áp lực về vốn đầu tư sẽ giảm bớt.

Bộ trưởng Hoàng Trung Hải từng nói nhà đầu tư mua cổ phiếu điện với giá gấp 7-8 lần mệnh giá là có vấn đề. Chính EVN cũng thừa nhận tỷ suất sinh lời của ngành điện thấp. Ông nghĩ sao?

Như tôi đã nói không phải cổ phiếu nào của ngành điện cũng giống nhau. Toàn EVN ngành điện có tỷ suất lợi nhuận thấp 3-4% nhưng một số công ty cổ phần sau cổ phần hóa có lợi nhuận rất lớn, như PPC lợi nhuận sau thuế năm 2006 tăng hơn 30%. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, các doanh nghiệp điện năng động hơn, họ cải tiến quản lý, tiết kiệm chi phí, sử dụng các nguồn vốn hiệu quả và tìm mọi biện pháp để nâng cao lợi nhuận. tìm nhiều lĩnh vực sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất.

Nhiều công ty điện có xu hướng chuyển sang kinh doanh bất động sản, chứng khoán như PPC và phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. EVN có chủ trương gì liên quan đến vấn đề này?

EVN có định hướng các đơn vị sau cổ phẩn hóa tập trung đầu tư vào các dự án điện, nhưng không phải lúc nào cũng có dự án để đầu tư, ngay các tập đoàn, tổng công ty khác cũng đầu tư nhiều dự án điện và hiện nay nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cũng đang tìm kiếm các dự án điện để đầu tư. Trong khi chưa có các dự án điện để đầu tư các công ty cổ phần có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác có hiệu quả.

Chúng tôi chỉ quy định, đại diện phần vốn Tập đoàn Điện lực tại công ty cổ phần đó phải xin ý kiến Tập đoàn trước khi biểu quyết đối với những vấn đề lớn.Tập đoàn khuyến khích các công ty cổ phần sau cổ phần hóa tìm các biện pháp để tối đa hóa lợi nhuận, nhưng cũng thông qua người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các công ty cổ phần để định hướng công ty tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện năng.