09:50 29/02/2012

Chưa đồng tình miễn giảm thuế nhập khẩu xe bus

Ngô Minh

Bộ Tài chính cho rằng, phương tiện như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải không thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu

Nhằm giảm hiệu quả ách tắc giao thông tại hai thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM, Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất phương án miễn thuế nhập khẩu với các phương tiện vận tải hành khách bằng xe bus tại hai thành phố này. Tuy nhiên, đề xuất này chưa nhận được sự đồng tình của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép miễn giảm thuế nhập khẩu phương tiện, phụ tùng thiết bị (nếu là phương tiện lắp ráp trong nước) phương tiện hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus tại hai thành phố này. Việc miễn thuế nhập khẩu cho phương tiện, thiết bị lắp ráp chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội và Tp.HCM trong giai đoạn từ năm 2012-2015.

Để thực hiện được điều này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất sẽ cùng với Bộ Tài chính giám sát việc thực hiện chương trình ưu đãi, đảm bảo áp dụng đúng đối tượng được hưởng.

Không đồng tình với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, ý kiến của Bộ Công Thương cho rằng, hiện ngành sản xuất ôtô trong nước đã đủ năng lực sản xuất các loại xe bus phục vụ nội địa. Do đó, khi phát triển hệ thống vận tải công cộng tại Hà Nội và Tp.HCM, nên ưu tiên sử dụng phương tiện lắp ráp, sản xuất trong nước. Nếu miễn giảm thuế nhập khẩu đối với xe ôtô bus có thể sẽ ảnh hưởng tới ngành sản xuất ôtô nội địa.

Ngoài ra, để phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiến trình nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô, Bộ Công Thương cũng đề nghị áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng để sản xuất lắp ráp xe ôtô bus theo lộ trình cam kết WTO, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN... để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng xe ôtô nói chung và xe ôtô bus nói riêng.

Còn theo Bộ Tài chính, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành chỉ quy định việc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với phương tiện vận tải nằm trong dây chuyền công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận, được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các dự án khuyến khích đầu tư theo quy định tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); của doanh nghiệp BOT và nhà thầu phụ để thực hiện dự án BOT, BTO, BT; của cơ sở đóng tàu; để phục vụ hoạt động dầu khí hoặc để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học (trường hợp phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được).

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải không thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu theo các quy định trên.

Theo quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 157/2011 do Bộ Tài chính ban hành thì xe buýt nhập khẩu nguyên chiếc thuộc nhóm 87.02 có thuế xuất nhập khẩu ưu đãi là 70%. Phụ tùng, thiết bị có thuế suất thuế nhập khẩu từ 10-32% (tuỳ loại phụ tùng thiết bị nhập khẩu).

Trong khi đó, tại khoản 20 Điều 12 Nghị định số 87/2010 của Chính phủ cũng quy định: “Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan và các trường hợp khác, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định miễn giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với từng trường hợp”.

Trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai cho rằng việc miễn giảm thuế nhập khẩu xe buýt nguyên chiếc sẽ làm ảnh hưởng tới sản xuất, lắp ráp của các công ty ôtô trong nước và không khuyến khích được ngành ôtô phát triển.

Tại Công văn của Bộ Giao thông Vận tải đã không nêu rõ số lượng và giá trị xe buýt cần nhập, cũng như số lượng phụ tùng và thiết bị lắp ráp dự kiến nhập khẩu trong giai đoạn 2012-2015. Vì vậy, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cung cấp thêm thông tin để Văn phòng Chính phủ cân nhắc các yếu tố như: trị giá xe buýt nhập khẩu và xe buýt lắp ráp trong nước, tình hình sản xuất lắp ráp xe buýt trong nước..., trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô có tiếng trên thị trường cũng tỏ ra khá bức xúc với đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo vị lãnh đạo này, hiện tại ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang từng bước đạt được những mục tiêu đề ra, đặc biệt đã đủ năng lực sản xuất và cung cấp các loại xe ôtô buýt cho thị trường nội địa. Thậm chí đã có doanh nghiệp lên kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm xe ôtô buýt do mình sản xuất ra thị trường các nước trong khu vực ngay từ năm 2012 này.

Vì vậy, nếu đề xuất trên của Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ thông qua, sẽ đồng nghĩa với việc đầu tư tiền của và công sức của các doanh nghiệp đang sản xuất xe bus trên thị trường bị đổ “xuống sông, xuống bể”.

“Thay vì miễn giảm thuế theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ nên cân nhắc xem xét tới việc đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao chất lượng và hạ giá thành cho người tiêu dùng. Đây là bước đi bền vững giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từng bước phát triển”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên kiến nghị.