10:32 08/10/2008

“Chưa nên đầu tư dài hạn thời điểm này”

Tú Uyên

Nhận định của chuyên gia phân tích kỹ thuật thuộc tập đoàn chứng khoán Kim Eng về cơ hội đầu tư ở Việt Nam

"Lúc này có thể đầu tư ngắn hạn trong thời gian từ 2 tuần - 1 tháng. Nhưng nhà đầu tư phải nghĩ đến phương án cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm từ 5 - 10%".
"Lúc này có thể đầu tư ngắn hạn trong thời gian từ 2 tuần - 1 tháng. Nhưng nhà đầu tư phải nghĩ đến phương án cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm từ 5 - 10%".
Nhận định của ông Ken Tai Chee Ming, chuyên gia phân tích kỹ thuật đạt chuẩn CMT tại Singapore của tập đoàn chứng khoán Kim Eng, về cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây thường có những diễn biến trái chiều với chứng khoán thế giới. Theo ông, vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Tôi không cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược với thị trường chứng khoán thế giới mà thật ra thị trường chứng khoán Việt Nam còn giảm sâu hơn.

Thị trường chứng khoán thế giới đã tạo đỉnh vào quý 4 năm 2007 trong khi VN-Index đã tạo đỉnh vào tháng 3/2007 tại mức 1.170 điểm và sau đó đã giảm xuống đến 364 điểm.

Tính ra VN-Index đã giảm đến 69%. Thị trường chứng khoán không thể chỉ có đi lên và đi xuống theo một đường thẳng mà sẽ có những lúc điều chỉnh, do đó việc VN-Index điều chỉnh đi lên sau khi tạo đáy ở 364 điểm là không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Ông đánh giá ra sao về cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ và sự tác động tới dòng vốn ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo nghiên cứu của tôi, từ năm 1929 trở lại đây, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua 12 lần khủng hoảng (không kể cuộc khủng hoảng lần này), chỉ số chứng khoán giảm trung bình trên 20%.

Thời gian dài nhất trong một xu hướng xuống giá là 1.876 ngày tương đương 5 năm 2 tháng (đợt khủng hoảng 1937-1942). Thời gian ngắn nhất trong một xu hướng xuống giá là 60 ngày (năm 1987).

Tính trung bình, khoảng thời gian cho một xu hướng xuống giá kéo dài 1 năm 11 tháng. Kết hợp với một số phân tích khác tôi cho rằng xu hướng xuống giá của thị trường chứng khoán Mỹ lần này có thể kéo dài đến tháng 12/2009.

Các nền kinh tế toàn cầu đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ sự suy thoái kinh tế Mỹ trong thời gian này. Tuy nhiên tôi cho rằng, các nhân tố quốc tế bất lợi hiện nay sẽ không làm dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán đảo ngược mà sẽ chảy vào thị trường chứng khoán dè dặt hơn, cân nhắc hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phải cạnh tranh với thị trường chứng khoán các nước láng giềng.

Với các động thái trên, ông nhận định như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay? Và nếu như có lời khuyên dành cho nhà đầu tư, ông khuyên họ nên làm gì trong tình hình này?

Sự điều chỉnh giảm sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng tương tự thị trường nhiều nước khác. Sự suy thoái mạnh đã diễn ra ở thị trường chứng khoán toàn cầu, không loại trừ nước nào.

Hiện chỉ số P/E (giá/thu nhập của cổ phiếu) của các thị trường châu Á - Thái Bình Dương dao động từ 7,64 - 20,37 lần, thấp nhất là mức 7,64 lần của thị trường chứng khoán Singapore, trong khi chỉ số P/E của sàn chứng khoán Tp.HCM được ước tính vào khoảng 20,21 lần cho thấy giá cổ phiếu tại Việt Nam vẫn chưa phải là rẻ.

VN-Index vẫn còn tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên thị trường sẽ không giảm quá mạnh như giai đoạn đầu năm. Trong quá trình đó vẫn có những đợt phục hồi và là cơ hội để nhà đầu tư bán ra những cổ phiếu không tốt để tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình.

Hiện tại chúng ta không thấy có nhiều nhà đầu tư lớn trên thị trường và lý do có thể là họ vẫn đang chờ cơ hội để được mua với giá thấp hơn.

Lúc này, chưa nên mua vào cổ phiếu để đầu tư lâu dài, mà có thể đầu tư ngắn hạn trong thời gian từ 2 tuần - 1 tháng. Nhưng nhà đầu tư phải nghĩ đến phương án cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm từ 5 - 10% hoặc tối đa là 20% cho người nào có khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn. Trong danh mục đầu tư cũng chỉ nên có từ 3 - 5 loại cổ phiếu để tránh rủi ro và dễ dàng theo dõi kiểm soát.

Vậy theo ông, chiến lược “dừng lỗ, cắt lỗ, chốt lời” như thế nào thì hiệu quả ở thị trường chứng khoán Việt Nam?

Đầu tiên tôi sẽ nói về dừng lỗ. Giả sử bạn có 100 đồng trong ví thì bạn chỉ nên đầu tư vào 3 đến 5 cổ phiếu, nếu đầu tư vào quá nhiều cổ phiếu thì sẽ rất khó quản lý còn nếu đầu tư vào chỉ 1 hoặc 2 cổ phiếu thì sẽ rủi ro.

Vì vậy bạn chia 100 đồng cho 5 và đầu tư 20 đồng vào mỗi cổ phiếu với mức dừng lỗ ở 10%, 10% trên 1 cổ phiếu nhưng chỉ có 2% trên tổng vốn đầu tư. Nếu bạn là người chịu rủi co cao thì có thể tăng tỷ lệ chịu đựng rủi ro từ 10% lên 15% và 20% tuy nhiên không được vượt quá 20%.

Đối với chiến lược cắt lỗ. Thông thường bạn chỉ cần thắng từ 30% đến 40% trên tổng số cổ phiếu bạn đầu tư là đủ. Tôi giả sử trong 5 cổ phiếu bạn đầu tư, thì có 3 cổ phiếu bạn phải cắt lỗ với tỷ lệ 10%, và 2 cổ phiếu đang lời.

Khi đó bạn sẽ dùng tiền vừa rút ra từ 3 cổ phiếu thua để đầu tư vào 2 cổ phiếu thắng còn lại. Khi thị trường hình thành xu hướng lên thì giá cổ phiếu dù là cao vẫn có thể tiếp tục đi lên cao hơn và khi thị trường hình thành xu hướng xuống thì giá cổ phiếu dù là thấp vẫn có thể xuống thấp hơn.
 
Về chốt lời, khi những cổ phiếu bạn đầu tư đang có lời, tuy nhiên sau đó khoản lợi nhuận của bạn bị giảm xuống từ 5% đến 10% thì đã đến lúc bạn nên bán ra.