11:30 28/12/2011

Chứng khoán 2011 và những đòn “chém gió”

Khánh Hà

Cuối năm nhìn lại, cả năm nay thị trường chứng khoán xuất hiện khá nhiều phân tích, bình luận hùng hồn để rồi… trật lấc

Những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thường bị chi phối mạnh bởi các nhận định của người khác, nhất là các tin đồn thổi.
Những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thường bị chi phối mạnh bởi các nhận định của người khác, nhất là các tin đồn thổi.
Rõ ràng là chẳng thú vị gì khi lật lại quá khứ. Tuy nhiên cuối năm nhìn lại, cả năm nay thị trường chứng khoán xuất hiện khá nhiều phân tích, bình luận hùng hồn để rồi… trật lất.

Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt, luôn tồn tại những ẩn số khó đoán của thị trường và ngay cả những chuyên gia phân tích có kinh nghiệm cũng không thể lường hết.

Nhiều kịch bản đẹp

Thị trường chứng khoán năm 2011 có tháng Giêng “củ mật” với mức tăng VN-Index lên trên 520 điểm. Rất nhiều chuyên gia phân tích, lãnh đạo công ty chứng khoán đăng đàn vẽ ra đủ các kịch bản cho Index năm nay.

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán V. cho rằng thị trường có thể sẽ đi theo hai kịch bản. Giai đoạn một, bắt đầu từ tháng 1/2011 đến cuối tháng 4/2011. Khi đó thị trường sẽ chuyển biến tích cực theo chiều hướng thanh khoản tăng dần. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, dòng vốn FII vào thị trường vẫn còn hạn chế, do đó thị trường không có sự bứt phá mạnh về mặt điểm số. Kết thúc giai đoạn này, chỉ số VN-Index sẽ đạt mốc 545 điểm (+/- 15 điểm), HNX-Index có thể vươn lên đạt mốc 135 điểm (+/- 5 điểm).

Giai đoạn hai, bắt đầu từ đầu tháng 5/2011 đến cuối tháng 12/2011. Đây là giai đoạn mà dòng vốn FII bắt đầu vào mạnh, do đó, dòng vốn của các nhà đầu cơ trong nước sẽ làm cho thị trường trở nên sôi động và tăng mạnh. Theo đó, kết thúc giai đoạn này, nhiều khả năng VN-Index sẽ đạt mốc 650 điểm (+/- 20 điểm), còn HNX-Index sẽ đạt mốc 165 điểm (+/- 15 điểm).

Công ty Chứng khoán A. thì vẽ tới 3 kịch bản với các xác suất khác nhau. Theo đó kịch bản bi quan nhất chỉ có xác suất 20%, VN-Index có thể giảm về vùng 440 điểm đến hết quý 1/2011, chậm nhất là giữa quý 2 rồi mới bắt đầu hình thành sóng tăng trở lại trong 2 quý kế tiếp. Mục tiêu tăng có thể lên đến vùng 520 - 550 điểm. Sang quý 4, VN-Index chựng đà tăng, bắt đầu giai đoạn tái tích lũy quanh vùng 520 - 550 điểm. Đây là giai đoạn tái tích lũy để chờ cơ hội lớn trong năm 2012. Kết thúc năm 2011, VN-Index có thể sẽ giằng co trong vùng 520 - 550 điểm.

Kịch bản phổ biến có xác suất tới 50% cho rằng đà tăng có khả năng sẽ có sự tăng tốc từ quý 3/2011 trở đi). Kết thúc năm 2011, VN-Index có thể đạt mức 600 - 650 điểm. Kịch bản lạc quan xác suất 30% nhận định đà tăng tốc sẽ bắt đầu từ quý 3 và kết thúc năm có thể đạt đỉnh 700 - 750 điểm.

Quý 3/2011, VN-Index sẽ trong khoảng 500-530 điểm

Một vị tiến sĩ đã đưa ra dự đoán như vậy trong một bài viết hồi tháng 1/2011.

Dự đoán này cho rằng “trong quý 1, do lãi suất huy động còn cao nên VN-Index vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp xung quanh ngưỡng 450 - 500 điểm. Tuy nhiên cùng với sự ổn định về tiền tệ và kinh tế khởi sắc sẽ tạo động lực lớn giúp VN-Index tiến đến 550 điểm trong quý 2. Đến quý 3/2011, VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 500 - 550 điểm. Vào giai đoạn quý 3 nếu Chính phủ giải quyết được mục tiêu tăng trưởng và CPI tạo điều kiện cho nguồn vốn dồi dào với lãi suất hợp lý, ổn định được tỷ giá thì VN-Index sẽ nhắm đến mức 600 điểm, ngược lại VN-Index có thể quay lại mức 500 điểm”.

VN-Index khó quay về… 420 điểm

Đó là quan điểm được đưa ra tại một buổi hội thảo về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán hôm 25/2/2011 của Công ty Chứng khoán HSC. Mặc dù thừa nhận “tình hình kinh tế hiện nay khá tồi tệ và nghiêm trọng hơn so với tôi nghĩ trước đây”, nhưng chuyên gia Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu của HSC cho rằng mọi thứ sẽ trở nên ổn định và thị trường chứng khoán cũng có sự hồi phục từ cuối quý 2/2011.

Hai kịch bản được đưa ra trong hội thảo này. Trường hợp lạc quan nhất là trong vòng một tháng tới (tính theo thời điểm tổ chức hội thảo), tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do được kiểm soát, Chính phủ có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ giảm thêm từ 5-10% nữa, sau đó chuyển sang trạng thái đi ngang đến hết quý 2/2011 và sẽ tăng trưởng trở lại khi Bộ Tài chính hiện thực hóa lời hứa về việc đưa thêm các công cụ phái sinh mới cho thị trường như T+2, Magrin, mua bán chứng khoán cùng phiên…

Kịch bản xấu nhất cũng được đưa ra là kinh tế sẽ rơi vào tình trạng đình lạm, tức sản xuất kinh doanh đình đồn hoặc tăng trưởng chậm, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao làm cho đời sống trở nên khó khăn. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ biến động khó lường, liên tục tăng giảm và chỉ có những doanh nghiệp nào có yếu tố “độc quyền” mới có thể quyết định số phận và giá cả của mình. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra.

Chuyên viên phân tích của công ty này cũng dự báo thị trường khó quay về mốc 420 điểm do thời gian qua việc nâng đỡ VN-Index của những cổ phiếu lớn làm cho chỉ số này không còn phản ánh chính xác sự biến động của thị trường. Nếu loại bỏ các cổ phiếu như MSN, BVH, VIC, VPL thì thực chất VN-Index đã về đến vùng hỗ trợ 420 điểm.

“Bất động sản và dầu khí sẽ đột biến”

Đó là dự đoán của tổng giám đốc một công ty chứng khoán trong một bài phỏng vấn đầu tháng 2/2011. Chuyên gia này dự báo một số ngành được kỳ vọng đột biến trong năm 2011.

Cụ thể, bất động sản luôn luôn là ngành hấp dẫn, mặc dù hiện nay vẫn có một số hạn chế về hoạt động của bất động sản. Tuy nhiên, hiện Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đang gỡ bỏ bớt nhưng quy định ràng buộc đối với bất động sản để giúp cho thị trường lưu thông tốt hơn và ngành này sẽ có sự đột biến trong năm 2011. Ngoài ra ngành dầu khí cũng là một ngành có kết quả kinh doanh tốt và tiềm lực khá mạnh. Trong năm 2011 khi nền kinh tế vĩ mô ổn định thì ngành dầu khí có sức bật khá tốt .

Tuy nhiên thực tế lại cho thấy cổ phiếu bất động sản lại có một năm thê thảm chưa từng có trong lịch sử.

Chứng khoán Việt Nam đang quá rẻ

Đó là nhận xét của một trưởng phòng phân tích đầu tư của một công ty chứng khoán đăng trên một tờ báo hồi tháng 2/2011: năm 2010 chứng kiến nhiều chứng khoán có thị giá dưới mệnh giá thậm chí có mã chứng khoán giá còn rẻ hơn cả một que kem hay một cái vé gửi xe (ví dụ như SCO có lúc giá chỉ có 2.500 đồng). Chứng khoán thậm chí còn rẻ hơn nữa nếu so sánh với đồng Việt Nam.

Quan điểm này cho rằng tuy vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, nhiều khó khăn cho nền kinh tế và thị trường chướng khoán nhưng với việc chứng khoán đang trở nên quá rẻ, các thông tin tiêu cực trong năm qua hầu hết đã phản ánh vào giá. Nếu tính theo chu kỳ thì năm 2011 sẽ là năm bản lề của thị trường khi thị trường đang từng bước đi vào giai đoạn tích lũy đồng thời hứa hẹn nhiều triển vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau một chu kỳ giảm giá dài hạn từ năm 2007.

Ngày 13/9/2011: Hiện nay là thời điểm quá sớm để chốt lời!

Đó là quan điểm của Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán H. được đăng trên một tờ báo vào ngày 13/9/2011. Lý giải nguyên nhân thị trường đi lên trong tháng 9, chuyên gia này có 4 lý do chính yếu hỗ trợ thị trường phục hồi thời gian qua: tốc độ tăng CPI theo năm và tháng đã đạt đỉnh và giảm lại theo chu kỳ; lãi suất đang hạ dần, chậm nhưng chắc; Ngân hàng Nhà nước đang có các nỗ lực hạ lãi suất và hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng nhỏ; các quy định về giao dịch ký quỹ đã được ban hành rõ ràng, theo đó, dòng tiền vào thị trường được khơi thông một phần.

Với câu hỏi chúng ta đang ở đâu trên thị trường, ý kiến này cho rằng, “chúng ta ở giữa một giai đoạn phục hồi kể từ đáy và hiện nay là thời điểm quá sớm để chốt lời. Chúng tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ tăng lên đến 530-550 điểm trong khoảng từ nay đến cuối năm. Dự báo xu hướng chủ đạo của thị trường trong tháng 9 vẫn là tăng điểm. Tuy nhiên, sang tháng 10 và 11, khi các câu chuyện hỗ trợ thị trường hiện tại không còn mới mẻ thì thị trường chứng khoán sẽ biến động theo hình răng cưa với các trồi sụt khá thất thường. Vào thời điểm cuối cùng của năm, thị trường sẽ tìm thêm một vài thông tin hỗ trợ đủ mạnh để một lần nữa cất cánh”.

“Tôi kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy tại mốc 380 điểm”

Đó là thông điệp của một vị chủ tịch quỹ trong bài viết của ông được đăng trên một tờ báo uy tín trong ngành chứng khoán. Ngay từ đầu tháng 12/2011, chuyên gia này đã phát hiện “cơ hội đầu tư tốt nhất mà bạn có được chính là thị trường chứng khoán với mức P/E thấp kỷ lục. Nếu nhìn vào sàn HOSE, trong số 308 doanh nghiệp đang niêm yết, có đến hơn 50 đơn vị được giao dịch với chỉ số P/E 2 - 3 lần. Hơn nữa, những công ty này còn trả mức cổ tức khá cao từ 3 - 12%/năm. Như vậy nếu đầu tư vào một cổ phiếu với 6% cổ tức, P/E ở mức 3 lần, thì doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận để hoàn vốn trong vòng 3 năm. Thêm vào đó, nhà đầu tư còn nhận thêm 6% cổ tức hàng năm.

Khi nào tâm lý ấy hoàn toàn bị xua tan bởi những tin tốt liên tục từ nền kinh tế Mỹ, những lo ngại về lạm phát tại Việt Nam dần bị loại bỏ, niềm tin vào sức mạnh của đồng Việt Nam quay trở lại, chắc chắn sẽ chứng kiến một đợt tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index. Chính vì vậy, tôi tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy VN-Index tại mốc 380 điểm. Còn nếu bạn mua được ở mức điểm thấp hơn thì xin chúc mừng!

Vĩ thanh

Làm nghề đưa ra các phân tích nhận định về thị trường chứng khoán chắc chắn là nghề rủi ro nhất, cả về tiền bạc lẫn uy tín. Tất cả các nhận định, phân tích đều bị hạn chế ràng buộc của thông tin tại một thời điểm nhất định, mà thông tin trên thị trường thì luôn biến động và không lường trước được. Đóng đinh vào đầu về một nhận định để làm theo là con đường nhanh nhất dẫn đến sự thất bại trên chứng trường.

Bản thân các nhận định, phân tích, kịch bản đều phải được xem xét lại nếu xuất hiện những thông tin mới, biến động mới. Nôm na là phải có sự sửa sai trong kịch bản. Đó là lý do tại sao các “trader” luôn là những người “nói điêu” nhất, vì nhiều khi các phân tích, nhận định chỉ có tuổi thọ tính bằng giờ.