08:39 12/07/2007

Chứng khoán: 5 ấn tượng sau 7 năm

Minh Đức

Đánh giá của ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, về thành quả của thị trường

Việc thị trường chứng khoán ra đời đã tạo nên một kênh huy động vốn trực tiếp, thu hút nguồn vốn trong dân cư và công chúng đầu tư về cho doanh nghiệp - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc thị trường chứng khoán ra đời đã tạo nên một kênh huy động vốn trực tiếp, thu hút nguồn vốn trong dân cư và công chúng đầu tư về cho doanh nghiệp - Ảnh: Việt Tuấn.
Đánh giá của ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, về thành quả của thị trường.

Tháng 7 này, thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 7 năm hoạt động. Trao đổi với VnEconomy về thành quả của chặng đường này, ông Hùng đưa ra 5 ấn tượng đáng chú ý.

Ông Hùng nói:

“7 năm là một thời gian rất ngắn đối với việc phát triển một thị trường. Nhưng với thị trường chứng khoán Việt Nam, sau 7 năm đã có những kết quả tích cực, theo tôi là ở 5 điểm nổi bật nhất.

Thứ nhất là đã hình thành được thị trường vốn trung và dài hạn. Trước kia, nguồn vốn cho doanh nghiệp chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Nhu cầu đó đè nặng lên đôi vai của các ngân hàng thương mại. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách không có nhiều nguồn vốn trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng thì chủ yếu vay được vốn ngắn nhưng lại cho vay trung và dài hạn nên rủi ro rất lớn. Vì vậy, khi thị trường chứng khoán ra đời, nó tạo nên một kênh huy động vốn trực tiếp, thu hút nguồn vốn trong dân cư và công chúng đầu tư về cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng đây là giá trị nổi bật nhất, lâu dài nhất và đáng được được đề cao của thị trường chứng khoán sau 7 năm hoạt động.

Thứ hai, rất quan trọng, là trước đây chưa có thị trường chứng khoán, hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp có hạn chế lớn là không công khai, minh bạch; quản trị doanh nghiệp hầu hết đều yếu kém. Nhưng giờ, có thị trường rồi, tham gia thị trường rồi thì phải công khai, minh bạch; có kiểm toán độc lập, có thị trường và nhà đầu tư theo dõi, phải công bố thông tin đầy đủ, từ đó gây sức ép thay đổi ở đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải thay đổi ngay lề lối làm việc, lề lối quản lý. Một doanh nghiệp tốt, hai doanh nghiệp tốt và nhiều doanh nghiệp tốt thì hoạt động của nền kinh tế sẽ hiệu quả theo.

Thứ ba là thị trường chứng khoán đã tạo một kênh hiệu quả trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì nguồn vốn gián tiếp cũng đang ngày một tăng. Hiện theo con số thống kê chưa đầy đủ là 5 – 6 tỷ USD. Khả năng tạo và hút nguồn vốn này sẽ hỗ trợ cho việc cung vốn trong nước, tạo điều kiện tài trợ cho các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Thứ tư là tác động tích cực tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thông qua thị trường này, các công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn cổ phần hóa đẩy mạnh tiến trình chung; nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và bán cổ phiếu ra công chúng, lên sàn niêm yết. Giá trị này góp phần thúc đẩy mục tiêu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, có một giá trị cần được đề cập tới là sự góp phần của thị trường chứng khoán trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh hơn với thế giới.

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, sự hợp tác của các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng với các đối tác nước ngoài không chỉ tạo sự hội nhập về nguồn vốn mà còn là kinh nghiệm quản lý, ở khả năng phát triển công nghệ, con người… Những điều đó cũng thể hiện ở một góc độ hội nhập của nền kinh tế nói chung”.