10:39 06/07/2007

Chứng khoán 6 tháng cuối năm: Nhiều thay đổi lớn

Minh Đức

Nhà đầu tư, nhà quản lý và doanh nghiệp đang nhìn về 6 tháng còn lại của năm với những tâm lý và nhận định khác nhau

Cung nhiều, cầu có tăng kịp để cân bằng? - Ảnh: Việt Tuấn.
Cung nhiều, cầu có tăng kịp để cân bằng? - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhà đầu tư, nhà quản lý và doanh nghiệp đang nhìn về 6 tháng còn lại của năm với những tâm lý và nhận định khác nhau.

Lạc quan xen lẫn bi quan, nhưng nhìn chung đều chờ đợi một sự phát triển bền vững và lành mạnh.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết đã đạt 304 nghìn tỷ đồng (20 tỷ USD), tương đương 31% GDP, vượt cả dự kiến 30% GDP của Ủy ban Chứng khoán đến năm 2010. Lượng tài khoản được mở đã vượt trên con số 200.000. Lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đạt khoảng 5 tỷ USD. Đó là những đột biến, nhưng chưa dừng lại bởi 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thay đổi lớn.

Nguồn cung cấp tập

Trong nửa đầu năm nay, chỉ duy nhất một doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên sàn Hà Nội, nhưng lượng phát hành thêm cùng các đợt IPO lớn (phát hành cổ phần lần đầu) đã tạo ra một nguồn cung lớn cho thị trường. Có thời điểm, nguồn cung khan hiếm, cầu cao đẩy giá cổ phiếu leo thang. Và cuối quý 2, tâm lý lo ngại cung thừa từ các đợt IPO dồn dập lại xuất hiện. Còn từ nay đến cuối năm, một lượng cung lớn sẽ tiếp tục được bơm vào thị trường.

Trước mắt, đó là 7 doanh nghiệp dự kiến sẽ niêm yết trên sàn Tp.HCM và 5 thành viên mới trên sàn Hà Nội. Nhưng sự đột biến đang chờ đợi ở một loạt doanh nghiệp lớn phát hành lần đầu như 4 ngân hàng quốc doanh tiến hành cổ phần hóa và khoảng 10 tổng công ty, doanh nghiệp lớn chào hàng; đó là chưa tính tới khả năng một số mạng viễn thông có thể đẩy nhanh tiến độ để nhập cuộc...

Trong 6 tháng đầu năm, mới chỉ hơn 40 doanh nghiệp đã được tổ chức đấu giá cổ phần hóa nhưng đã cung cho thị trường gần 451 triệu cổ phần. Con số này dự báo sẽ tiếp tục đột biến từ nguồn cung của những “khủng long” Vietcombank, BIDV, Incombank và một loạt ngân hàng cổ phần hiện hữu phải phát hành tăng vốn để đảm bảo vốn pháp định.

Cung nhiều, cầu có tăng kịp để cân bằng? Trả lời câu hỏi này, trong thời gian qua đã xuất hiện những phương án dãn nguồn cung bằng cách “sắp xếp” mỗi tháng chỉ tiến hành một IPO lớn, tránh “ngộp” cho thị trường. Nhưng dự báo cung nhiều cầu cũng sẽ tăng bởi nguồn hàng đó được nhận định là chất lượng cao, đã được chờ đợi từ những nguồn vốn tích tụ trong suốt thời gian qua.

Cầu tăng mạnh, nguồn hàng chất lượng nhưng nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng theo kịp về nguồn vốn. Mở đầu 6 tháng còn lại này, nguồn tín dụng ngân hàng dành cho họ đang lần lượt đóng chặt theo tinh thần Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước; đây cũng là thời điểm các khoản nợ của họ đáo hạn, quay vốn đã khó, tìm thêm vốn để theo nguồn hàng mới càng khó hơn.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, một số nguồn tin cho rằng từ quý II vừa qua họ đã bắt đầu bán ra, “găm” vốn để chờ giải ngân cho nguồn hàng mới. Khối này có tiềm lực tài chính nên khả năng nắm bắt cơ hội lớn hơn, dù bị giới hạn tỷ lệ nắm giữ.

Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước, chủ yếu là cá nhân, đang trở nên lép vế hơn trước khả năng tiếp cận nguồn cung nói trên.

Ở một khía cạnh khác, nguồn cung tăng mạnh trước hết sẽ tạo tâm lý lo ngại giá cổ phiếu giảm. Nhiều nhà đầu tư chờ đợi điều này để săn mua. Từ đây, sự phân hóa giá cổ phiếu trên sàn sẽ khắc nghiệt hơn; yêu cầu về trình độ của nhà đầu tư càng cao hơn; thị trường sẽ chuyển động theo hướng phát triển sâu hơn.

Đối với nhà quản lý, đó là sự chuyển động đúng ý đồ theo hướng xây dựng một thị trường chuyên nghiệp hơn, khả năng của nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn. Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, rõ ràng họ mừng hơn vì cuộc chơi đã công bằng và năng lực bản thân được đề cao, thay vì tính “bầy đàn” của thời nóng sốt, ai chơi cũng thắng.

Với những doanh nghiệp tiến hành IPO hoặc niêm yết, tính thời điểm là một yếu tố quan trọng, nhất là sự khởi đầu khá thất thường của thị trường trong 6 tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp chờ đợi sự đánh giá của thị trường dành cho mình, chờ đợi cơ hội khẳng định giá trị và đặc biệt là chờ đợi những đổi thay sau sự kiện lớn – niêm yết hoặc cổ phần hóa.

Doanh nghiệp kỳ vọng lớn

Nói về mong đợi của mình, lãnh đạo những doanh nghiệp lớn đều tự tin vào khả năng thành công trong kế hoạch sắp tới. Nhưng điều họ kỳ vọng lớn nhất là giá trị về chất mà kế hoạch đó mang lại.

Nói theo cách của ông Huỳnh Dũng Nam, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB), là không phải cổ phần hóa để bán cổ phiếu, để thu về giá cao mà để có được một mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với thời cuộc. Đó cũng là kỳ vọng của ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Incombank), ở sự tác động lớn đến nền tảng văn hóa và quản trị của các doanh nghiệp, theo hướng minh bạch và tin cậy hơn. Hay đơn giản như mong muốn của ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), là để nâng cao cơ chế đãi ngộ đối với cán bộ nhân viên và thu hút được người tài.

Ở thời điểm này, hơn hết các doanh nghiệp hiểu rõ áp lực cạnh tranh đang lớn dần, nhất là khi các cam kết mở cửa theo lộ trình gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) đang gần kề. Cổ phần hóa và niêm yết thời điểm này để nhanh chóng nắm lợi thế về thời gian chuẩn bị cho khả năng đối trọng của mình. Đó là sự chờ đợi lớn.

Về kỳ vọng chung, cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp đều tin tưởng ở khả năng vươn xa hơn và phát triển sâu hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến cuối năm. Niềm tin đó có ở tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, ở vị thế của Việt Nam đang lên cao, ở tính ổn định về chính trị - xã hội. Tất nhiên, đi cùng với niềm tin đó là yêu cầu sự hoàn thiện trong cơ chế quản lý để bảo vệ thị trường phát triển bền vững và công bằng.