00:54 15/09/2008

Chứng khoán chờ một đợt chạy đà tích lũy?

Đức Hoàng

Thị trường có thể sẽ phải chờ thêm một vài phiên giảm điểm nữa trước khi có một đợt chạy đà tích lũy

Diễn biến giao dịch tại các mức kháng cự và hỗ trợ luôn là những thông tin cần phải chú ý nhất.
Diễn biến giao dịch tại các mức kháng cự và hỗ trợ luôn là những thông tin cần phải chú ý nhất.
Diễn biến đáng ngại nhất của thị trường tuần qua - trên phương diện kỹ thuật - là sự phá vỡ đường xu hướng của đợt tăng, khi VN-Index giảm xuống mức 476 điểm.

Như chúng ta đều biết, diễn biến giao dịch tại các mức kháng cự và hỗ trợ luôn là những thông tin cần phải chú ý nhất. Các ý đồ của những thành phần tham gia thị trường luôn thể hiện rõ nhất tại đây. Nếu nhận định lạc quan chiếm đa số, sức mua sẽ tăng mạnh và ngược lại, thông tin được rút ra là giá vẫn chưa giảm đủ “đô”.

Nhìn lại mốc hỗ trợ 500 điểm

Với khối lượng khớp lệnh cổ phiếu thấp nhất trong vòng 18 phiên, dường như sức mạnh của bên mua đã không được thể hiện. Trên phương diện kỹ thuật, một ngày như vậy có thể được đánh dấu là “thiếu cầu” (no demand).

Lý do đơn giản là mốc hỗ trợ 500 điểm rất vững chắc và hầu như thị trường đều đoán định được. Do đó, theo tâm lý thông thường, nếu coi đây là mức hỗ trợ chắc chắn, lực mua sẽ phải mạnh lên. Nếu bên bán đánh giá ngược lại, rằng mức hỗ trợ này chưa hợp lý, họ sẽ tăng bán. Kết quả của sự đấu tranh này phải dẫn đến một khối lượng khớp lệnh lớn và nếu giá giảm, tức là bên bán đã thắng thế.

Tuy nhiên diễn biến ngày thứ 6 vừa qua lại cho thấy một tương quan khác: Bên mua không đủ mạnh mặc dù bên bán cũng chẳng có gì áp đảo. Biểu đồ cung cầu (hình dưới) cũng cho thấy điều đó: cầu giảm khoảng 28% với 18 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong khi cung tăng 13%, đạt 55,1 triệu đơn vị.

Mặc dù cung tăng nhưng so với vài ngày trước đó thì mức độ không lớn, nếu không muốn nói là bình thường. Tâm lý nhà đầu tư tốt hơn khi không có tin gì xấu cũng khiến lượng bán được tiết giảm. Còn với cầu, tiền không thể nói là cạn kiệt nhưng rõ ràng, chỉ một bộ phận nhỏ đánh giá mức hỗ trợ 500 điểm là hợp lý.

Chứng khoán chờ một đợt chạy đà tích lũy? - Ảnh 1

Phiên thứ Sáu vừa qua đã khẳng định rõ ràng hơn: ngưỡng 500 không còn là mức hỗ trợ đáng kể nữa mà rất có thể sẽ còn trở thành mức kháng cự thời gian tới.

Chờ một đợt chạy đà tích lũy

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chúng ta đang gặp một sự lệch chuẩn nhất định nếu căn cứ vào lý thuyết sóng Elliott. Sóng điều chỉnh thứ 4 diễn ra mạnh và vượt qua các mức hỗ trợ phổ biến 50% và 61,8% theo tỉ lệ hiệu chỉnh Fibonacci Retracement. Dĩ nhiên các tỉ lệ đó cũng chỉ là tương đối và đã có những thống kê rằng khoảng 10% mức độ hiệu chỉnh của sóng 4 xuống dưới mức 61,8% của sóng 3.

Một điểm nữa là thang bậc Fibonacci với sóng 3 mà chúng ta lấy làm căn cứ có những co dãn nhất định do sự điều chỉnh biên độ giá.

Việc xác định mức độ hiệu chỉnh của sóng 4 là khá phức tạp. Thông thường, một cộng cụ hỗ trợ cho việc “đếm sóng” Elliott được sử dụng phổ biến là chỉ báo Elliott Oscillator chuẩn (hình dưới).

Chứng khoán chờ một đợt chạy đà tích lũy? - Ảnh 2

Do sóng 4 thường bao gồm các tăng giảm đan xen nên việc xác định đâu là vùng đáy của sóng này không dễ. Nếu nhầm lẫn đáy của sóng 4 thì có thể dẫn đến xác định sai đỉnh của sóng 5. Chỉ báo này xác lập một số tiêu chuẩn cho sóng 4.

Theo các thống kê và nghiên cứu xác suất về mức độ điều chỉnh của sóng 4, mức độ tối thiểu phải đạt được là giảm tới 90% đỉnh cao nhất của giá trị Elliott Oscillator của sóng 3 và không nên giảm quá -38%.

Ở biểu đồ trên, hai đường vạch ngang màu xanh dương là biên độ dao động yêu cầu của giá trị Elliott Oscillator của sóng 4 căn cứ theo tỉ lệ trên. Nếu các diễn biến giảm của giá (Index) chưa khiến Elliott Oscillator đi vào vùng này thì chưa nên đánh dấu điểm kết thúc của sóng 4.

Theo những số liệu có được, đỉnh Elliott Oscillator của sóng 3 là 76,63 nhưng hiện mức điều chỉnh Elliott Oscillator của sóng 4 mới đạt 21,53 và mức độ tối thiểu nên đạt được là 7,66. Nếu theo những nghiên cứu thống kê này, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ thêm một vài phiên giảm điểm nữa trước khi có một đợt chạy đà tích lũy cho sóng 5. Căn cứ vào tốc độ suy giảm của Elliott Oscillator, rất có thể những phản ứng đầu tiên sẽ đến vào cuối tuần này.

Nếu dựa vào các vùng hỗ trợ và kháng cự khác trên biểu đồ, sau khi ngưỡng 500 điểm bị phá vỡ, chúng ta phải dời vùng hỗ trợ xuống sâu hơn và mức tiếp theo là 420 - 450 điểm, tương đương với vùng tích lũy của sóng 3. Dĩ nhiên, việc chạm đáy của sóng 4 có thể sớm hơn hay muộn hơn nhưng các chuyển biến chắc chắn không thể đảo ngược chiều một cách chóng mặt được.

Mặt khác, có thể căn cứ vào các bước sóng tương tự ở một số cổ phiếu lớn có tiềm năng dẫn dắt thị trường thời gian tới: mức độ điều chỉnh vẫn chưa đủ sâu để hình thành trọn vẹn con sóng thứ 4 của chính nó.