Chứng khoán có “choáng” với CPI?
CPI tăng khó có thể dẫn đến khả năng thắt chặt tiền tệ hơn vào lúc này, khi lãi suất đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp
Hai ngày cuối tuần, giới đầu tư chắc hẳn quá bận rộn với những bình luận trái chiều về phản ứng của thị trường chứng khoán, khi thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể gây sốc.
Đến lúc này vẫn còn khá nhiều số liệu võ đoán về mức CPI cả nước tháng 11. Tuy nhiên, cứ với mức 1,73% của Tp.HCM và 1,93% của Hà Nội, thì khó có thể kỳ vọng mức CPI cả nước sẽ thấp.
Một căn cứ thường được sử dụng để ước đoán là tính CPI cả nước trên cơ sở bình quân hai địa bàn chính nói trên. Tháng 11 này, mức tăng CPI bình quân tại hai thành phố lớn lên tới 1,83%. Như vậy để “kéo” CPI cả nước xuống, các tỉnh, thành phố còn lại phải có mức tăng CPI bình quân thấp hơn mức này.
Điều này có vẻ khó xảy ra nếu dựa trên quy luật hàng năm. Từ năm 2007 đến nay, CPI bình quân các địa bàn còn lại đều tăng trong hai tháng cuối năm, dẫn đến mức CPI cả nước cao hơn bình quân Hà Nội và Tp.HCM.
Tình cảnh của thông tin CPI cũng không khác gì tin điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản đúng 3 tuần trước đây (6/11): giới đầu tư tiêu tốn hai ngày nghỉ cuối tuần để tranh luận liệu thông tin đã được phản ánh vào giá hay chưa. Với thông tin tăng lãi suất, những người kỳ vọng quá mức vào phản ứng tích cực của thị trường chắc hẳn đã thất vọng.
Liệu diễn biến đó có lặp lại với thông tin CPI hay không? Chiến thuật “mua lúc tin xấu” áp dụng lúc này có rủi ro?
Với thông tin CPI tháng 11 có thể khá cao, hiệu ứng có lẽ không thực sự mạnh như tin tăng lãi suất. Theo một số dự đoán của tổ chức thì CPI nằm trong khoảng 1-1,2% sẽ không có nhiều tác động đến thị trường chứng khoán vì ngưỡng đó được xem là bình thường. Vậy nếu mức CPI cả nước xấp xỉ đâu đó 1,8% thì có tạo hiệu ứng bất ngờ?
Trong hai luồng quan điểm trái ngược nhau về tác động của tin tức đến thị trường chứng khoán, người lạc quan có thể cho rằng đến lúc này tin xấu nhất là CPI đã lộ diện, tức là khó có tin nào xấu hơn nữa. Do đó “cửa” cho chứng khoán vẫn còn, hoặc chí ít là không có sự hoảng loạn bán tháo. Thậm chí quan điểm “cực đoan” còn cho rằng có thể các tình huống giảm là “dìm giá” để gom hàng, lấy tin CPI để dọa người cầm cổ.
Người cẩn trọng có thể suy luận xa hơn: liệu CPI tháng 11 cao như vậy đã đạt đỉnh hay chưa, và khi nào hiệu ứng thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có tác dụng mạnh nhất. Với mức lãi suất cho vay tới 20% hoặc hơn thì khó doanh nghiệp nào chịu nổi nếu tiếp tục kéo dài. Do đó CPI tăng cao và đạt đỉnh để rồi giảm xuống cũng là tích cực vì phát đi tín hiệu có triển vọng sẽ nới lỏng tiền tệ hơn để kích thích sản xuất trong năm tới.
Ngược lại, người bi quan có thể xem CPI tăng vọt là cú sốc đánh vào tâm lý nhà đầu tư. Khi khả năng phục hồi của thị trường là mờ mịt, số đông sẽ giảm tỉ trọng chứng khoán trong danh mục trong khi người mua cũng chỉ đứng ngoài quan sát. Trong bối cảnh dòng tiền yếu, thị trường lại chịu tác động bởi tin quá tiêu cực thì mất cân bằng cung cầu càng lớn.
Thường trong dòng suy luận của nhà đầu tư, CPI tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng lãi suất khó giảm và rộng hơn là thắt chặt tiền tệ. Việc tăng lãi suất gần đây nhằm mục đích kiềm chế CPI và từ đó thị trường có thể suy luận khả năng tăng cao của giá tiêu dùng hai tháng cuối năm là lớn. Ngược lại, CPI tăng cao không có nghĩa là thắt chặt tiền tệ sẽ căng thẳng hơn vì hiệu ứng của việc thắt chặt này sẽ ảnh hưởng đến năm 2011 hơn là hai tháng tới. Có chăng việc CPI cao sẽ dẫn tới suy luận rằng tình trạng thắt chặt tiền tệ sẽ còn kéo dài.
Nói chung hướng suy luận nào cũng dẫn đến một thực tế là khó có thể sớm nới lỏng tiền tệ - một trong những cái “phao” chủ yếu cho chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tin CPI cũng không gây ra những hiệu ứng quá bất ngờ vì về cơ bản các chính sách đã được thực thi từ trước.
Có lẽ phản ứng ngắn hạn sẽ xảy ra ngay trong một hai phiên giao dịch tới. Hiện tại thị trường đang ở gần ngưỡng hỗ trợ 410-420 điểm. Điều này có thể là một yếu tố lợi thế bổ sung cho bên lạc quan.