10:29 16/10/2007

Chứng khoán đang làm USD “rẻ” hơn?

Minh Đức

Một nguyên nhân đang được xét đến khi tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại xuống sàn, giảm hết khả năng

Một lượng ngoại tệ lớn đang được quy đổi sang VND để tham gia đầu tư - Ảnh: Việt Tuấn.
Một lượng ngoại tệ lớn đang được quy đổi sang VND để tham gia đầu tư - Ảnh: Việt Tuấn.
Một nguyên nhân đang được xét đến khi tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại xuống sàn, giảm hết khả năng…

Cuối tuần qua, hiện tượng “lạ” tiếp tục thể hiện khi giá mua vào - bán ra đồng USD của các ngân hàng thương mại ngang nhau, cùng ở mức 16.079 VND. Đầu tuần này, tỷ giá nhích nhẹ lên 16.081 VND, chênh lệch giá mua vào +1 VND.

Những con số trên đều ở mức sàn theo biên độ cho phép 0,5% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Vì sao có hiện tượng này?

Trước đó, từ ngày 21/8 đến 15/9, tỷ giá của nhiều ngân hàng thương mại luôn tăng chạm trần cho phép. Nhưng nay, xuống sàn, đợt thứ hai trong lịch sử thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng. Cụ thể, chỉ trong gần một tháng qua, tỷ giá của các ngân hàng đã giảm khoảng 1%; trên thị trường tự do khoảng 0,8%.

Nguyên nhân, theo phân tích của một phòng chuyên môn Ngân hàng Nhà nước, một phần là do sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán từ sau 15/9 đến nay.

Trong khoảng thời gian đó, chỉ số VN-Index đã tăng trên 170 điểm. Đáng chú ý là tổng giá trị giao dịch tính riêng sàn Tp.HCM có những phiên chạm 1.500 tỷ đồng. Nếu tính cả sàn Hà Nội, con số đó có phiên vượt trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn là sự “thức tỉnh” của thị trường tự do (OTC).

Theo sự phục hồi đó, một lượng vốn lớn đổ vào thị trường, trong đó có những quyết định giải ngân của khối đầu tư nước ngoài. Một lượng ngoại tệ lớn đang được quy đổi sang VND để tham gia đầu tư.

Thị trường cũng đang bàn luận về khả năng có 3 tỷ USD vốn ngoại chờ quy đổi để vào cuộc từ nay đến cuối năm, nhất là từ đợt phát hành của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank). Một số thông tin khác đề cập đến con số 4,2 tỷ USD.

Ngoài ra, sau 9 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI thực hiện tăng cao, đạt 3,3 tỷ USD cũng kéo một lượng lớn VND quy đổi. Con số này dự báo cũng gấp rút hơn vào cuối năm.

Và một nguồn ngoại tệ khác, khá lớn và tập trung vào cuối năm, tạo thêm cung ngoại tệ là nguồn kiều hối. Dự báo năm nay con số 5 tỷ USD kiều hối là có thể đạt được.

Nguồn ngoại tệ đổ mạnh, giải cơn khát chỉ mới cách đây hai tháng ở nhiều ngân hàng thương mại. Tỷ giá cũng giảm mạnh trước nguồn cung thuận lợi này, dù đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định chưa có biểu hiện “thừa” USD như một số thông tin phản ánh gần đây.

Theo đồng USD yếu

Giá USD giảm mạnh so với hầu hết các đồng tin chủ chốt trên thế giới và với cả VND. Điều này có từ thực tế và cả trong tâm lý nhiều người dân hiện nay. Ngay cả khi USD giá cao (như ở mức 16.300 VND trong tháng 8), gửi tiết kiệm cũng không lợi bằng VND, khi chênh lệch lãi suất vẫn rất lớn. Nay càng không lợi.

Trong tiêu dùng, người dân đang được lợi từ tỷ giá giảm, giá USD “rẻ” hơn, mua hàng thanh toán bằng USD lợi hơn. Như mua một máy tính xách tay 1.000 USD hồi tháng 8 phải bỏ ra 16.300.000 đồng, nay chỉ là 16.110.000 đồng (theo tỷ giá trên thị trường tự do). Với những khoản tiêu dùng lớn thì đó là chênh lệch đáng kể.

Tuy nhiên, hiện tại, ngoài một số mặt hàng điện tử, công nghệ, dịch vụ du lịch…, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ đang được hạn chế theo quy định hiện hành. Và chính thời điểm này, hẳn những đầu mối cung hàng, dịch vụ trên cũng đang tính đến phương án điều chỉnh giá sản phẩm để sống chung với đồng USD yếu.

Với doanh nghiệp nhập khẩu, mua ngoại tệ (chủ yếu là USD) để dùng thanh toán nhập hàng đang có lợi, thuận lợi cho mùa cao điểm cuối năm. Nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu, ngoại tệ thu về (cũng chủ yếu là USD) đang thiệt đi; giá hàng xuất khẩu có thể sẽ tăng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.