16:57 28/04/2011

Chứng khoán: “Đánh đu” với quỹ ngoại?

Thiện Ý

Thị trường mấy ngày nay xôn xao thông tin quỹ lớn nước ngoài đăng ký mua vào “khủng” cả chục triệu cổ phiếu với KLS và VCG

Phong trào đánh theo chiến lược đầu tư chỉ số với BVH bùng nổ cuối tháng 1 vừa qua đã đem lại quả đắng cho nhiều nhà đầu tư
Phong trào đánh theo chiến lược đầu tư chỉ số với BVH bùng nổ cuối tháng 1 vừa qua đã đem lại quả đắng cho nhiều nhà đầu tư
Thị trường mấy ngày nay xôn xao thông tin quỹ lớn nước ngoài đăng ký mua vào “khủng” cả chục triệu cổ phiếu. Khi “voi nhảy vào bồn nước” thì kiểu gì cũng có lợi nếu đi trước một bước!

Đầu tiên là trường hợp của KLS. Quỹ Market Vectors ETF thông báo “sẽ” mua vào 11.137.500 cổ phiếu và bán ra 1 triệu cổ phiếu. Thời gian giao dịch là từ 12/4 đến 12/6/2011.

Điểm khá thú vị là thông tin này được đăng tải trên website của Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) ngày 19/4 và không được đăng tải trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Điều này cũng không có gì bất thường vì quỹ này trước thời điểm công bố mới nắm giữ 9,516 triệu KLS, tương đương 4,7% vốn. Quỹ cũng không có đại diện trong ban giám đốc hay Hội đồng quản trị của KLS nên chỉ là một cổ đông bình thường. Về mặt luật, các giao dịch như vậy không cần phải đăng ký với HNX.

Đã có nhiều nghi vấn liên quan đến lượng tiền mặt của quỹ ETF này không đủ để mua khối lượng cổ phiếu lớn như vậy. Tuy nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán vì thời điểm ghi nhận báo cáo tiền mặt có thể có độ trễ hoặc quỹ đã tính toán huy động được vốn. Chỉ có điểm lạ là tại sao việc giao dịch khối lượng lớn như vậy mà quỹ phải “sốt sắng” thông báo khi không cần thiết?

Thông thường các hoạt động giao dịch cụ thể thường được giữ kín như những bí mật kinh doanh. Đặc biệt với các quỹ hoặc nhà đầu tư lớn, chỉ khi “cực chẳng đã” phải theo luật thì mới công bố. Thời điểm công bố là sau khi thực hiện thay đổi tỉ lệ sở hữu ở mức 5%.

Sự việc hơi khác thường này khiến không ít nhà đầu tư phỏng đoán về hai khả năng: Thứ nhất là quỹ đăng ký mua nhưng thực chất là để bán. Điều này không phải không có tiền lệ. Thứ hai, bản thân việc đăng tải thông tin lên website của KLS như thể một thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu này, nhất là KLS đang gây khá nhiều bức xúc trong cổ đông về việc chuyển đổi mô hình, giá giảm quá mạnh.

Thông tin quỹ lớn mua ròng mạnh với KLS đã tạo được một vài đột biến với cổ phiếu này trong ngày 20/4. KLS đã tăng kịch trần lên mức cao nhất 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã giảm mạnh trở lại. Từ khi công bố (ngày 19/4) đến hôm nay, khối ngoại mua vào xấp xỉ 1,05 triệu KLS và bán ra hơn 205.000 cổ phiếu. Tổng thanh khoản của KLS trong 8 phiên đạt 15,55 triệu đơn vị.

Các giao dịch mua lớn với KLS được thực hiện ngày 20/4 (192.700 cổ phiếu), ngày 25/4 (412.700 cổ phiếu) và hôm nay (287.700 cổ phiếu). Những giao dịch này tác động mạnh đến giá của KLS trong hai phiên đầu tiên nhưng tỉ trọng khớp lệnh khá nhỏ so với tổng thanh khoản. Hôm nay khối ngoại mua khá ít quanh giá tham chiếu.

Như vậy một phần rất lớn giao dịch của KLS được thực hiện từ nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt hai phiên tăng giá mạnh ngày 20/4 và 25/4, khối nội là yếu tố quan trọng đẩy giá lên kịch trần trước khi giảm trở lại. Tuy nhiên những mức giá đỉnh cao của hai phiên nói trên và cả phiên ngày 26/4 đều có rủi ro lớn cho những ai tranh mua giá trần, chí ít đến thời điểm này.

Với trường hợp của VCG, rủi ro còn lớn hơn mặc dù nhiều nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn sau trường hợp của KLS. Quỹ Market Vectors ETF cũng đăng ký mua 16,5 triệu cổ phiếu và bán ra 1 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện từ 17/4 theo thời gian đăng ký. Ngày 27/4, số liệu giao dịch mua của khối ngoại tại VCG ghi nhận khối lượng 589.800 cổ phiếu phiếu và ngày 28/4 là 124.900 cổ phiếu. Khối ngoại cũng bán ra 223.000 cổ phiếu. Biến động giá của VCG hôm nay cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã không đỡ được khối lượng bán ra của nhà đầu tư trong nước.

Việc quỹ ngoại mua vào mạnh một số cổ phiếu vốn hóa lớn như KLS, VCG khiến thị trường suy luận về kế hoạch “làm giá” HNX-Index như đã từng thực hiện với VN-Index. Ấn tượng huy hoàng của BVH, MSN tại HSX chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người chưa quên được “quả đắng” với BVH khi xu hướng “đánh đu” theo các quỹ chỉ số từng xảy ra hồi tháng 2 và tháng 3 vừa qua.

Bài toán khó nhất đối với các tổ chức khi mua vào khối lượng lớn là làm thế nào không tác động quá lớn đến giá. Khi mua, người mua luôn muốn mua rẻ và ngược lại. Ngay việc đăng ký mua khối lượng vượt quá nhiều lần mức thanh khoản hàng ngày cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của người bán, chưa kể đến việc không ít nhà đầu tư khác thực hiện chiến thuật “ăn theo”. Do đó, để mua được khối lượng lớn với giá thấp, thông thường giao dịch mua được thực hiện trong những phiên giảm điểm.

Một điểm cũng không kém phần rủi ro là hiện không có quy định nào bắt buộc các tổ chức phải thực hiện toàn bộ giao dịch đúng như đăng ký. Rất nhiều trường hợp đã từng xảy ra khi tổ chức trong nước chỉ thuần bán ra mà không mua vào với lý do biến động thị trường không phù hợp. Cũng có thể việc đăng ký mua là có ý đồ thực, nhưng điều đó không có nghĩa là các tổ chức không được phép thực hiện các giao dịch nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Chẳng hạn khi giá bị đẩy lên quá cao, tổ chức có thể tranh thủ bán trước chốt lời, thậm chí thuần túy là đảo hàng hạ giá vốn. Chiến lược mua vào sẽ được thực hiện sau nếu giá giảm, thậm chí là đăng ký lại.

Trường hợp của BVH cũng cho thấy không phải lúc này nhà đầu tư nước ngoài cũng chiến thắng thị trường. Khối lượng mua ròng tích lũy lớn nhất với BVH lại được thực hiện quanh đỉnh, vùng 94.000 đồng – 106.000 đồng/cổ phiếu. Ngược lại cũng có phiên khối ngoại bán ròng rất mạnh (ngày 18/3/2011) thì BVH lại chuẩn bị tạo đáy ngắn hạn. Dĩ nhiên về tổng thể khó có thể nói khối này đang lỗ tại BVH vì khối lượng tích lũy ở vùng giá thấp quá lớn. Tuy nhiên, chắc chắn không ít nhà đầu tư trong nước lướt sóng lỗ nặng khi “đu” theo chiến lược của khối ngoại đúng vào giai đoạn xu hướng đầu cơ này thoái trào.