09:36 25/12/2007

Chứng khoán đột biến vốn ngoại

Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết năm 2007 đạt 7,6 tỉ USD

Với sự gia tăng đột biến của luồng vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2007, một số hệ quả đã tác động lên thị trường như thiếu tiền đồng, lạm phát, chỉ số giá gia tăng...
Với sự gia tăng đột biến của luồng vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2007, một số hệ quả đã tác động lên thị trường như thiếu tiền đồng, lạm phát, chỉ số giá gia tăng...

Theo số liệu báo cáo tổng kết chính xác của các thành viên lưu ký, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường niêm yết năm 2007 đạt 7,6 tỉ USD.

Nếu tính chung cả thị trường không chính thức, con số này đạt gần 20 tỉ USD, tăng gấp 3 lần quy mô năm 2006.

Những con số khả quan

Cũng theo số liệu chính thức từ Trung tâm lưu ký, số lượng tài khoản đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 3/12 là 516 tổ chức và 8.167 cá nhân. Riêng trong tháng 11/2006 đã có 24 tổ chức và 530 cá nhân được cấp mã số giao dịch. Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2007 có tốc độ gia tăng nguồn vốn gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam rất khả quan.

Riêng số lượng tài khoản cũng tăng hơn 3 lần so với năm 2006. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết con số 7,6 tỉ USD là giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm ngày 14/12/2007. Nếu ước đoán chung mức vốn gián tiếp (FII) gốc vào trong 5 năm qua đạt khoảng 12 tỉ USD.

"Với một thị trường non trẻ như Việt Nam, đây là mức đầu tư rất đáng khích lệ vì có quy mô không kém mức đầu tư trực tiếp FDI. Chúng tôi cũng nhận định năm 2008 dòng tiền này sẽ còn tăng nữa", ông Bằng nói. nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ từ 25 - 30% cổ phần của các công ty niêm yết, doanh số giao dịch chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng đây vẫn chỉ là các con số ước đoán. Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các báo cáo về giá trị danh mục được dựa trên số liệu của các thành viên lưu ký, bao gồm tất cả các quỹ off-shore, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Tuy nhiên con số này là giá trị danh mục thị trường tại thời điểm báo cáo chứ không phải giá trị vốn gốc FII vào Việt Nam. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng ANZ, luồng vốn gián tiếp thực vào Việt Nam năm 2007 khoảng 5,7 tỉ USD và sẽ đạt khoảng 7,3 tỉ USD năm 2008. Lâu nay việc thống kê chính xác quy mô luồng vốn này không hề đơn giản khi có sự giao thoa giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ngân hàng Nhà nước.

Từ góc độ thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ có thể kiểm soát được quy mô danh mục đầu tư trên cơ sở lưu ký chứng khoán trong khi ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát từ góc độ ngoại tệ vào. Hiện ngân hàng Nhà nước yêu cầu nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam phải mở các tài khoản riêng biệt như tài khoản đầu tư trực tiếp, tài khoản góp vốn mua cổ phần, mua chứng khoán.

Tuy nhiên hiện những tài khoản như vậy lại không bóc tách được giữa việc mua cổ phiếu gián tiếp thực sự hay mua góp vốn vào doanh nghiệp. Ngoài ra hai cơ quan này cũng chưa xác định chính xác được mức vốn góp trên thị trường chính thức và thị trường không chính thức.

Ông Bằng cho biết, sắp tới khi Quy chế đối với nhà đầu tư nước ngoài được ban hành, sẽ có những quy định cụ thể trong việc mở tài khoản để phân định rõ hơn đầu tư gián tiếp, trực tiếp, từ đó việc theo dõi luồng vốn FII sẽ kỹ lưỡng hơn.

Cơ hội cho tăng trưởng

Với sự gia tăng đột biến của luồng vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2007, một số hệ quả đã tác động lên thị trường như thiếu tiền đồng, lạm phát, chỉ số giá gia tăng... Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng, vốn gián tiếp vào nhiều là một cơ hội để huy động cho đầu tư phát triển nên cần nắm lấy và tận dụng.

"Dĩ nhiên vốn FII vào nhiều sẽ dẫn đến một số hệ quả và chúng tôi tin ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp thích hợp để thu hút tốt hơn vốn FII thời gian tới. Giải pháp cụ thể chưa thể công bố nhưng về chủ trương, các cấp lãnh đạo đều mong muốn huy động thêm vốn vì chúng ta đã nỗ lực vận động để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì không có lý gì lại thắt chặt nguồn vốn FII", ông Bằng cho biết.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn FII vào là một trong những biện pháp quan trọng để kích cầu. Ngày 19/12 vừa qua, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ đã họp và thảo luận về các chính sách, trong đó nhấn mạnh tới sự liên thông giữa thị trường chứng khoán và các lĩnh vực khác như tiền tệ, bảo hiểm, đầu tư và việc ban hành các chính sách cần phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy thị trường.

Các vấn đề liên quan như cung tiền đồng, thực hiện mua ngoại tệ, tình trạng cho vay đầu tư chứng khoán cũng được bàn thảo. Theo ông Bằng, quy chế hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được ban hành nhưng sẽ không gây sốc cho thị trường, mà tinh thần là tăng cường báo cáo để công khai, minh bạch hơn.