09:45 20/01/2008

Chứng khoán: Dư cung và thiếu vốn

Nguyễn Hoài

Giá chứng khoán đang rất thấp hay nói một cách khác, thị trường đang có biểu hiện cung lớn hơn cầu

Theo dõi các phiên giao dịch gần đây, sau một đợi điều chỉnh sụt lại thấy giao dịch mua tăng và thị trường lại sồi lên được lặp đi lặp lại khá nhiều lần - Ảnh: Mạnh Thắng.
Theo dõi các phiên giao dịch gần đây, sau một đợi điều chỉnh sụt lại thấy giao dịch mua tăng và thị trường lại sồi lên được lặp đi lặp lại khá nhiều lần - Ảnh: Mạnh Thắng.
Theo tin từ một số đại lý nhận đặt cọc mua cổ phần Vietcombank, mặc dù thời hạn chỉ còn vài ngày nhưng số lượng người thanh toán giao dịch đấu giá trước đó rất ít. Trong khi đó, thời hạn chốt danh sách đặt cọc Sabeco vào hôm nay nhưng đến nay tình hình không như mong đợi...

Thị trường đang dư cung?

Khảo sát tại các công ty chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, VIS và một số công ty chứng khoán khác, tại đây, rất ít người đến thực hiện giao dịch số cổ phần đã trúng giá trong đợt đấu giá Vietcombank vừa qua, nhất là đối với số cổ phần trúng giá từ 108 - 109 nghìn đồng/cổ phần. 

Khả năng nhiều nhà đầu tư bỏ cọc, nhất là đối với trường hợp giá đấu thành công ở mức 108 nghìn đồng trở lên rất dễ xảy ra và con số này theo tin đồn có thể lên tới 30%.

Lý giải khả năng này, một cán bộ của Công ty chứng khoán quốc tế Hoàng Gia cho biết: “Giá giao dịch cổ phiếu Vietcombank ngày 15/1 là 98 nghìn đồng/cổ phiếu còn ngày 16/1 là 99 - 100 nghìn đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, lượng mua vào ít vì nhà đầu tư còn chần chừ không muốn ôm. Những nhà đầu tư đã trót đấu giá từ 108 - 110 nghìn đồng/cổ phiếu, rất có thể sẽ bỏ cọc vì thà mất tiền cọc rồi mua với giá 98 - 99 nghìn đồng/cổ phiếu còn có lợi hơn”.

Tình hình cũng không sáng sủa gì đối với trường hợp của Sabeco khi mà ngày 18/1 là hạn chót để chốt danh sách đăng ký đặt cọc mua cổ phần nhưng số người đến đăng ký rất ít.

Thêm một trường hợp nữa, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Thiên Long đã quyết định lùi thời điểm IPO. Doanh nghiệp này dự định phát hành 3.500.000 cổ phần với mức giá khởi điểm đấu giá 55 nghìn đồng/cổ phần.

Trên thị trường niêm yết, thật khó hình dung sau một thời gian dài, hầu hết các doanh nghiệp đều làm ăn có hiệu quả, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, kỳ vọng của họ đều rất tốt với chỉ số tăng trưởng tới cả trăm phần trăm. Vậy nhưng chỉ số chứng khoán vẫn lùi về mức đáy 800 điểm. Điều này được hiểu là giá chứng khoán đang rất thấp hay nói một cách khác, thị trường đang có biểu hiện cung lớn hơn cầu.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Lê Hải Trà, Ủy viên Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM lại có phần dè dặt: “Đâu là cơ sở của dấu hiệu về tình trạng dư cung? Tôi cho rằng tín hiệu đáng tin cậy nhất về tình trạng dư cung là khi các đợt phát hành thêm hoặc đấu giá thất bại vì không được thị trường đón nhận”.

Theo cách hiểu này, có lẽ phải chờ vào ngày thanh toán tiền mua cổ phần đấu giá Vietcombank vào 22/1 tới và ngày chốt danh sách đăng ký mua cổ phần Sabeco vào 18/1 thì sẽ rõ ngọn ngành.

Ở một góc độ khác, liệu thời điểm này có phải là cơ hội để mua vào? Phó giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng: “Khoảng thời gian thị trường ở mức 800 điểm, trong khi các chỉ số phản ánh giá trị doanh nghiệp niêm yết đều tăng trưởng ở con số hàng trăm thì không có lý do gì để không mua vào!”.

Cũng theo ông này, cùng với sự can thiệp khá tích cực (mặc dù phần lớn mới dừng ở lời hứa) của các cơ quan chức năng như lùi thời hạn đánh thuế thu nhập chứng khoán, cởi trói “Chỉ thị 03” cũng như quan điểm thúc đẩy thị trường chứng khoán của Chính phủ trong việc hối thúc Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán liên kết với nhau để đưa ra các chính sách cụ thể khác như mua ngoại tệ, bố trí lại lịch cung hàng... đã gây tác động tốt lên thị trường.

Trên thực tế, mấy tháng gần đây, nhiều quỹ đầu tư đưa hàng tỷ USD vào Việt Nam, bị treo tại các tài khoản ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước ngừng thu đổi thì đến 15/1, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần khơi thông dòng vốn và giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trong vài ngày qua.

Vừa thắt van, vừa múc sạch nước?

Theo dõi các phiên giao dịch gần đây, sau một đợi điều chỉnh sụt lại thấy giao dịch mua tăng và thị trường lại sồi lên được lặp đi lặp lại khá nhiều lần. Chuyên gia chứng khoán Hoàng Xuân Quyến (Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt) lý giải: “Có hai nguyên nhân cơ bản nhất là niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm và luồng tiền đầu tư vào chứng khoán đang dần cạn kiệt”.

Trên thực tế, việc luồng vốn "bỏ chạy" vào thị trường bất động sản và vàng cho thấy đây là nhận định có cơ sở. Trong khi chợ chứng khoán đìu hiu thì chợ vàng và bất động sản lên cơn sốt từng ngày. Vàng đã lên tới đỉnh 17,75 triệu đồng/lượng trong khi người dân chưa dừng lại phong trào đi mua vàng tích trữ. Còn giá chung cư các làng quê Văn Phú, Văn Khê tít tận Hà Đông đang được rao tới 18-20 triệu đồng/m2!

Thứ hai, trong khi đó các chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán lại “vừa thắt chặt van vừa múc sạch nước”. Biểu hiện dễ nhận thấy đầu tiên là thị trường vốn sau thời gian IPO Bảo Việt và Đạm Phú Mỹ cùng hàng loạt ngân hàng đua nhau phát hành cổ phiếu tăng vốn, lập mới đã gần như “người mới ốm dậy”.

Đã thế, với việc ban hành Chỉ thị 03, thắt chặt cho vay đầu tư chứng khoán ở mức 3%/tổng dư nợ đã thu hẹp kênh vốn cho nhà đầu tư. Thêm vào đó, Chính phủ không mở “room” cho các nhà đầu tư ngoại, nhất là đối với các cổ phiếu bluechips, Ngân hàng Nhà nước thì ngừng mua USD để giảm lạm phát và hạn chế cung tiền ra lưu thông thông qua hàng loạt biện pháp: tăng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% và nay là 11%.

Chưa hết, trong lúc thị trường đang khan hiếm vốn thì lịch trình IPO vẫn được Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nhà nước xếp đặt và dường như không quan tâm lắm đến những gì đang xảy ra trên thị trường vốn.

Trước đó, một loạt doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí thực hiện cổ phần hoá, rồi Bảo Việt IPO khá thành công và tiếp nối là Vietcombank hút 10 nghìn tỷ đồng, Sabeco khả năng hút khoảng 6 nghìn tỷ đồng, chưa kể một loạt đại gia như Incombank hay BIDV cũng đang ngấp nghé IPO...