09:43 31/03/2011

Chứng khoán “hậu” tăng giá xăng: Chờ chính sách tiền tệ

Khánh Hà

Mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 7% ngày càng xa vời, và liệu chính sách tiền tệ còn “liều thuốc” nào “sốc” hơn nữa?

Giới đầu tư đón nhận thông tin tăng giá xăng lần hai một cách khá bình tĩnh.
Giới đầu tư đón nhận thông tin tăng giá xăng lần hai một cách khá bình tĩnh.
Điều mà thị trường lo ngại là tác động của giá xăng mới lên chỉ số giá có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 khó thấp. Mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 7% ngày càng xa vời, và liệu chính sách tiền tệ còn “liều thuốc” nào “sốc” hơn nữa?

Một số phân tích của tổ chức trong nước khá trái ngược về dự đoán tác động của việc tăng giá xăng dầu lên CPI và định hướng chính sách tiền tệ tới đây.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu hôm 29/3 có thể khiến CPI năm 2011 tăng thêm khoảng 0,4%. Công ty Chứng khoán HSC cũng dự kiến mức đóng góp của giá xăng vào CPI tháng 4 thêm 0,3-0,4%. Mô hình dự báo của tổ chức này dự đoán CPI tháng 4 khoảng 1,5%.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) khá bi quan cũng cho rằng việc phải tăng giá xăng khá gấp trong hơn một tháng qua phản ánh áp lực lớn. Giá xăng dầu thế giới tăng trong khi quỹ bình ổn xăng dầu được Chính phủ dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu thời gian qua đã được sử dụng gần hết trong khi các giải pháp tài chính khác như giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0% khiến Chính phủ gần như không còn dư địa chính sách để giảm áp lực điều chỉnh giá.

Theo tổ chức này, việc tăng giá xăng dầu, giá điện trong tháng 2 và tháng 3 đã đội chi phí vận chuyển  cũng như yếu tố đầu vào của nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là cước vận tải tăng 6,69% và đẩy CPI tháng 3 tăng 2,17%. Việc tăng giá xăng dầu cuối tháng 3 sẽ phản ánh khá đầy đủ vào CPI tháng 4. VCBS dự đoán mức tăng CPI tháng tới khó dưới 1,5%.

Thị trường chứng khoán lo ngại CPI từ góc độ các chính sách nào sẽ được thực thi để kiềm chế lạm phát. Rõ ràng dư địa để khống chế lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội là quá ít. Liệu sức ép lạm phát đang tăng lên có khiến Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn trong việc thắt chặt tiền tệ để trung hòa tác động?

Thực tế việc giảm cung tiền vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thông qua các nghiệp vụ thị trường mở. Tuy nhiên hoạt động này ít được thị trường chú ý vì hơi khó nhận ra. Những công cụ được nhiều người lo ngại nhất vẫn là lãi suất và dự trữ bắt buộc.

VCBS thậm chí còn nói thẳng, “chúng tôi vẫn không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhất là khi tỷ lệ này đang ở mức rất thấp”. Đó cũng là điều thị trường lo ngại nhất, vì nếu tăng dự trữ bắt buộc cộng với những hạn chế về tỷ lệ vốn khả dụng theo Thông tư 13 và 19 thì lượng vốn bị giam lại rất lớn.

Sau lần tăng giá xăng tháng 2, công cụ dự trữ bắt buộc vẫn chưa được dùng tới và việc điều hành các lãi suất nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt hơn cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp mềm dẻo. Hiệu ứng thắt chặt tiền tệ cần có thời gian để ngấm và rõ ràng chính sách này chưa phản ánh kịp vào CPI tháng 2 và tháng 3.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp thời gian qua với trọng tâm là thắt chặt tiền tệ giảm tổng cầu sẽ góp phần khiến tác động của giá xăng dầu được giảm thiểu. “Nhiều khả năng lạm phát sẽ bắt đầu giảm từ tháng 4 sau khi đạt đỉnh vào tháng 3; kỳ vọng về lạm phát cũng đang có chiều hướng giảm và theo đó giảm tác động vòng 2 của việc tăng giá xăng dầu cũng như giá điện và giá các đầu vào khác”.

Với những biến động mới trong giá một số mặt hàng cơ bản, khả năng nới lỏng tiền tệ có thể bỏ qua lúc này. Tuy nhiên, khả năng có chính sách “sốc” cũng không phải là lớn, và chỉ có một liệu pháp “sốc” nào đó mới ảnh hưởng mạnh đến tâm lý thị trường.

Chứng khoán thời gian qua đã quen với tình trạng thắt chặt hiện tại bằng các công cụ linh hoạt bơm hút tiền tệ. Nếu chính sách không có gì mới đã là một tin tốt vì sự suy giảm cuối tháng 2, đầu tháng 3 đã phản ánh sự quan ngại này. Phiên giao dịch hôm qua, thị trường phần nào cho thấy mức độ quan ngại trước các biến động mới là không nhiều.

Tình trạng cân bằng tạm thời của thị trường chứng khoán cũng phản ánh một bộ phận nhà đầu tư chấp nhận đánh cược vào khả năng không thắt chặt thêm nữa chính sách tiền tệ, mà cụ thể là tăng thêm các mức lãi suất hoặc tăng dự trữ bắt buộc. Thanh khoản thị trường rất thấp cũng phản ánh một bộ phận nhà đầu tư chấp nhận đứng ngoài, chờ đợi những chuyển biến rõ ràng hơn của chính sách.

Tương quan giằng co hiện tại khó có thể cải thiện ngày một ngày hai, nhưng riêng việc thị trường chấp nhận thêm các tin xấu một cách bình thản cũng đã phản ánh sự chai lì nhất định trong tâm lý.