16:31 30/07/2007

Chứng khoán: Khi cá lớn quẫy đuôi

Những tên tuổi lớn bắt đầu thay đổi linh hoạt chu kỳ nắm giữ cổ phiếu, tối đa hóa lợi nhuận mà đối với họ càng nhiều càng tốt

Thị trường đang lớn lên, cá lớn sẽ quẫy đuôi nhiều hơn. Và những cú quẫy đuôi đó sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài - Ảnh: Mạnh Thắng.
Thị trường đang lớn lên, cá lớn sẽ quẫy đuôi nhiều hơn. Và những cú quẫy đuôi đó sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài - Ảnh: Mạnh Thắng.
Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn thay đổi căn bản về chất với sự tham gia ngày một sâu hơn của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Những tên tuổi lớn bắt đầu thay đổi linh hoạt chu kỳ nắm giữ cổ phiếu, tối đa hóa lợi nhuận mà đối với họ càng nhiều càng tốt. Cái mốc của sự thay đổi được đánh dấu với cổ phiếu FPT.

“Tài chính” không phải “chiến lược”

Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FPT đang trong những ngày gian khó khi loại chứng khoán này đã rớt giá hơn 10 phiên liên tục. Ngày 24/7/2007 giá cổ phiếu FPT chỉ còn 267.000 đồng (sau khi chia thưởng 50% bằng cổ phiếu), ngang bằng giá chào sàn 400.000 đồng của ngày giao dịch đầu tiên tháng 12 năm ngoái.

Đợt sụt giảm giá mới nhất của FPT bắt đầu bằng việc Texas Pacific Group (TPG) bán ra khoảng một nửa trong số hơn 5% cổ phiếu FPT mà họ đã mua cùng với Intel Capital với giá tổng cộng 36,5 triệu USD vào tháng 10/2006.

Khi ấy không ít người đã lầm tưởng TPG là nhà đầu tư chiến lược của FPT, nhưng trên thực tế của hợp đồng mua bán, TPG chỉ là nhà đầu tư tài chính. Họ không giữ một ghế nào trong hội đồng quản trị công ty, không tham gia tư vấn điều hành. Điều kiện ràng buộc duy nhất là họ phải nắm giữ cổ phiếu ít nhất trong vòng sáu tháng kể từ khi FPT lên sàn.

Lúc đầu TPG muốn được đầu tư chiến lược vào FPT và bày tỏ ý định mua tới 30% cổ phần công ty, nhưng lãnh đạo FPT từ chối. Thay bằng 30%, họ chỉ được mua 5%, một tỷ lệ không đáng kể đối với một tập đoàn tên tuổi như họ.

Vì sao FPT không tiếp nhận TPG như đối tác chiến lược? Câu trả lời mà người viết tìm hiểu được là FPT thấy không cần thiết. Lãnh đạo FPT tự tin rằng họ có thể kinh doanh thành công mà không cần có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Có thể vào thời điểm bán cổ phần cho TPG và Intel Capital, FPT chỉ cần một vài cái tên danh tiếng quốc tế để việc niêm yết thuận lợi hơn.

Đến nay TPG nắm giữ cổ phần FPT đã chín tháng và với mục đích đầu tư tài chính, khoản đầu tư đã mang lại cho họ mức lời 400%. Trước khi “đẩy” cổ phiếu ra sàn theo phương thức khớp lệnh, TPG đã “rao” bán theo phương thức thỏa thuận, nhưng không tìm được người mua. Việc TPG bán trên sàn đã tạo nguồn cung lớn, bất ngờ và điều tất yếu là cổ phiếu FPT giảm giá.

Góc độ tiếp thị

TPG có thể sẽ bán hết số cổ phiếu FPT đang còn giữ một khi giá phù hợp hơn với họ. Có thể họ thay đổi danh mục đầu tư, có thể họ cần vốn cho những mục đích khác. Song điều đáng nói là từ nay TPG đã có một câu chuyện đầu tư thành công ở Việt Nam để thuyết phục giới đầu tư quốc tế một khi họ muốn gọi vốn bỏ vào Việt Nam.

Điểm này thực sự quan trọng bởi Việt Nam là thị trường mới nổi, nhiều rủi ro, nhưng họ vẫn kiếm được lợi nhuận. Đây là dấu cộng tăng uy tín cho họ. Sự thành công trong trường hợp FPT sẽ là cái cớ để họ đầu tư vào những công ty khác của Việt Nam.

Ở một phía khác, thiết nghĩ Việt Nam nên dùng câu chuyện của TPG để thuyết phục những đại gia tài chính quốc tế, nhất là Mỹ, đầu tư vào Việt Nam. Từ trước đến nay những khoản đầu tư lớn vài chục triệu USD trở lên chủ yếu của nước ngoài bỏ vào ngân hàng. Tuy nhiên chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tất toán khoản đầu tư vào ngân hàng. Vì thế khoản lời của TPG là khoản lợi nhuận lớn đầu tiên của một tổ chức tên tuổi nước ngoài.

Câu chuyện TPG tự bản thân nó là minh chứng sinh động, hấp dẫn giới đầu tư Mỹ, tiếp thị hiệu quả cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Biết đâu sau TPG, những tên tuổi khác như Blackstone, Carlyle sẽ vào Việt Nam?

Sau TPG thị trường chứng khoán sẽ làm quen dần với việc các tổ chức nước ngoài bán ra, mua vào khối lượng cổ phiếu lớn. Thị trường đang lớn lên, cá lớn sẽ quẫy đuôi nhiều hơn. Và những cú quẫy đuôi đó sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài.