17:16 05/01/2011

Chứng khoán: Liệu có “sóng” kết quả kinh doanh?

Khánh Hà

Kết quả kinh doanh quý 4/2010 có khả quan cũng khó khỏa lấp được nỗi ám ảnh về lãi suất, tỉ giá và lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng đang được thị trường quan sát kỹ lưỡng để dự đoán khả năng nới lỏng tiền tệ
Chỉ số giá tiêu dùng đang được thị trường quan sát kỹ lưỡng để dự đoán khả năng nới lỏng tiền tệ
Thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 4 đang đến gần, bức tranh toàn cảnh hoạt động năm 2010 của doanh nghiệp niêm yết sẽ sáng tỏ. Liệu có kỳ vọng nào cho một cơ hội để thị trường “dậy sóng”?

Số liệu báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp cho thấy “phần nổi” của bức tranh khá đẹp. Thông tin mới nhất công bố ngày 5/1, Công ty Khoáng sản Bình Thuận Hamico (KSA) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010 với 65,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 26% kế hoạch năm. Như vậy riêng trong quý 4/2010, KSA đạt khoảng 13,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) kết thúc năm 2010 cũng đạt doanh số khoảng 74 triệu USD, tăng 40% so với năm 2009 và lợi nhuận tăng trên 60%, đạt 25 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, hai chỉ tiêu này vượt 38% về doanh thu và 25% về lợi nhuận. FMC lỗ quý 2 khoảng 2,3 tỷ đồng.

Thông tin ước tính từ nhiều doanh nghiệp khác cũng báo cáo con số lãi như SVC đạt tổng doanh thu hơn 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 110 tỷ đồng; SDN ước thực hiện 5,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 20% kế hoạch cả năm (4.5 tỷ đồng); CTG cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2010 tăng 48% so với năm 2009 và cao hơn kế hoạch mà Đại hội cổ đông giao 25%; C92 cả năm đạt 175 tỷ đồng doanh thu và 5 tỷ đồng lợi nhuận; QCG ước đạt 359 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; SD6 đạt 34,5 tỷ đồng...

Mặc dù đây mới là các số liệu ước tính, báo cáo nhanh nhưng thường những doanh nghiệp công bố sớm có kết quả kinh doanh khá tốt. Đợt tăng từ đáy 420 điểm trong gần 2 tháng qua khó có thể nói là thị trường đi trước kỳ vọng về một năm làm ăn thành công của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường đã phục hồi khá tốt trong bối cảnh lạm phát, tỉ giá và lãi suất nóng bỏng.

Những tác động vĩ mô trong 3 tháng cuối năm 2010 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý 4 của doanh nghiệp. Ám ảnh về tỉ giá, chi phí vốn vay, chi phí sản xuất đầu vào thậm chí còn nặng hơn nhiều nửa đầu năm 2010. 

Bên cạnh những con số đẹp, hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận, đã có những doanh nghiệp phải tuyên bố ngược như SSI. Nhóm công ty chứng khoán phải trích lập dự phòng lớn trong nửa đầu năm 2010 có thể tận dụng bao nhiêu phần trăm cơ hội trong sóng tăng tháng 12 vừa qua vẫn còn là ẩn số. KLS, BVS đang trong quá trình điều chỉnh khá mạnh gần đây cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi lớn về kết quả kinh doanh.

Riêng với doanh nghiệp sản xuất, khả năng đột biến về lợi nhuận là không phải dễ khi lãi suất đang rất cao. Doanh nghiệp có thể có phương án dự phòng hoặc bù đắp từ hoạt động trong các quý trước nhưng khả năng tạo bất ngờ là khó, ngoại trừ các hoạt động như bán tài sản hay hạch toán lợi nhuận dự án kiểu “lương khô”. 

Một điểm cũng đáng lưu ý là thị trường đã cho thấy phản ứng khá lạnh nhạt với những thông tin đã biết. PVS đạt lợi nhuận trước thuế 2010 tới 1.000 tỷ đồng, vượt 43% kế hoạch năm nhưng giá vẫn không khởi sắc hơn sóng T+4 “lăn chốt” từ ngày điều chỉnh giá 9/12/2010. KSA từ giữa tháng 11/2010 đến giữa tháng 12/2010 tăng gần 53% và đã điều chỉnh giảm khá mạnh. FMC, SVC, QCG cũng phản ứng rất yết ớt, không “tương xứng” với thông tin hỗ trợ.

Đầu năm 2010, kỳ vọng về một con sóng kết quả kinh doanh cuối năm cũng “phá sản”. Sóng tăng tháng 12/2009 chủ yếu xuất phát từ động lực của thông tin đóng cửa sàn vàng và niềm hi vọng dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Không rõ ám ảnh đó có lặp lại trong năm 2011 hay không, nhưng một điểm chung là yếu tố vĩ mô đang ảnh hưởng lớn đến thị trường nói chung. Dòng tiền vận động yếu càng khiến cơ hội đi ngược dòng của các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ trở nên khó khăn.

Thiếu yếu tố đột biến trong kết quả kinh doanh quý 4, thậm chí khả năng giảm lợi nhuận do tác động của lãi suất, tỉ giá khiến động lực cho một con sóng lớn khó mạnh. Nhìn xa hơn, những yếu tố đó sẽ còn kéo dài trong ít nhất là quý 1/2011 và không mấy nhà đầu tư “dám” dự đoán một kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh này.