07:46 13/06/2013

Chứng khoán Mỹ chìm sâu trong bất ổn

Thanh Hải

Kể từ đầu tuần giao dịch này cho tới nay, chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư Phố Wall đã tăng tới trên 20%

Hiện tại chỉ số S&P 500 chỉ đứng trên đường trung bình động 50 ngày 
vẻn vẹn có 2 điểm, nhưng thấp hơn nhiều so với đường trung bình động 14 
ngày - Ảnh: AP.
Hiện tại chỉ số S&P 500 chỉ đứng trên đường trung bình động 50 ngày vẻn vẹn có 2 điểm, nhưng thấp hơn nhiều so với đường trung bình động 14 ngày - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sâu trong phiên 12/6, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 100 điểm, do nhà đầu tư mở rộng đà bán tháo trước lo ngại các ngân hàng trung ương rút biện pháp kích thích tăng trưởng.

Theo giới phân tích thị trường, nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm nhẹ hoặc rút bỏ chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng trong những tháng tới đây, đang tiếp tục gây sức ép lên tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường. Chương trình thu mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng là một trong những động lực giúp chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong năm nay.

Việc rút bỏ những chương trình có ý nghĩa kích thích tăng trưởng này dự kiến sẽ gây ra những biến động lớn và kéo lùi các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế là các chỉ số này hiện cũng đang bị mất điểm nặng nề trong vài tuần gần đây, trong khi nguyên nhân mới chỉ dừng ở những lo lắng của các nhà đầu tư về nguy cơ xảy ra động thái như trên.

Phiên giao dịch 12/6 đánh dấu lần thứ 7 trong vòng 15 ngày qua, chỉ số Dow Jones giảm hơn 200 điểm trong ngày, trước khi lấy lại được một phần vào cuối phiên. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường Mỹ tăng tới 8,9%, lên 18,59 điểm. Kể từ đầu tuần giao dịch này cho tới nay, chỉ số VIX này đã tăng mạnh, tới trên 20%.

Kết thúc phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 126,79 điểm, tương ứng với mức 0,84%, xuống còn 14,995,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,61 điểm, tương ứng 0,84%, xuống còn 1.612,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 36,52 điểm, tương ứng 1,06%, xuống 3.400,43 điểm. Riêng chỉ số S&P 500 đã giảm 3,4% từ mức kỷ lục 1.669,16 điểm hôm 21/5.

Hiện tại chỉ số S&P 500 chỉ đứng trên đường trung bình động 50 ngày vẻn vẹn có 2 điểm, nhưng thấp hơn nhiều so với đường trung bình động 14 ngày. Theo giới phân tích, nếu chỉ số S&P 500 rớt xuống dưới đường trung bình động 50 ngày (1.610,55 điểm), đà bán tháo của nhà đầu tư sẽ trở nên căng thẳng hơn và những tác động tới tâm lý thị trường sẽ còn lan rộng hơn.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 6,2 tỷ cổ phiếu được sang nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 6,38 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Số cổ phiếu giảm điểm vượt trội hơn số tăng với tỷ lệ 4/1 trên sàn giao dịch New York. Còn ở sàn Nasdaq, hơn 2 cổ phiếu giảm điểm, thì có 1 mã tăng.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửa+/- (điểm)+/- (%)
MỹDow Jones14.995,23-126,79-0,84
S&P 5001.612,52-13,61-0,84
Nasdaq3.400,43-36,52-1,06
AnhFTSE 1006.299,45-40,63-0,64
PhápCAC 403.793,70-16,86-0,44
ĐứcDAX8.143,27-79,19-0,96
Nhật BảnNikkei 22513.289,32-28,30-0,21
Hồng KôngHang Seng21.354,66-260,43-1,20
Trung QuốcShanghai Composite2.210,90-29,86-1,33
Đài LoanTaiwan Weighted8.116,15-44,40-0,54
Hàn QuốcKOSPI Composite1.909,91-10,77-0,56
SingaporeStraits Times3.153,48-16,90-0,53
Nguồn: CNBC, Market Watch.