11:50 17/11/2011

Chứng khoán: Nước xa có cứu được lửa gần?

Nguyễn Hoàng

Giới đầu tư đang tỏ ra thất vọng vì cơ quan quản lý không đưa ra được giải pháp hỗ trợ cụ thể nào cho thị trường đang lao dốc

Khá nhiều khung pháp lý cho nền tảng thị trường sẽ được ban hành tới đây thực ra ít được nhà đầu tư cá nhân quan tâm, nhưng lại góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững trong dài hạn.
Khá nhiều khung pháp lý cho nền tảng thị trường sẽ được ban hành tới đây thực ra ít được nhà đầu tư cá nhân quan tâm, nhưng lại góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững trong dài hạn.
Ít nhất 4 nhân viên môi giới ở 4 công ty chứng khoán khác nhau được VnEconomy thăm dò sáng nay đều cho biết nhà đầu tư tỏ ra rất thất vọng, thậm chí bực bội khi diễn biến thị trường không như kỳ vọng.

Theo suy đoán của một nhà đầu tư, nguyên nhân của đợt tăng bất ngờ hôm qua xuất phát từ tin đồn lan rộng về cuộc họp “hạn chế” của Ủy ban Chứng khoán nhằm công bố một số giải pháp vực dậy thị trường cuối năm: “Tôi nhận được nhiều tin nhắn thông báo từ sớm về cuộc họp này, thậm chí có thông tin còn cho biết khả năng cho giao dịch T+2”.

Trên một vài diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư còn úp mở về những thông tin giải pháp cứu thị trường. Thậm chí có người còn tưng tửng như thế mình biết thông tin mật, dặn “anh em” cố chờ để coi tivi buổi trưa, còn giờ thì cứ “múc” đi đã!

Quả thực sáng ngày 17/11, Ủy ban Chứng khoán có tổ chức một cuộc họp báo, nhằm thông báo một số giải pháp sẽ triển khai đối với thị trường chứng khoán cuối năm 2011 và năm 2012 cũng như một số giải pháp trung, dài hạn khác. Cuộc họp này được tổ chức theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính và có thể do đó, nhiều nhà đầu tư đánh giá cao tầm quan trọng của nó.

Tuy nhiên nội dung của buổi họp không phải nhằm đưa ra những giải pháp ngắn hạn để “cứu” thị trường. Tuyệt nhiên không hề có các giải pháp mang tính trấn an, kích thích mang tính ngắn hạn. Những thông tin được công bố công khai sau đó cho thấy đây là những kế hoạch đã được triển khai từ lâu và bắt đầu bước sang giai đoạn chuẩn bị thực thi.

Phải nói rằng Ủy ban Chứng khoán đang nỗ lực thực hiện khối công việc hết sức đồ sộ để hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường. Nhiều giải pháp tuy hơi muộn nhưng vẫn đáp ứng được kỳ vọng cho mục tiêu trung và dài hạn.

Một ví dụ là thông tư về quỹ mở sẽ được ban hành trong vài tháng tới và chắc chắn là trước năm 2012. Đây là điều mong mỏi của rất nhiều tổ chức đầu tư lớn nước ngoài, khi hạn chế của quỹ đóng đang khiến cho việc gọi vốn mới trở nên bất khả thi, nhất là khi các quỹ đang có chuẩn bị giải thể.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết trong các cuộc tiếp xúc, các tổ chức đầu tư như Prudential, HSBC rất quan tâm đến việc cho phép thành lập quỹ mở và các dạng quỹ khác như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư bất động sản. Dự thảo cho các loại hình quỹ này thực ra đã xong từ tháng 3/2011 và sau quá trình rà soát lại, sẽ ban hành để các tổ chức có thời gian chuẩn bị phù hợp.

Ngoài ra, khá nhiều khung pháp lý cho nền tảng thị trường sẽ được ban hành tới đây thực ra ít được nhà đầu tư cá nhân quan tâm, nhưng lại góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững trong dài hạn. Đề án quản lý vốn gián tiếp, xử lý các vấn đề về cơ chế tài chính, chế độ kế toán, tỷ giá, khấu hao, quy định kế toán cho quỹ đầu tư chứng khoán, các Thông tư thay thế về mua lại, công bố thông tin, quản trị công ty, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp FDI, xử phạt hành chính...

Cũng có một số giải pháp ủng hộ thị trường cụ thể, như kiến nghị tiếp tục kéo dài miễn giảm thuế, bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân, xây dựng hệ thống chỉ số thị trường mới, kéo dài thời gian giao dịch...

Tuy nhiên, mối quan tâm của đa số nhà đầu tư cá nhân thường là chờ đợi những giải pháp mang tính cụ thể theo hướng “cứu” thị trường, hơn là những giải pháp chung chung, dài hơi mang tính chính sách. Điều này cũng không có gì bất ngờ vì trong khi các thị trường khác như bất động sản rầm rộ ý kiến “kêu cứu” thì đồng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán của họ lại đang hao mòn mỗi ngày và nhà đầu tư có cảm giác bị bỏ rơi.

Trao đổi tại buổi họp, đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết yếu tố căn bản tác động đến thị trường chứng khoán vẫn là điều kiện kinh tế vĩ mô. Trong những thời vĩ mô tốt, khung pháp lý chưa hoàn thiện, cơ chế giao dịch chưa đầy đủ thì thị trường vẫn tăng trưởng rất tốt.

Ngay cả với những người quản lý thị trường cũng nhận thấy bối cảnh vĩ mô hiện tại đang khó khăn thì chứng khoán không thể “kích thích” để tăng trưởng được.

Một bằng chứng cụ thể nhất: các công ty niêm yết thua lỗ, lợi nhuận sụt giảm gia tăng theo từng quý. Trong quý 1/2011 số thua lỗ là 60 công ty. Quý 2 tăng lên 80 công ty và quý 3 là xấp xỉ 100 công ty. Có tới 60% số công ty có lãi nhưng lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Yếu tố hàng hóa cơ bản đã khó khăn thì “thuốc” nào cũng không vực dậy thị trường trong ngắn hạn được.

Một trong những nguyên nhân khiến áp lực tâm lý trong chu kỳ sụt giảm gần đây nặng nề hơn các đợt suy giảm trước, là thời gian kéo dài. Ngay cả năm 2008, sức ép tuy lớn về mức độ sụt giảm, nhưng vẫn có một chu kỳ hồi phục nhờ kích thích kinh tế. Từ cuối năm 2009 đến nay thị trường đi theo xu hướng chủ đạo là giảm và cơ hội lợi nhuận rất thấp, mức rủi ro lại cao. Thời gian kéo dài khiến áp lực nặng nề hơn và nhà đầu tư mất dần niềm tin vào thị trường.

Trong bối cảnh thị trường đi xuống, luôn có những luồng quan điểm trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng cần những giải pháp “cứu” mang tính ngắn hạn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh. Khi giảm đến mức độ hợp lý thì nhà đầu tư có tiền sẽ chớp lấy cơ hội. Yếu tố căn bản nhất vẫn là điều kiện vĩ mô trong và ngoài nước đủ thuận lợi để hỗ trợ thị trường tăng trưởng.

Một điểm quan trọng là cần có những tiếng nói bênh vực cho thị trường chứng khoán lúc khó khăn này. Chứng khoán thứ cấp là kênh luân chuyển vốn và tạo vốn, hỗ trợ định hướng tái cấu trúc nền kinh tế đang được đặt ra. Tái cấu trúc đầu tiên là giảm đầu tư công thì phải thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đầu tư tư nhân phải dựa vào thị trường chứng khoán. Tái cấu trúc doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, cổ phần hóa cũng phải dựa vào thị trường chứng khoán. Chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tốt đã được thị trường chứng khoán đi trước. Do đó đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường chứng khoán.