08:09 01/07/2013

“Chứng khoán sẽ khó nhìn thấy cơ hội tăng trưởng mạnh”

Duy Cường

Nhìn nhận của TS. Quách Mạnh Hào về triển vọng thị trường chứng khoán sau khi hạ lãi suất, điều chỉnh tỷ giá

TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế và thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS).
TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế và thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS).
“Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó nhìn thấy những cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế và thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), trao đổi với VnEconomy xung quanh tác động của việc hạ lãi suất, điều chỉnh tỷ giá vừa qua tới thị trường chứng khoán.

Theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất về 7%/năm liệu có tạo dư địa cho lãi suất cho vay giảm nhiều trong thời gian tới? Và điều này đã đủ chưa để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%/năm trong năm nay?

Việc ngày 27/6 Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp về giảm trần lãi suất huy động từ 7,5%/năm xuống 7%/năm và giảm lãi suất cho vay đối với một số nhóm ngành ưu tiên từ 10%/năm xuống 9%/năm là một bằng chứng rõ ràng nữa thể hiện quyết tâm giảm lãi suất và đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, như Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần tuyên bố.

Tuy nhiên, điều này có mang lại kết quả mong đợi hay không thì tôi còn nghi ngờ, bởi vấn đề không còn đơn giản chỉ là công cụ lãi suất, mà là vấn đề khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì tính đến hết tháng 5/2013, tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm ở mức 2,98% trong đó tín dụng VND tăng 5,48% và tín dụng ngoại tệ giảm 8,41%. Con số này mặc dù đáng khích lệ so với cùng kỳ 2012 (ở mức 0,56%), nhưng rõ ràng nó quá yếu nếu biết rằng mặt bằng lãi suất tại cùng kỳ năm 2012 cao hơn khoảng 5-7% so với hiện tại nếu nhìn vào các mức lãi suất trần.

Hoặc một sự so sánh khác là thời điểm những năm 2009-2010, khi mặt bằng lãi suất cũng tương tự bây giờ, nhưng tăng trưởng tín dụng dễ dàng đạt được những mức cao ngất ngưởng lên tới trên dưới 30%.

Điều này có nghĩa là trong giai đoạn vừa qua chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất tới 5-7% mà tín dụng vẫn chỉ tăng rất nhỏ, điều cho thấy sự không bình thường bởi khi thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, một sự thay đổi nhỏ của lãi suất cũng sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn trên thị trường này.

Thực tế trên không nằm ngoài vấn đề “suy giảm tín dụng” phát sinh do vấn đề nợ xấu, sự phá sản doanh nghiệp và sự suy yếu của các doanh nghiệp còn tồn tại. Nói cách khác, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là tốt, và họ cũng đang cố gắng để làm tốt, nhưng dường như các nỗ lực đó chưa có các giải pháp đi kèm hiệu quả.

Hơn nữa, dư địa cho việc giảm lãi suất gần như đã hết, vì mức 7%/năm hiện tại gần như ngang bằng với mức lạm phát (CPI tháng 6/2013 tăng khoảng 6,7% so với năm trước - PV).

Tôi rất hy vọng rằng các giải pháp liên quan tới xử lý nợ xấu chứ không phải là vấn đề lãi suất, chẳng hạn VAMC, sẽ giúp từng bước giải quyết vấn đề, mặc dù còn nhiều ý kiến nghi ngờ. Và Ngân hàng Nhà nước nên đẩy nhanh việc này.

Ông nghĩ việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi có bất ngờ không? Và, ông đánh giá thế nào về động thái điều chỉnh tỷ giá cũng như việc hạ lãi suất tiền gửi với USD?

Tôi thấy, việc điều chỉnh tỷ giá chính thức của đồng tiền Việt Nam 1% từ 20.826 lên 21.246 không bất ngờ về thời điểm, bởi từ tháng 4 năm nay tỷ giá đã có xu hướng rục rịch tăng, nhưng có thể bất ngờ về con số, bởi dường như sự kỳ vọng của thị trường là cao hơn thế.

Nếu bạn để ý thì trong một khoảng thời gian dài trước đó, có một sự tranh cãi về việc tiền đồng nên được giảm giá khoảng 3-5%, và sau đó là những gợi ý của Ngân hàng Nhà nước về việc tỷ giá sẽ được điều chỉnh phù hợp, nhưng không quá 3%.

Tôi cho rằng việc giảm giá tiền đồng vừa rồi chủ yếu xuất phát từ sức ép tạo ra do nhu cầu nhập khẩu vàng để tất toán trạng thái vàng trong tháng 6 của các ngân hàng thương mại. Theo ước tính trước đó thì Ngân hàng Nhà nước cần nhập khẩu khoảng 30 tấn vàng phục vụ nhu cầu này.

Việc điều chỉnh tỷ giá này theo tôi là phù hợp với diễn biến hiện tại, mặc dù cá nhân tôi nghĩ rằng tỷ giá nên được giữ ổn định trước khi có những sức ép thực sự lớn từ bản chất kinh tế của nền kinh tế.

Nếu để ý chúng ta có thể thấy là nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nhập siêu khi tăng trưởng kinh tế tốt do chúng ta phải nhập các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất và sức ép tỷ giá thường đến từ đó.

Sự ổn định của tỷ giá trong thời điểm hiện tại là quan trọng, bởi nếu không người dân sẽ có suy nghĩ là dù nền kinh tế tăng trưởng tốt hay tăng trưởng kém, dù thâm hụt thương mại nhiều hay ít, thì tóm lại vẫn giảm giá tiền đồng, và người ta sẽ có xu hướng dự đoán sự giảm giá hàng năm.

Những người làm chính sách cần tạo ra những dấu hiệu có tính quy luật cho người dân để có thể dự báo được, bởi người dân là nhân tố quyết định vận mệnh nền kinh tế thông qua hành vi tiêu dùng của họ, chứ không phải là ý muốn chủ quan của các cơ quan quản lý.

Gần đây, quỹ ETF liên tục rút vốn khỏi thị trường cổ phiếu, theo ông vì sao có hiện tượng này? Và với việc điều chỉnh tỷ giá trên, ông cho rằng vốn ngoại sẽ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam nhiều hơn hay rút vốn ra?


Trong thời gian qua, bạn có thể thấy những dòng tít trên báo chí nước ngoài cũng như trong nước về sự rút vốn của các quỹ đầu tư tại các thị trường tài sản của các nền kinh tế mới nổi.

Chẳng hạn, theo EPFR Global, một tổ chức có trụ sở tại bang Massachussets, Hoa Kỳ, làn sóng dòng tiền nóng 3.900 tỷ USD đầu tư vào các thị trường mới nổi đang có xu hướng bị rút ra và chỉ trong 3 tuần đầu tháng 6 thì khoảng 19 tỷ USD được rút khỏi các thị trường mới nổi toàn cầu, hay vì sao vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, hoặc vốn ngoại rút kỷ lục 2,15 tỷ USD khởi Thái Lan trong tháng 6.

Sự rút vốn này, nếu quả thực nó sẽ xảy ra như vậy, nằm trong chiến lược tái phân bổ danh mục đầu tư toàn cầu và việc giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi chủ yếu là do những lo ngại về vấn đề tăng trưởng kinh tế chậm lại sau thời gian tăng trưởng nóng tại các thị trường này, cũng như e ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng khổng lồ tại Trung Quốc hay lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu, sẽ đưa chính sách lãi suất trở về bình thường, sau một thời gian dài thực hiện nới lỏng tạo ưu thế cho những tài sản bằng đồng USD.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê cũng cho thấy tính từ đầu năm 2013, sau khi mua ròng khoảng 6.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì những nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu bán ròng và trong tháng 6 họ bán ròng 1.170 tỷ đồng.

Điều này theo tôi một mặt nằm trong xu thế chung nêu trên của giới đầu tư vào thị trường mới nổi, nghĩa là họ thực sự đang thực hiện lại một sự phân bổ tài sản mới theo hướng giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Mặt khác, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện những quan ngại của giới đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế nội tại của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề liên quan tới nợ xấu và hệ thống ngân hàng. Điều này theo tôi là bình thường, và nhà đầu tư trong nước cũng nghĩ như vậy.

Sự tác động của điều chỉnh tỷ giá, tôi nghĩ là không nhiều ở hiện tại, nhưng điều có thể sẽ làm họ e ngại hơn là triển vọng của những lần điều chỉnh tỷ giá tiếp theo sau khi chỉ 1% được điều chỉnh lần này.

Liệu với động thái điều chỉnh tỷ giá và lãi suất như vậy, thị trường chứng khoán sẽ diễn biến thế nào, thưa ông?


Như tôi đã phân tích ở trên, việc giảm lãi suất không tác động nhiều tới vấn đề được kỳ vọng nhiều là tăng trưởng tín dụng và sự phục hồi của nền kinh tế. Do vậy, sự tích cực lý thuyết của tác động lãi suất này trên thực tế là không có.

Việc phá giá tiền đồng cũng tương tự như vậy, nó đã nằm trong dự liệu của giới đầu tư và bởi vậy sẽ không tạo ra cú sốc đáng kể nào. Tác động tiêu cực lý thuyết của việc giảm giá tiền đồng thường thấy trước đây tại Việt Nam, do vậy, cũng sẽ không diễn ra tức thời.

Nhưng nhìn theo một logic dài hơn, bạn hãy suy nghĩ theo hướng này: trong khi dư địa giảm lãi suất không còn thì việc giảm giá tiền đồng tiếp tục không phải là không thể, thì tổng hòa các tác động này có lẽ sẽ theo chiều hướng tiêu cực hơn là tích cực.

Nói cách khác, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn ngóng chờ các bước đi cụ thể của các giải pháp xử lý nợ xấu và khôi phục nền kinh tế sau một thời gian hào hứng, như tháng vừa qua, khi những giải pháp đó được đưa ra.

Và vì điều này, thị trường chứng khoán sẽ khó nhìn thấy những cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.