Chứng khoán sẽ tăng trưởng ngắn hạn
Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2007 đã khép lại với nhiều bất ngờ, khi VN-Index lại lập thêm một kỷ lục mới với 816,51 điểm
Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2007 đã khép lại với nhiều bất ngờ, khi VN-Index lại lập thêm một kỷ lục mới với 816,51 điểm.
Như vậy, sau chu kỳ điều chỉnh nhẹ 8 phiên, thị trường lại tiếp nhận những động lực mới.
Cầu phục hồi
Phiên giao dịch “thăm dò” đầu năm khá tẻ nhạt khi khối lượng giao dịch đạt thấp và VN-Index giảm 10,5 điểm. Nguyên nhân chính của phiên giảm này là sự chưa sẵn sàng của nhà đầu tư. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn chưa quay lại làm việc khiến sức cầu tương đối yếu.
Sự phục hồi rất nhanh của thị trường sau đó với 3 phiên tăng mạnh liên tục của chỉ số giá có tác động trực tiếp từ cán cân cung cầu và một phần lớn từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê cho thấy các phiên ngày 3 và 4/1, lượng chào mua tăng trên 30%/phiên. Đỉnh điểm của phiên ngày 5/1, tổng cầu thị trường lên tới trên 14,9 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Lượng cung không được đáp ứng đầy đủ đã dẫn đến sự tăng giá hàng loạt của các cổ phiếu.
Đóng góp đáng kể vào lượng mua kỷ lục này là các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị mua của khối này tăng dần đều trong các phiên và đạt mức 555 tỉ đồng trong phiên cuối tuần. Tỷ trọng giao dịch của khối này từ mức 25% ngày 2/1 đã tăng lên trên 60% ngày 5.1. Song song với việc mua vào khối lượng lớn, nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực bán ra nhất là trong hai phiên cuối tuần khi cung cầu hết sức căng thẳng.
Xu hướng phần hóa cổ phiếu trên thị trường vẫn tiếp tục rõ nét. Nhóm đầu tàu – động lực chính của VN-Index – tiếp tục được giao dịch mạnh và giá tăng nhanh. Đây cũng là trọng tâm giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài. Việc VN-Index vượt ngưỡng kỷ lục 800 điểm cũ có thể coi là chiến thắng của sức cầu trong đó yếu tố nước ngoài có công lớn.
Sẽ còn tăng trưởng ngắn hạn
Một số thông tin “giờ chót” tác động mạnh đến thị trường là việc Thủ tướng “thúc” đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn và kiến nghị về mở rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài của Ủy ban Chứng khoán.
Đây là hai thông tin quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và cũng góp phần kích thích sự giải ngân mạnh mẽ của các quỹ đầu tư nước ngoài. Về mặt dài hạn, các quyết định mang tính ổn định chính sách vĩ mô như cải thiện môi trường đầu tư, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sẽ tiếp tục tạo động lực cho thị trường.
Một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu là các thông tin liên quan đến cổ tức năm 2006. Mặc dù thông tin từ doanh nghiệp chưa đầy đủ nhưng kết quả kinh doanh ngay từ những tháng trước đã cho thấy lợi nhuận vượt kế hoạch cả năm và mức cổ tức cam kết hoàn toàn có thể đáp ứng được. Đến nay, một số công ty niêm yết đã công bố mức chia cổ tức với con số khá cao.
Đặc biệt, sức hấp dẫn lớn đến từ những doanh nghiệp dự kiến sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước kia, hầu hết nhà đầu tư đều muốn có "tiền tươi" nhưng trong lúc giá cổ phiếu cao ngất ngưởng thì chia cổ tức bằng cổ phiếu lại có lợi rất lớn. Hầu hết những doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu đều có giá giao dịch tăng cao như STB, HRC, SJS, FPT...
Như vậy có thể nhìn nhận động lực của sự tăng trưởng gần đây có hai dạng chính: những chuyển biến tích cực về mặt chính sách và đi kèm với đó là sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư nước ngoài - một lực lượng quan trọng khi thường xuyên chiếm tỷ trọng giao dịch lớn và "kích" giá các mã chủ chốt giúp VN-Index tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là sự kỳ vọng lợi nhuận và kỳ vọng tăng giá của nhà đầu tư ngắn hạn.
Đối với nguyên nhân thứ hai, khả năng thị trường sẽ giảm "hưng phấn" sau khi có thông tin cụ thể, chính thức về lợi nhuận và kế hoạch chia cổ tức. Thậm chí đối với một số cổ phiếu có thể có tình trạng điều chỉnh mạnh nếu kỳ vọng về chia cổ tức bằng cổ phiếu không được đáp ứng.
Khi động lực trực tiếp này được giải tỏa, thị trường sẽ có bước chững lại. Ngoài ra, thời điểm cận Tết Âm lịch thường là lúc lượng cung tăng rất mạnh khi nhà đầu tư có nhu cầu thanh khoản cao.