10:47 24/03/2007

“Chứng khoán sẽ thêm nhiều hàng”

Hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ)

Tại một phiên đấu giá cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
Tại một phiên đấu giá cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
Hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ).

Thưa ông, với chỉ đạo của Thủ tướng, việc cung thêm hàng cho thị trường chứng khoán tới đây sẽ được triển khai như thế nào?

Theo kế hoạch, Chính phủ dự kiến cổ phần hóa khoảng 400 doanh nghiệp và Thủ tướng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa khoảng 20 tổng công ty nhà nước trong năm nay. Đây là những doanh nghiệp qui mô lớn, làm ăn rất hiệu quả. Tôi hi vọng những doanh nghiệp này khi niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ làm cho thị trường phát triển thực chất hơn, bền vững hơn.

Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành xây dựng nghị định mới thay thế nghị định 187 về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Dự kiến cuối tháng ba, chậm nhất là đầu tháng tư, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới với những điểm thay đổi mới góp phần cho việc cung cấp hàng ra thị trường chứng khoán tốt hơn.

Cụ thể việc tăng cung cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn như thế nào?

Theo nghị định mới, ngay từ khi duyệt phương án cổ phần hóa, những doanh nghiệp qui mô lớn, làm ăn hiệu quả sẽ được yêu cầu tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vậy dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên khi được cung cấp thêm những nguồn hàng chất lượng?

Thị trường sẽ tiếp tục phát triển. Thị trường chứng khoán các nước đạt tới mấy nghìn điểm, còn thị trường Việt Nam mới chỉ hơn 1.000 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo qui luật giống như ở các nước khác.

Các thủ tục hành chính liên quan đến cổ phần hóa cũng sẽ được cải cách theo hướng đơn giản hơn. Nếu trước đây Bộ Tài chính là đơn vị công bố giá trị doanh nghiệp thì theo dự thảo nghị định mới, các bộ, các địa phương có tổng công ty cổ phần hóa sẽ quyết định công bố giá trị doanh nghiệp chứ không phải Bộ Tài chính.

Đối với các tập đoàn, các tổng công ty 91, Chính phủ cũng sẽ ủy quyền cho chủ tịch hội đồng quản trị các tập đoàn, các tổng công ty 91 quyết định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt phương án cổ phần hóa của các doanh nghiệp thành viên.

Như vậy, một trong những khâu khiến quá trình cổ phần hóa thường bị kéo dài là định giá doanh nghiệp sẽ được rút ngắn. Trong nghị định mới sẽ qui định thời hạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp cho đến khi chào bán cổ phiếu, đại hội cổ đông không được kéo dài quá 4-6 tháng. Như thế quá trình doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ nhanh hơn.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn hàng sẽ được cung cấp ra thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Những doanh nghiệp tới đây cổ phần hóa là những doanh nghiệp qui mô rất lớn.

Nếu trong giai đoạn trước đây các doanh nghiệp cổ phần hóa và niêm yết thường có vốn điều lệ khoảng 5-10 tỉ đồng thì những doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian tới có vốn lên đến 2.000-5.000 tỉ. Trong năm nay có thể sẽ có 20 tổng công ty niêm yết.

Trước mắt, tháng sáu, tháng bảy này Tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam sẽ ra thị trường với số vốn khoảng 7.000 tỉ.

Đây là những nguồn hàng rất tốt, rất chất lượng, nếu chúng ta cổ phần hóa gắn với niêm yết cổ phiếu sẽ bổ sung nguồn cung rất lớn cho thị trường.

Nhiều người không lạc quan như ông bởi thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có hiện tượng làm giá, thông tin sai lệch để đẩy giá cổ phiếu tăng cao quá so với giá trị thực?

Đúng là có hiện tượng đó. Người ta có quyền “mông má” sản phẩm họ đem bán, nhất là trong bối cảnh thị trường đang nóng, nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu lấy được. Do đó, người mua phải tự định giá bản chất sự “mông má” đó là thực chất hay chỉ là hình thức.

Về mặt nguyên tắc, nói hay cho sản phẩm không bị cấm. Vấn đề là doanh nghiệp đưa ra thông tin đó đúng hay sai. Nếu đưa thông tin sai là vi phạm pháp luật. Thông tin phải mang tính pháp lý, phải có người công bố. Nhà đầu tư phải biết nghe ngóng thông tin chuẩn xác, có căn cứ để xác định xem định giá trị của cổ phiếu bao nhiêu là hợp lý.

Hiện nay có hiện tượng trước khi lên sàn được định giá rất thấp, nhưng sau đó tăng giá rất cao. Phải chăng do việc định giá doanh nghiệp có vấn đề?

Giá trị của doanh nghiệp được tính bằng các phương pháp, theo tôi nghĩ là rất khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thật ra giá cổ phiếu trên thị trường như thế nào, cao hay thấp đều là liên quan đến phạm trù giá trị. Giá cả có thể cao hoặc thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp.

Sự chênh lệch tăng, giảm như vậy không thể dẫn đến kết luận là định giá sai hay đúng, vì khi đưa ra thị trường mức giá như thế nào sẽ do người mua đánh giá.