08:31 14/06/2008

Chứng khoán thế giới: “Cơn lốc” giảm điểm ở Trung Quốc

Duy Cường

Ngày 13/6, chứng khoán thế giới khép lại tuần trong sắc đỏ nhưng mức giảm hơn 13% của Trung Quốc tạo nên nỗi thất vọng lớn

Chỉ số Shanghai Composite sụt giảm liên tục trong bốn ngày giao dịch và mất 13,84% giá trị so với tuần trước.
Chỉ số Shanghai Composite sụt giảm liên tục trong bốn ngày giao dịch và mất 13,84% giá trị so với tuần trước.
Ngày 13/6, chứng khoán thế giới khép lại tuần trong sắc đỏ nhưng mức giảm hơn 13% của Trung Quốc tạo nên nỗi thất vọng lớn.

Chứng khoán Mỹ: Thêm một tuần mất điểm

Giá dầu thô giao tháng Bảy tại NYMEX trong phiên giao dịch hôm cuối tuần đã giảm gần 2 USD/thùng và đóng cửa ở mức 134,86 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm do đồng USD tăng giá và Saudi Arabia thông báo sẽ cân nhắc khả năng tăng sản lượng khai thác dầu.

Số nhà bị tịch biên để thế chấp nợ ở Mỹ trong tháng Năm đạt 261,255, tăng 7% so với tháng Tư và tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, trong tháng Tư số nhà tịch biên để thế nợ chỉ tăng 4% so với tháng Ba.

Số nhà bị tịch biên tăng cao xuất phát từ thị trường nhà ở kém sôi động, hơn nữa giá nhà đã giảm mạnh và nhiều người không có khả năng trả nợ cũng như nhiều chủ nợ cũng khốn đốn theo, thậm chí dẫn đến cảnh phá sản.

Lòng ting của người tiêu dùng Mỹ đã sụt giảm mạnh trong tháng Sáu và xuống mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua do lo ngại về lạm phát leo thang, tình trạng thất nghiệp tăng cao.

Trong cuộc điều tra của hãng Reuters và Trường Đại học Michigan được công bố hôm thứ Sáu, chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã từ mức 59,8 trong tháng Năm giảm xuống 56,7 trong tháng Sáu. Được biết, hiện mức thấp nhất của chỉ số này là 51,7 được thiết lập vào tháng 5/1980.

Cũng trong hôm thứ Sáu, Bộ Thương Mại Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm đã tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng Tư và tương đương với mức dự báo được đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, lạm phát lõi hay cơ bản (Core Inflation), không bao gồm giá lương thực - thực phẩm và năng lượng chỉ tăng 0,2%. Số liệu của Bộ Thương mại cũng cho thấy, giá năng lượng đã tăng 4,4% trong tháng Năm, giá lương thực - thực phẩm tăng 0,3%.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI của Mỹ đã tăng 4,2% nhưng lạm phát lõi (cơ bản) của nước này chỉ tăng 2,3%.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã đón nhận thông tin tương đối tích cực với mức tăng của lạm phát lõi. Bằng chứng thể hiện chính là mức tăng mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán. Nhờ phiên tăng điểm cuối tuần nên thị trường Mỹ đã thoát hiểm ở phút chót khi tránh được mức sụt giảm mạnh so với tuần trước.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 165,77 điểm, tương đương 1,37%, đóng cửa ở mức 12.307,35, tăng 0,80% so với tuần trước nhưng giảm 7,22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này tăng 50,15 điểm, tương ứng 2,09%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.454,50, giảm 0,81% so với tuần trước, thấp hơn 7,46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 20,16 điểm, tương đương 1,50%, đóng cửa ở mức 1.360,03, giảm 0,05% so với tuần trước và thấp hơn 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán châu Âu: Tuần giảm điểm thứ hai trong tháng

Thông tin từ Cơ quan thống kê Đức cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Năm của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã tăng 0,6% so với tháng Tư. Và đưa CPI của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục tiến bước nhưng với những diễn biến bất lợi trong nhiều phiên giảm điểm đầu tuần, thị trường này đã khép lại tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp trong tháng Năm.

Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục là đầu tàu kéo chứng khoán đi lên, bên cạnh đó thông tin về tình hình lạm phát của Mỹ tăng tương đương mức được dự báo của giới phân tích là an lòng hơn giới đầu tư.

Trong số những cổ phiếu khối ngân hàng tăng điểm, đáng chú ý nhất là mức tăng 5,8% của Commerz Bank, UBS tăng 5,2% và HBOS tăng 13,7%.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này tăng 12,30 điểm, tương đương 0,21%, đóng cửa ở mức 5.802,80, giảm 1,76% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 2,28 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tiếp tục tăng 0,76%, giảm 0,56% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 4,30 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,21% trong phiên này nhưng mất 2,35% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 168 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: “Cơn lốc” giảm điểm ở Trung Quốc

Chứng khoán châu Á kết thúc ngày giao dịch cuối tuần với sắc xanh trở lại ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, biên độ tăng phiên giao dịch này không thể bù đắp cho chuỗi ngày giảm điểm trước đó và thị trường khép lại một tuần “đen tối” khi sụt giảm thê thảm.

Thông tin từ Nhật cho hay, Ngân hàng Trung ương nước này vừa đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất đối với đồng Yên ở mức 0,5%. Lý giải cho quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật, ông Masaaki Shirakawa cho biết, giá lương thực - thực phẩm và giá dầu liên tục tăng sẽ đe dọa tới tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới này.

Quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản là động thái được dự báo trước trong bối cảnh lạm phát leo thang ở nước này. Như vậy, Nhật là quốc gia thứ hai ở châu Á sau Hàn Quốc công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất hay chỉ số giá bán của người sản xuất (PPI) của nước này trong tháng năm đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong gần ba thập kỷ qua.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch này đã tăng điểm trở lại cùng đó là khối lượng giao dịch tăng lên 3,1 tỷ cổ phiếu so với mức giao dịch trung bình thường ngày khoảng 2,4 tỷ cổ phiếu. Tuy tăng điểm trong phiên này nhưng trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 đã giảm hơn 3% so với tuần trước.

Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 85,13 điểm, tương đương 0,61%, đóng cửa ở mức13.973,73, giảm 3,55% so với tuần trước.

Cùng chung đà giảm điểm với thị trường Đại lục, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục đi xuống khi chỉ số Hang Seng giảm 1,87% và đóng cửa thấp hơn tuần trước 7,41% giá trị.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên giao dịch này tăng 0,54% nhưng vẫn giảm 7,31% giá trị so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch hôm thứ Sáu giảm 1,34% và thấp hơn 5,31% so với tuần trước.

Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc phiên này tăng 0,46% nhưng mất 4,63% so với tuần trước.

Liên quan đến Trung Quốc, Cục thống kê nước này thông báo, doanh thu bán lẻ trong tháng Năm đạt 870,4 tỷ Nhân Dân Tệ (126 tỷ USD), tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng chín năm qua. Trước đó, nước này đã công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, tuần này là một tuần “đen tối” khi chỉ số Shanghai Composite sụt giảm liên tục trong bốn ngày giao dịch và mất 13,84% so với tuần trước.

Nguyên nhân đến từ thông tin Ngân hàng Trung ương sẽ tăng dự trữ bắt buộc lên 17,5% và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 25/6 tới. Bên cạnh đó là thông tin về tình hình lạm phát leo thang và tâm lý bất an của giới đầu tư khi chỉ số Shanghai Composite đã chính thức giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua, đóng cửa ở mức dưới 3.000 điểm.

Kết thúc ngày giao dịch hôm thứ Sáu, chỉ số Shanghai Composite mất 3% giá trị. 
   
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.141,58 12.307,35 +165,77 +1,37
Nasdaq 2.404,35 2.454,50 +50,15 +2,09
S&P 500 1.339,87 1.360,03 +20,16 +1,50
Anh FTSE 100 5.790,50 5.802,80 +12,30 +0,21
Đức DAX 6.714,52 6.765,32 +50,00 +0,21
Pháp CAC 40 4.672,30 4.682,30 +10,00 +0,76
Đài Loan Taiwan Weighted 8.062,31 8.105,59 +43,28  +0,54
Nhật Nikkei 225 13.888,60 13.973,73 +85,13 +0,61
Hồng Kông Hang Seng 23.023,86 22.592,30 -431,56 -1,87
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.739,36 1.747,35 +7,99  +0,46
Singapore Straits Times 3.020,15 2.979,56 -40,59  -1,34
Trung Quốc Shanghai Composite 2.957,53 2.868,80 -88,73 -3,00
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg