07:20 03/07/2008

Chứng khoán thế giới: Dow Jones, thời không bình yên

Duy Cường

Ngày 2/7, sóng gió đến với Phố Wall khi chỉ số Dow Jones chạm vùng nguy hiểm trong khi giá dầu có lúc tăng 144,15 USD/thùng

Chỉ số Dow Jones đã giảm 20,8% và 30 cổ phiếu trong chỉ số này đã sụt giảm 1,1 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ 9/10/2007 - Ảnh: Reuters.
Chỉ số Dow Jones đã giảm 20,8% và 30 cổ phiếu trong chỉ số này đã sụt giảm 1,1 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ 9/10/2007 - Ảnh: Reuters.
Ngày 2/7, sóng gió đến với Phố Wall khi chỉ số Dow Jones chạm vùng nguy hiểm trong khi giá dầu có lúc tăng 144,15 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Dow Jones giảm 20,8%

Thông tin dự trữ dầu ở Mỹ giảm 2 triệu thùng và những lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá dầu thô kỳ hạn giao tháng Tám tại NYMEX có lúc tăng lên 144,15 USD/thùng trước khi đóng cửa ở mức 143,57 USD/thùng.

Dow Jones chính thức là chỉ số thứ hai ở Mỹ gia nhập thị trường đầu cơ giá xuống hay thị trường theo chiều hướng giá xuống (Bear Market) sau chỉ số Nasdaq hồi tháng 2/2008. Trong khi đó chỉ số S&P 500 cũng chỉ cách hơn nửa phần trăm điểm là cũng cùng chung số phận với hai chỉ số trên.

Trong số 30 cổ phiếu hình thành nên chỉ số Dow Jones thì cổ phiếu của General Motors và AIG chính là “tội đồ” khi lần lượt giảm 59,9% và 54,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai chỉ số này liên tiếp giảm mạnh trong nhiều tháng qua và góp phần đưa Dow Jones về vùng nguy hiểm.

Trước đó, hãng Merrill Lynch đưa ra nhận định rằng nhà sản xuất ôtô hàng đầu nước Mỹ, General Motors sẽ cần phải tăng khoảng 15 tỷ USD để tạo ổn định hoạt động kinh doanh và nhấn mạnh rằng khả năng phá sản của General Motors cũng không thể không xảy ra nếu ngành công nghiệp ôtô tiếp tục sụt giảm.

Tính đến nay, giá trị vốn hóa của 30 công ty trong chỉ số Dow Jones đã “bốc hơi” 1,1 nghìn tỷ USD kể từ 9/10/2007.

Được biết, thời gian tồi tệ nhất của chỉ số Dow Jones xảy ra vào những năm đầu thời kỳ đại suy thoái, kéo dài từ ngày 17/4/1930 đến 8/7/1932. Trong thời kỳ đó, chỉ số này sụt giảm từ 294,07 xuống 41,22 điểm, tương đương với mức giảm 86%.

Như vậy, kể từ ngày 9/10/2007, chỉ số Dow Jones giảm 20,8% trong khi chỉ số S&P 500 mất 19,4%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này giảm 166,75 điểm, tương đương -1,47%, đóng cửa ở mức 11.215,50.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 53,51 điểm, tương ứng -2,32%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.251,46.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 23,39 điểm, tương đương -1,82%, đóng cửa ở mức 1.261,52.

Giải thích thuật ngữ: Thị trường đầu cơ giá xuống (Bear Market) hay thị trường theo chiều giá xuống được hiểu theo nghĩa là các chỉ số chứng khoán đã giảm đi ít nhất 20% trong vòng hai tháng.

Thủ thuật của các tay đầu cơ giá xuống áp dụng trong khi thị trường đi xuống là dùng cô cụ bán khống (Short Sales). Tức là họ mượn cổ phiếu từ các hãng môi giới – xử lý thanh toán (Clearing Firm) sau đó bán ra và sau khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng họ sẽ mua lại cổ phiếu đó để trả lại nơ họ đã mượn.

Mỗi lần mược cổ phiếu, giới đầu tư phải trả một khoản phí tính theo số cổ phiếu. Phí mượn cổ phiếu này thay đổi theo từng thời kỳ, từng hãng… nhưng phổ biến ở mức 0,000xx USD.

Chứng khoán châu Âu: Giảm điểm vì khối khai mỏ

Giới đầu tư ở châu Âu hiện đang ngóng chờ quyết định mới của Ngân hàng Trung ương châu (ECB) về lãi suất cơ bản dự tính sẽ được công bố vào hôm thứ Năm ngày 3/7. Theo nhận định của giới phân tích, rất có thể ECB sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng Euro từ 4%/năm lên 4,25%/năm.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch này tiếp tục mất điểm phiên thứ hai trong tuần. Sự sụt giảm của cổ phiếu khối khai mỏ sau khi giá than giảm mạnh đã khiến thị trường trong sắc đỏ, tuy nhiên do cổ phiếu khối ngân hàng tăng mạnh nên đã góp phần kéo các chỉ số chứng khoán ở ba thị trường không bị giảm sâu như phiên trước đó.

Mức giảm mạnh nhất trong số cổ phiếu khối khai mỏ bao gồm, cổ phiếu BHP Billiton giảm 2,4%, cổ phiếu của Rio Tinto giảm 2,2%... Trong khi đó cổ phiếu của UBS và Deutsche Bank tăng trong khoảng 4% đến 5% sau khi hai ngân hàng này thông báo sẽ không phải tăng thêm vốn.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên giao dịch hôm thứ Tư tiếp tục giảm 53,60 điểm, tương đương -0,98%, đóng cửa ở mức 5.426,30, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2,97 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tiếp tục giảm 0,17%, khối lượng giao dịch phiên này đạt 4,29 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên giao dịch này mất 1,03% giá trị, khối lượng giao dịch đạt 197 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Ngày thứ ba mất điểm trong tuần

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Tư tiếp tục mất điểm và đánh dấu mốc ba ngày giảm điểm liên tiếp trong tuần. Đáng chú ý nhất là thị trường Hàn Quốc giảm 2,57% trong phiên này và là phiên thứ năm liên tiếp sụt giảm khiến chỉ số KOSPI Composite mất 5,5% giá trị.

Tình trạng giá dầu tăng mạnh gây nên áp lực tới tốc độ tăng lạm phát và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế khiến giới đầu tư ngày một giảm niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Hơn nữa, theo nhận định của giới phân tích, lạm phát tăng cao sẽ tác động mạnh đến chính sách tiền tệ mà cụ thể là lãi suất có thể sẽ tiếp tục có những diễn biến bất lợi cho thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Nhật tiếp tục mất điểm hôm thứ Tư, đánh dấu phiên thứ 10 giảm điểm liên tiếp và trở thành thời kỳ sụt giảm lâu nhất trong vòng 43 năm qua.

Cổ phiếu của khối vận tải đường biển mất điểm mạnh sau khi thông tin về viễn cảnh lợi nhuận của khối này không có gì sáng sủa do giá dầu liên tục tăng cao.

Trong khi đó, cổ phiếu của nhà xuất khẩu hàng đầu ở Nhật là Canon đã giảm 2,6%, cổ phiếu của Toyota mất 1,4% giá trị do thông tin doanh số bán xe ở Mỹ giảm 11,5% trong tháng Sáu.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 176,83 điểm, tương đương 1,31%, đóng cửa ở mức 13.286,37.

Chuyển qua thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng phiên giao dịch này đã giao dịch trở lại và giảm 1,80%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục giảm 0,73%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,08%.

Liên quan đến Hàn Quốc, thông tin Ngân hàng Trung ương nước này có thể sẽ hạn chế các ngân hàng thương mại cho vay tín dụng để kiềm chế lạm phát làm thị trường chứng khoán nước này sụt giảm mạnh.

Được biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở nước này hiện là 15% và lạm phát hàng năm đang ở mức 5,5%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI Composite phiên này tiếp tục giảm 2,57%, đóng cửa ở mức 1.623,60.

Chứng khoán Trung Quốc phiên này đã cắt được cơn giảm điểm nhưng con số hiện trên bảng điện tử cho thấy, chỉ số Shanghai Composite gần như không có biến chuyển so với phiên giao dịch trước đó khi tăng 0,12 điểm, đóng cửa ở mức 2.651,73. 
   
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.382,26 11.215,50  -166,75  -1,47
Nasdaq 2.304,97 2.251,46 -53,51  -2,32
S&P 500 1.284,91 1.261,52  -23,39  -1,82
Anh FTSE 100 5.479,90 5.426,30  -53,60 -0,98
Đức DAX 6.315,94 6.305,42  -10,52 -0,17
Pháp CAC 40 4.341,21 4.296,48  -44,73  -1,03
Đài Loan Taiwan Weighted 7.407,98 7.353,86 -54,12 -0,73
Nhật Nikkei 225 13.463,20 13.286,37  -176,83 -1,31
Hồng Kông Hang Seng 22.102,01 21.704,45 -397,56 -1,80
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.666,46 1.623,60 -42,86 -2,57
Singapore Straits Times 2.906,79 2.909,06 +2,27 +0,08
Trung Quốc Shanghai Composite 2.651,60 2.651,73 +0,12  0,00
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg