08:10 10/05/2008

Chứng khoán thế giới: Hướng về Trung Quốc

Duy Cường

Ngày 9/5, chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm trong khi thị trường Trung Quốc “hồi hộp” chờ đón thông tin lạm phát

Giới đầu tư đang hướng sự quan tâm đến số liệu về lạm phát trong tháng tư dự kiến sẽ công bố vào ngày 12/5.
Giới đầu tư đang hướng sự quan tâm đến số liệu về lạm phát trong tháng tư dự kiến sẽ công bố vào ngày 12/5.
Ngày 9/5, chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm trong khi thị trường Trung Quốc “hồi hộp” chờ đón thông tin lạm phát.

Chứng khoán châu Á: Chung một màu đỏ

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch cuối tuần đồng loạt giảm điểm nhưng mức sụt giảm mạnh nhất thuộc về thị trường Nhật.

Chứng khoán Nhật ở thế bất lợi khi đồng Yên tăng giá so với USD đã tác động đến giá cổ phiếu của nhiều nhà xuất khẩu lớn của Nhật như Toyota, Honda, Canon…

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 287,92 điểm, tương đương -2,06%, đóng cửa ở mức 13.655,34. Như vậy, so với tuần trước chỉ số này giảm 2,8% và đánh dấu tuần giảm điểm đầu tiên sau tám tuần tăng điểm trước đó.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hồng Kông tiếp tục đi xuống do sự không chắc chắn về viễn cảnh kinh tế Đại Lục và quan ngại về tình hình lạm phát trong tháng 4/2008.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng giảm 1,52%, thấp hơn 4,48% so với tuần trước.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiếp tục giảm 0,84% và giảm 1,9% so với tuần trước. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch hôm thứ sáu giảm 0,31%, thấp hơn 2,28% so với tuần trước đó. Chỉ số KOSPI Composite Hàn Quốc phiên giao dịch này đi xuống với mức giảm 1,31%, thấp hơn tuần trước 1,32%.

Thông tin từ Trung Quốc cho hay, nước này sẽ có những biện pháp để ổn định thị trường tài chính. “Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát dòng vốn qua biên giới nhằm bảo vệ sự ổn định trong hệ thống tài chính” Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc, Vương Kỳ Sơn nói.

Tuy vậy, Phó thủ tướng Trung Quốc vẫn chưa nói rõ việc thắt chặt kiểm soát dòng vốn qua biên giới này sẽ được thực hiện như thế nào.

Thông tin liên quan đến chỉ số giá sản xuất hay chỉ số giá bán của người sản xuất (PPI), trong tháng 4, PPI của Trung Quốc tăng 8,1%, cao hơn 0,1% so với tháng 3/2008.

Nguyên nhân khiến PPI tăng cao nhất kể từ năm 2004 do giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng cao.

Trong khi đó, giới đầu tư đang hướng sự quan tâm đến số liệu về chỉ số giá tiêu dùng(CPI) trong tháng tư dự kiến sẽ công bố vào ngày 12/5. Những dự báo của giới phân tích cho thấy có thể CPI của Trung Quốc sẽ tăng từ 8,3% trong tháng 3 lên 8,5% trong tháng tư so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Trung Quốc phiên giao dịch cuối tuần lại tiếp tục đi xuống, kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,19%, thấp hơn 2,15% so với tuần trước.

Chứng khoán châu Âu: Một tuần “đỏ lửa”

Chứng khoán châu Âu khép lại tuần không thành công khi các chỉ số đều giảm điểm tuần đầu tiên trong tháng. Nhiều thông tin bất lợi đối với khối tài chính mà nổi bật là sự thua lỗ của ngân hàng Thụy Sỹ UBS đã đưa chứng khoán châu Âu đi xuống.

Hơn nữa nhiều thông tin về lợi nhuận của các hãng đều thấp hơn dự báo, trong khi đó giá dầu đang mỗi ngày ghi kỷ lục mới đẩy nhiều loại chi phí tăng lên đã gây ra những quan ngại cho kinh tế châu Âu.

Phiên giao dịch cuối tuần, khối tài chính lại tiếp tục là nhân tố đẩy chứng khoán đi xuống khi nhiều ngân hàng lớn tiếp tục đi xuống. Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đối với đồng Euro và Bảng nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 phiên này giảm 66,10 điểm, tương đương -1,05%, đóng cửa ở mức 6.204,70, giảm 0,17% so với tuần trước, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức giảm 0,97%, thấp hơn tuần trước 0,56%, khối lượng giao dịch phiên này đạt 4,29 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,88%, giảm 2,15% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 141 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ: Tuần điều chỉnh giảm

Giá dầu thô giao tháng 5 tại New York Mercantile Exchange tăng mạnh và ghi thêm kỷ lục khác trong tuần, trong tháng và trong mọi thời đại khi có lúc lên 126,25 USD/thùng trước khi đóng cửa ở mức 125,96 USD/thùng.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm phiên giao dịch cuối tuần khi các chỉ số đều đi xuống, đáng chú ý chỉ số S&P 500 lùi xuống dưới ngưỡng 1.400 điểm và chỉ số Dow Jones thấp hơn ngưỡng 13.000 điểm.

Nguyên nhân do tác động từ sự tăng giá của dầu thô và giá cổ phiếu của hãng AIG giảm mạnh đã tác động đến toàn thị trường.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 120,90 điểm, tương đương -0,94%, đóng cửa ở mức 12.745,88. Như vậy so với tuần trước, chỉ số này giảm 2,39% và thấp hơn 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm -5,72 điểm, tương ứng -0,23%, đóng cửa ở mức 2.445,52, giảm 1,27% so với tuần trước và giảm 7,80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 9,4 điểm, tương đương -0,67%, đóng cửa ở mức 1.388,28, giảm 1,8% so với tuần trước và thấp hơn 5,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trong tuần qua chứng khoán Mỹ đã giảm điểm so với tuần trước, đánh dấu mức giảm lớn nhất đối với chỉ số Dow Jones kể từ ngày 11/4.

Thị trường đi xuống do nhà đầu tư thất vọng sau khi hai hãng Fannie Mae (FNM) và AIG công bố lỗ trong hoạt động kinh doanh quý 1/2008. Riêng khối tài chính đã giảm 6,30% so với tuần trước và kéo theo những quan ngại mới đối với lĩnh vực này.

Trong khi đó, số liệu về doanh số bán nhà giảm, giá dầu liên tục tăng và ghi kỷ lục mới trong năm ngày liên tiếp với mức tăng 8,36% so với tuần trước. Hơn nữa các chuyên gia Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ còn tăng, thậm chí sẽ tăng lên 150 - 200 USD/thùng trong hai năm tới.

Bên cạnh những khó khăn, thị trường Mỹ trong tuần qua cũng có nhiều thông tin lạc quan hơn, như tín dụng trong tiêu dùng đã tăng 15,3 tỷ USD, tăng gấp ba lần so với dự báo trước đó. Hàng hóa phi nông nghiệp đã tăng 2,2% trong tháng tư. Doanh thu từ các nhà bán lẻ tăng mạnh khi có tới hơn 60% các nhà bán lẻ công bố doanh thu tăng hơn dự báo trước đó.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong năm nước Mỹ công bố số liệu những người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường Mỹ.

Dù chứng khoán Mỹ khép lại một tuần giảm điểm nhưng theo giới phân tích, ngoài những nguyên nhân về giá dầu thô tăng, lợi nhuận một số hãng giảm nhưng còn một nguyên nhân khác, đó là thị trường Mỹ vốn có tính ổn định cao vì vậy sự điều chỉnh của thị trường sau nhiều tuần tăng điểm trước đó được coi là điều tất yếu. 
 
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.866,78 12.745,88 -120,90 -0,94
Nasdaq 2.451,24 2.445,52  -5,72  -0,23
S&P 500 1.397,68 1.388,28 -9,40 -0,67
Anh FTSE 100 6.270,80 6.204,70  -66,10 -1,05
Đức DAX 7.071,90 7.003,17  -68,73 -0,97
Pháp CAC 40 5.055,58 4.960,56 -95,02 -1,88
Đài Loan Taiwan Weighted 8.866,62 8.792,39 -74,23 -0,84
Nhật Nikkei 225 13.943,26 13.655,34 -287,92 -2,06
Hồng Kông Hang Seng 25.449,79 25.063,17 -386,62 -1,52
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.848,00 1.823,70 -24,30 -1,31
Singapore Straits Times 3.171,07 3.162,03 -9,85 -0,31
Trung Quốc Shanghai Composite 3.656,84 3.613,49 -43,35 -1,19
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters