Chứng khoán thế giới: Ngóng chờ tin mới, thị trường đi xuống
Ngày 24/6, chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ trong khi giá dầu vẫn tiếp tục tăng
Ngày 24/6, chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ trong khi giá dầu vẫn tiếp tục tăng. Chỉ số
Chứng khoán Mỹ: Ngóng chờ tin mới, thị trường đi xuống
Giá dầu thô giao tháng Bảy tại NYMEX trong phiên giao dịch hôm thứ Ba tăng thêm 24 cent/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 137 USD/thùng.
Thông tin mới nhất liên quan đến nhà sản xuất ôtô số một nước Mỹ, General Motors đã đưa hàng loạt các biện pháp nhằm cắt giảm sản xuất các dòng xe tải do nhu cầu về dòng xe này giảm vì giá xăng liên tục tăng.
Được biết, doanh thu của General Motors trong tháng Năm tại Mỹ đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu của dòng xe tải giảm 23%.
Ngoài việc thông báo cắt giảm sản xuất dòng xe tải, hãng này cũng cho biết đã thuê Citigroup đánh giá lại nhãn hiệu dòng xe Hummer xem nên bán hay sẽ nâng tầm thương hiệu này.
Sau tin tức được công bố, giá cổ phiếu của General Motors đã tăng 2,17% sau khi giảm mạnh phiên trước đó.
Hôm thứ Ba, hãng Eastman Kodak cho biết đã được hoàn thuế 581 triệu USD và sẽ mua lại cổ phiếu của mình làm cổ phiếu quỹ với giá trị lên đến 1 tỷ USD. Sau thông tin này, cổ phiếu của Eastman Kodak (EK-NYSE) đã tăng 13,70%.
Trong khi đó, CME Group, công ty mẹ của sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange và Chicago Board of Trade (CBOT) vừa thông báo sẽ mua lại cổ phiếu của mình (CME - NYSE) làm cổ phiếu quỹ với tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ USD và trả cổ tức 5 USD/cổ phiếu.
Được biết cổ phiếu CME đã giảm 0,73% trong phiên này và giảm 37% trong năm nay.
Thông tin đáng chú ý khác, nhà điều hành thị trường chứng khoán xuyên Đại Tây Dương NYSE Euronext cho biết sẽ mua lại 25% cổ phần của Sở giao dịch Chứng khoán Doha, Qatar với giá 250 triệu USD.
Kế hoạch mua cổ phần này nằm trong chiến lược mở rộng cơ hội kinh doanh của NYSE Euronext đối với thị trường Trung Đông.
Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch này tiếp tục trong xu thế ảm đạm khi thị trường vẫn duy trì sắc đỏ và khối lượng giao dịch thấp. Hơn nữa, giới đầu tư hiện vẫn đang chờ đợi thông tin về quyết định của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ liên quan đến chính sách lãi suất để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 34,93 điểm, tương đương -0,29%, đóng cửa ở mức 11.807,43.
Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 17,46 điểm, tương ứng -0,73%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.368,28.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 3,71 điểm, tương đương -0,28%, đóng cửa ở mức 1.314,29.
Chứng khoán châu Âu: Đảo chiều đi xuống
Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Ba đã giảm điểm sau khi có phiên tăng điểm đầu tuần. Những thông tin bất lợi liên quan đến lòng tin người tiêu Mỹ xuống thấp nhất trong vòng 16 năm qua là tác nhân cơ bản khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều.
Bên cạnh đó là mức sụt giảm đáng thất vọng của cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô như mức sụt giảm 3,4% của BMW, 3,8% của Porsche… cũng góp phần kéo các chỉ số đi xuống.
Tuy vậy, nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng mà biên độ giảm của các chỉ số đã được níu kéo. Cổ phiếu của Ngân hàng Hoàng Gia Scotland tăng 2,2%, cổ phiếu của Ngân hàng Barclays và BNP Paribas tăng lần lượt là 3,7% và 2%.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên giao dịch hôm thứ Ba giảm 32,50 điểm, tương đương -0,57%, khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng vọt và đạt 3,56 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 0,81%, khối lượng giao dịch đạt 4,29 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,83%, khối lượng giao dịch phiên này đạt 219 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán châu Á: Ngày thứ hai giảm điểm trong tuần
Hôm thứ Ba, chứng khoán châu Á có thêm một ngày giao dịch trong sắc đỏ trong khi duy nhất thị trường chứng khoán Trung Quốc quay đầu tăng điểm trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Ba gần như không có chuyển biến so với phiên giao dịch đầu tuần. Giới đầu tư hiện đang ngóng chờ tin tức từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong hai ngày tới và chờ đợi công bố số liệu kinh tế của Nhật và Mỹ trong tuần này.
Cùng với việc chỉ số chứng khoán không có nhiều thay đổi, ngay cả với khối lượng giao dịch 1,63 tỷ cổ phiếu phiên này cũng đã giảm đi nhiều so với mức giao dịch khớp lệnh thành công trung bình trong một ngày của tuần trước là 1,94 tỷ cổ phiếu.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 7,91 điểm, tương đương 0,06%, đóng cửa ở mức 13.849,56.
Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp cùng với khối lượng giao dịch giảm mạnh. Tác nhân quan trọng khiến thị trường này giảm điểm đến từ cổ phiếu của Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) sụt giảm và xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai năm qua do lo ngại về khả năng suy giảm thị phần.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng giảm 258,94 điểm, tương đương 1,14%, đóng cửa ở mức 22.456,02.
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 1,76%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 0,41%. Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc phiên này tiếp tục giảm 0,28%.
Trong khi đó chứng khoán Trung Quốc phiên giao dịch này tăng điểm trở lại do sự khởi sắc của cổ phiếu khối ngân hàng và bất động sản. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,54%.
Thị trường
Phiên trước
Đóng cửa
Tăng / giảm (điểm)
Tăng / giảm (%)
Mỹ
Dow Jones
11.842,36
11.807,43
-34,93
-0,29
Nasdaq
2.385,74
2.368,28
-17,46
-0,73
S&P 500
1.318,00
1.314,29
-3,71
-0,28
Anh
FTSE 100
5.667,20
5.634,70
-32,50
-0,57
Đức
DAX
6.589,46
6.536,06
-53,40
-0,81
Pháp
CAC 40
4.511,37
4.473,76
-37,61
-0,83
Đài Loan
Taiwan Weighted
7.876,49
7.738,12
-138,37
-1,76
Nhật
Nikkei 225
13.857,47
13.849,56
-7,91
-0,06
Hồng Kông
Hang Seng
22.714,96
22.456,02
-258,94
-1,14
Hàn Quốc
KOSPI Composite
1.715,59
1.710,84
-4,75
-0,28
Singapore
Straits Times
2.980,12
2.967,02
-12,13
-0,41
Trung Quốc
Shanghai Composite
2.760,42
2.803,02
+42,60
+1,54
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg