18:58 12/08/2007

Chứng khoán thế giới những ngày u ám

Lê Hường

Bảng điện tử của hầu hết các thị trường chứng khoán liên tục đỏ hôm thứ Năm và thứ Sáu vừa qua

Các ngân hàng trung ương ở châu Á đã phải chung sức với Mỹ và châu Âu để ngăn chặn sự suy thoái của thị trường tín dụng - Ảnh: AP.
Các ngân hàng trung ương ở châu Á đã phải chung sức với Mỹ và châu Âu để ngăn chặn sự suy thoái của thị trường tín dụng - Ảnh: AP.
Bảng điện tử của hầu hết các thị trường chứng khoán liên tục đỏ hôm thứ Năm và thứ Sáu vừa qua, khi khủng hoảng tín dụng của Mỹ len chân vào thị trường toàn cầu.

Phố Wall đã trải qua những ngày tồi tệ khi các chỉ số đồng loạt tụt dốc. Thứ Sáu vừa qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 31,14 điểm (0,23%), chỉ số Nasdaq trượt 11,6 điểm (0,45%), chỉ số NYSE Composite mất 14,27 điểm (0,15%), chỉ số Amex Composite giảm 12,4 điểm (0,55%).

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu chung một tâm trạng, giá cổ phiếu lao dốc mạnh mặc dù các ngân hàng trung ương đã nỗ lực hết sức để níu giữ niềm tin của thị trường.

Cuộc vật lộn trên thị trường chứng khoán bắt đầu từ khi các ngân hàng không giấu giếm được nỗi lo ngại đối với các khoản vay thế chấp của Mỹ. Nỗi ám ảnh này không dè dặt khi tấn công các thị trường nước ngoài và tác động mạnh đến tính thanh khoản tín dụng trên toàn thế giới.

Sự hoảng loạn lan rộng trên mọi thị trường

Cổ phiếu trên các thị trường châu Á đồng loạt đi xuống từ phiên giao dịch đầu tiên sáng thứ Sáu. Kết thúc phiên, chỉ số Nikkei giảm 2,4%, mức thấp nhất kể từ hồi tháng Ba, hai chỉ số S&P của Australia đồng loạt xuống mức 3,7%. Thị trường Hàn Quốc kết thúc phiên giao dịch với chỉ số KOSPI mất 4,2%, trong khi các thị trường chủ chốt khác trong khu vực như Hồng Kông và Singapore giảm 2-3%.

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh nhất trong bốn năm trở lại đây, nhất là cổ phiếu của các ngân hàng. Cổ phiếu Ngân hàng ABN AMRO và cổ phiếu Ngân hàng Deutsche Bank cùng mất 3,5%. Chỉ số FTSEuronext 300 giảm 3,04%, tương đương 1479,4 điểm lúc đóng cửa, chỉ số FTSE của Anh giảm xuống mức kỷ lục nhất trong bốn năm qua, mất 3,7%, xuống ở mức 6.038,30 điểm.

Lực tác động mạnh nhất là thông tin ngân hàng Pháp BNP Parisbas rút 2,2 tỷ USD vốn từ ba quỹ đầu tư vì lo sợ về tính thanh khoản của các khoản vay thế chấp ở Mỹ. Sự việc này được xem như một hồi chuông cảnh báo đến tất cả các thị trường. Các ngân hàng khác cũng sống chung trong mối lo ngại rằng chẳng mấy chốc họ cũng sẽ phải có những quyết sách như BNP Paribas, thu hẹp các khoản tín dụng đối với các ngân hàng khác trên thế giới.

Tiếp theo đó, tổ chức cho vay thế chấp hàng đầu Mỹ, Countrywide Financial phát biểu rằng những điều kiện thanh toán khó khăn trên thị trường thế chấp thứ cấp buộc họ phải duy trì một tỷ lệ các khoản vay thế chấp thích hợp hơn. Và NovaStar Financial công bố hôm thứ năm là các khoản vay vỡ nợ đã làm họ thua lỗ 52,9 triệu USD trong quý 2.

Hôm thứ Sáu, các ngân hàng trung ương ở châu Á đã phải chung sức với Mỹ và châu Âu để ngăn chặn sự suy thoái của thị trường tín dụng. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt bơm tiền vào hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo có đủ nguồn quỹ để thị trường tiền tệ hoạt động trơn tru, đảm bảo các chức năng thị trường được hoạt động tốt.

Tổng số tiền tiếp sức cho thị trường toàn cầu trong hai ngày thứ năm và ngày thứ sáu vừa rồi là 323,3 tỷ USD.

Chiến dịch trấn an thị trường tín dụng

Ngân hàng Trung ương châu Âu lần thứ hai phải bơm tiền vào thị trường tiền tệ khu vực, khi các ngân hàng kiên quyết găm giữ tiền mặt. ECB đã tung ra 131 tỷ USD vào ngày thứ năm. Cục dự trữ liên bang Mỹ tiếp sức cho thị trường tiền mặt bằng 24 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Nhật đưa vào hệ thống tiền tệ 1 nghìn tỷ Yên (8,45 tỉ USD). Quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Australia đã tăng cường cho hệ thống ngân hàng 4,95 tỉ đôla Australia (4,19 USD).

Đồng thời, chính phủ các nước Malaysia, Indonesia và Philippines cũng bắt đầu can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng tiền nội tệ của mình bằng cách bán ra USD.

Giám đốc chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Jang Byung- wha hôm thứ sáu đã phát biểu rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã sẵn sàng thực hiện các quyết sách nhằm duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính trong nước, có thể là tăng lượng cung tiền cho thị trường nếu có sự suy thoái tín dụng.

Ngân hàng Trung ương Singapore cũng cho biết, họ sẵn sàng bơm tiền mặt vào lưu thông vào thời điểm thích hợp nhưng vẫn bám sát với chính sách tiền tệ hiện tại. Ông Ong Chong Tee, Phó giám đốc Uỷ ban tiền tệ Singapore nói: “Nếu tính thanh khoản rơi vào tình trạng thắt nút cổ chai, thì chắc chắn chúng tôi sẽ tìm cách giải tỏa. Hiện tại, chúng tôi chưa nhìn thấy những vấn đề thái quá, vì vậy chính sách quản lý thanh khoản vẫn chưa thay đổi”.

“Mọi người đều nói đến sự suy giảm tín dụng. Mặc dù, châu Á xem ra không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng vấn đề chính là không biết ai sẽ gánh chịu phần thua lỗ và sự không chắc chắn ấy đã dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện nay”, ông Jan Lambregts, Giám đốc Nghiên cứu châu Á của Ngân hàng Rabobank ở Hồng Kông nói. Sự suy thoái tín dụng, lạm phát tăng, lãi suất cao hơn là hồi chuông kết thúc một thời kỳ tiền tệ dễ dãi kéo dài trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và giới chuyên môn vẫn giữ quan điểm lạc quan rằng sự xáo trộn này chỉ mang tính chất tạm thời và sẽ không gây sốc nữa đến thị trường toàn cầu và hệ thống tài chính.

Nhiều nhà kinh tế học ở châu Á cũng nói rằng viễn cảnh của khu vực là tích cực, bất chấp những vấn đề đang xảy ra ở Mỹ.