11:34 01/02/2008

Chứng khoán thế giới: Qua một tháng “bão tố”

Kiều Oanh

Theo các nhà phân tích, tháng 1 không bình yên này là một điềm báo không lành đối với Phố Wall trong cả năm nay

Phố Wall đã có một “kết thúc có hậu” cho một tháng u ám, khi xu hướng mất giá của các cổ phiếu luôn là xu thế áp đảo.
Phố Wall đã có một “kết thúc có hậu” cho một tháng u ám, khi xu hướng mất giá của các cổ phiếu luôn là xu thế áp đảo.
Ngày 31/1, thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ như đã “ngấm thuốc” của Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) và đóng cửa ngày giao dịch với các chỉ số toàn màu xanh. Tháng đầu tiên và đầy “giông tố” của năm 2008 đã khép lại trên Phố Wall.

Nhưng theo các nhà phân tích, tháng 1 không bình yên này là một điềm báo không lành đối với Phố Wall trong cả năm nay.

Mỹ: Sự phục hồi không bền vững?

Lúc chốt lại phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 1,67%, lên 12.650,36 điểm; chỉ số Standard & Poor’s 500 thêm 1,68%, đạt 1.378,55 điểm; chỉ số Nasdaq cũng tiến 1,74%, tới 2.389,86 điểm. Hàn thử biểu Russell 2000 của các công ty tầm trung cũng tăng 2,6%, lên 716,30 điểm.

Như vậy, Phố Wall đã có một “kết thúc có hậu” cho một tháng u ám, khi xu hướng mất giá của các cổ phiếu luôn là xu thế áp đảo trước những lo ngại nền kinh tế Mỹ đã hoặc đang rơi vào một cuộc suy thoái, kết quả của cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc và tín dụng.

Tính chung tháng này, chỉ số Nasdaq đã mất đi 9,9% số điểm, đánh dấu tháng 1 đáng buồn nhất từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1971. "Người anh em" Dow Jones thì tuột mất 4,6%, khép lại tháng 1 tệ nhất từ năm 2000, khi chỉ số này tụt 4,9%. Còn chỉ số S&P 500 thì mất đi 6,1%, tạo ra tháng 1 dở nhất từ năm 1990, khi thước đo này sụt 6,9%. Nhiều tài liệu lịch sử về thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng minh rằng, đa phần những năm nào mà trong tháng 1, chỉ số S&P500 đi xuống thì cả năm đó sẽ là một năm xuống dốc đối với chứng khoán Mỹ.

Phiên thành công ngày hôm qua không có nghĩa là giá các cổ phiếu trên Phố Wall sẽ bớt biến động mạnh trong ngắn hạn. “Nếu trong những ngày tới tiếp tục có những tin tốt lành, giá cổ phiếu sẽ còn tăng cao. Nhưng nếu những ngân hàng lớn ở châu Âu công bố những khoản thâm hụt lớn hoặc các hãng bảo lãnh trái phiếu lại gặp vấn đề, các hàn thử biểu sẽ chạy giật lùi ngay lập tức”, nhà phân tích Greg Church, Chủ tịch của công ty quản lý quỹ Church Capital nhận định.

Hôm thứ 5, hành động “hào phóng” cắt giảm lãi suất 0,5% của FED đã giúp Phố Wall lên điểm trong giây lát, nhưng sau đó, số điểm tăng lại bị xóa sạch sau khi hãng bảo hiểm trái phiếu MBIA dự báo khoản thua lỗ khổng lồ 2,3 tỷ USD trong quý 4 năm ngoái, khiến những lo ngại cho rằng, các hãng bảo hiểm trái phiếu sẽ là nạn nhân tiếp theo của khủng hoảng tín dụng, càng thêm sâu sắc. Nhưng cổ phiếu của MBIA đã tăng điểm trở lại sau khi CEO của tập đoàn này cho biết, tập đoàn vẫn có đủ nguồn lực để duy trì xếp hạng tín dụng tài chính ở mức độ hiện tại.

Lời tuyên bố này đồng thời cũng “hợp lực” với việc cắt giảm lãi suất, đưa các cổ phiếu tài chính tiếp tục phục hồi và tạo hiệu ứng tích cực trên toàn thị trường.

Một số nhà quan sát cho rằng, kể từ khi FED cắt giảm lãi suất USD hôm 22/9, tình hình thị trường đã được cải thiện lên nhiều. Mặt khác, có những dấu hiệu cho thấy, hoạt động bán tháo cổ phiếu đã chạm đáy. Giá trị của nhiều cố phiếu lúc này đã trở nên ít đắt đỏ hơn so với lợi nhuận công ty vì hoạt động bán ra mạnh mẽ trước đó.

Bởi thế, tâm lý của giới đầu tư đã được cải thiện nhiều. Bằng chứng là những loại cổ phiếu mất giá mạnh nhất hôm thứ 4 lại chính là những cổ phiếu dẫn đầu thị trường hôm thứ 5, bao gồm cổ phiếu của các công ty xây dựng, bán lẻ và các tập đoàn tài chính.

Tuy nhiên, những người có quan điểm thận trọng vẫn cho rằng, chỉ có thời gian mới có thể khẳng định sự phục hồi này của thị trường có bền vững hay không. Nói cách khác, sự bất ổn của thị trường sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều.

Châu Á: May nhờ cổ phiếu khai mỏ

Sau phiên tăng điểm hôm thứ 4 để bày tỏ thái độ “tán thưởng” đối với quyết định cắt giảm lãi suất của FED và những báo cáo tài chính khả quan của nhiều công ty, nhiều sàn giao dịch chứng khoán châu Á hôm nay tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2, bất chấp sự sụt giảm mạnh mẽ tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc đại lục.

Tính đến 12h30 tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật cùng giảm khoảng 0,1%, trong khi chỉ số CSI 300 của thị trường Trung Quốc đại lục sụt mạnh 3,7% xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Tuần qua, hàn thử biểu CSI đã mất đi 12% số điểm, tuần hoạt động kém cỏi nhất kể từ trước tới nay. Đây là kết quả của đợt tuyết rơi đáng ngại nhất từ năm 1954 đến nay khiến hệ thống giao thông cũng “đóng băng” theo và buộc nhiều nhà máy trên khắp nước này phải tạm thời ngưng hoạt động.

Trong khi đó, tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 2,2%, mạnh nhất trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kéo chỉ số MSCI của khu vực tính đến 12h30 tại Tokyo lên 0,4%, đạt 144,08 điểm. Tuy nhiên, trong tuần này, hàn thử biểu này đã tuột mất 1,3% số điểm, chuẩn bị “hoàn thành” chuỗi 5 tuần đi xuống liên tiếp, một thời kỳ điều chỉnh dài nhất kể từ giữa tháng 8 năm 2004.

Tăng điểm mạnh nhất tại thị trường châu Á hôm nay là cổ phiếu của các công ty khai mỏ do tình hình thời tiết xấu đã khiến các hoạt động khai thác ở nước này bị đình trệ, đẩy giá than và kẽm trên thị trường thế giới tăng cao. Tiêu biểu là cổ phiếu của BHP tăng 3,5%, cổ phiếu của Korea Zinc - hãng tinh luyện kẽm của Hàn Quốc - tăng tới 14%, trong khi cổ phiếu của công ty kẽm Toho có trụ sở ở Tokyo tăng 13%.

Tại thị trường Nhật, “thủ phạm” kéo các chỉ số chính đinh xuống không ai khác chính là “đại gia” điện tử Sony. Cổ phiếu của tập đoàn này mất giá 6,5%, mạnh nhất trong số các cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI của thị trường châu Á, sau khi tập đoàn dự báo mức lợi nhuận hoạt động của năm ngoái thấp hơn dự báo của nhiều chuyên gia. Trong khi đó, các đối thủ lớn của Sony như Matsushita và Panasonic cùng có cổ phiếu tăng mạnh nhờ mức lợi nhuận cao.

Châu Âu: Chưa hết hoang mang

Thị trường châu Âu trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2008 hôm qua cũng khép lại với sự áp đảo của màu đỏ. Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 của toàn khu vực giảm nhẹ 0,01%, còn 322,16 điểm. Trước đó, có lúc chỉ số này còn tụt mất 2,6%. Trong số các thị trường chủ chốt, chỉ có thị trường Anh là lên điểm, với chỉ số FTSE 100 của sàn London tăng 0,73%, lên 5.879,80 điểm. Trong khi đó, chỉ số DAX 30 của thị trường Đức mất 0,34%, còn chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp sụt 0,08%.

Như vậy, thị trường châu Âu cũng vừa trải qua một tháng Giêng tồi tệ nhất trong lịch sử, với chỉ số Dow Jones Stoxx 600 sụt tới 12%. Trong ngày hôm qua, các cổ phiếu mất điểm mạnh nhất trên thị trường châu Âu chính là các cổ phiếu tài chính do giới đầu tư lo ngại tình hình thua lỗ của các hãng bảo hiểm trái phiếu sẽ đe dọa đến lợi nhuận của các tập đoàn tài chính. Cổ phiếu của ngân hàng cho vay lớn thứ hai nước Pháp Agricole SA và cổ phiếu của công ty dịch vụ tài chính lớn thứ nhì của Bỉ KBC Group NV cùng mất giá tới 4%.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s vừa cho biết có thể hạ thấp mức xếp hạng tín nhiệm đối với lượng chứng khoán và nợ có liên quan đến cho vay cầm cố trị giá 534 tỷ USD. Việc này có thể dẫn tới khoản thua lỗ vì cho vay “dưới chuẩn” của các ngân hàng khắp mọi châu lục từ mức 133 tỷ hiện nay lên mức 265 tỷ và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường tài chính thế giới.