13:34 13/02/2008

Chứng khoán thế giới tiếp tục phục hồi

Sơn Phúc

Ngày thứ hai trong tuần, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục gặt hái kết quả tốt đẹp, dẫn đầu là các cổ phiếu tài chính

Ngày thứ hai trong tuần, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục gặt hái kết quả tốt đẹp, dẫn đầu là các cổ phiếu tài chính.

Đóng cửa giao dịch ngày 12/2, S&P 500 thêm 9,73 điểm (0,7%) đạt 1.348,86 điểm sau khi thu hoạch được 1,7% trong phiên giao dịch trước đó. Dow tăng 133,4 điểm (1,1%) lên mức 12.373,41 điểm. Nasdaq mất 0,02 điểm đạt 2.320,04 điểm.

Tại thị trường giao dịch New York, số cổ phiếu tăng giá gấp đôi số cổ phiếu giảm giá.

Trong phiên giao dịch hôm qua, nhóm các công ty tài chính cũng leo thêm được 1,4%, là lực đẩy mạnh nhất trong 10 ngành công nghiệp tham gia vào S&P 500. Citigroup tăng thêm 40 cents, đóng cửa tại mức 26,21 USD. Bank of America phục hồi 68 cents, khớp lệnh ở mức 42,82 USD. Tập đoàn Moody, công ty định mức tín nhiệm lớn thứ hai thế giới tăng 2,28 USD (6,3%) lên mức 38,61 USD.

Các cổ phiếu tài chính cũng leo dốc nhờ vào những kế hoạch giúp đỡ các những “chủ sở hữu nhà sai hẹn trả nợ” của các "đại gia" ngân hàng Bank of America, Citigroup và 4 ngân hàng lớn khác của Mỹ. Bộ trưởng BTài chính Mỹ Henry Paulson cũng phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington ngày hôm qua rằng sẽ có những dự án cụ thể giúp ổn định các cộng đồng có nguy cơ bị suy đốn vì vỡ nợ thế chấp.

Một thông tin đáng chú ý khác: Warrent Buffet, chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway Inc., nhà đầu tư lớn nhất nước Mỹ đưa ra kế hoạch trị giá 800 tỷ USD để hỗ trợ các tập đoàn MBIA, Ambac Financial và FGIC thông qua hình thức tái bảo hiểm các khoản nợ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không thể bỏ qua thông tin từ báo cáo do Bloomberg tổng hợp, có thể được cung cấp vào ngày mai cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1/2008 có thể giảm mạnh, và là tháng thứ hai liên tiếp sụt giảm.

Do vậy, cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ mất 0,7% và là nhóm cổ phiếu mất giá mạnh nhất trong 24 nhóm ngành trong S&P 500. J.C. Penney Co., ông chủ của chuỗi cửa hàng bách hóa lớn thứ ba nước Mỹ mất 1,77 USD chỉ còn 48,18 USD.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật, Singapore và Hồng Kông hồ hởi leo dốc trong khi Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đều trượt nhẹ. Hang Seng của Hồng Kông thêm 1,89%, Straits Times của Singapore thêm 1,71% trong khi CSI 300 của Trung Quốc mất 0,92%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật lên điểm mạnh mẽ. Các công ty vận tải biển dẫn đầu đoàn tàu leo dốc nhờ cước phí vận tải tăng mạnh nhất trong hai tháng. Các công ty liên quan đến xây dựng cũng có kết quả tốt trong phiên giao dịch hôm nay nhờ dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ phục hồi.

Lúc 3h chiều 13/2, Nikkei 225 leo thêm 25,74 điểm (0,2%) lên mức 13.047,7.

Thêm vào đó, đồng Yên tiếp tục suy yếu so với đồng USD cũng là một yếu tố thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Nhật. Tại Tokyo, hôm nay 1 USD đổi được 107,53 Yên, trong khi con số của ngày hôm trước là 106,99.