11:32 07/03/2007

“Chứng khoán thiếu cân đối cung cầu”

"Giải quyết cung cầu tốt, nhà đầu tư muốn mua thị trường có hàng đáp ứng thì làm gì phải tranh cướp như thế"

"Về mặt chính thức, Ngân hàng Nhà nước nói vốn đổ vào chứng khoán chiếm 2,2% dư nợ, tôi thấy cần xem lại con số thống kê" - Ảnh: TT.
"Về mặt chính thức, Ngân hàng Nhà nước nói vốn đổ vào chứng khoán chiếm 2,2% dư nợ, tôi thấy cần xem lại con số thống kê" - Ảnh: TT.
Là người chấp bút đề án phát triển thị trường chứng khoán và Luật Chứng khoán, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội Dương Thu Hương cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu cân đối cung cầu, nhà nước cần bán bớt cổ phần ra ngoài để điều chỉnh sức nóng.

Chứng khoán bùng nổ là nét nổi bật của kinh tế trong năm 2006. Bà có nhận xét gì về vấn đề này?

Chúng tôi theo dõi diễn biến kinh tế nổi bật năm 2006 và có lưu ý trao đổi trực tiếp với cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Một số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về sự phát triển này.

Tôi nhớ cách đây mấy hôm Ủy ban Thường vụ Quốc hội có họp toàn thể và đưa vấn đề này ra thảo luận. So với mấy năm trước thị trường phát triển vượt bậc, nhưng chưa có dấu hiệu tiêu cực nào để thấy phải can thiệp mạnh.

Trong tình hình hiện nay cơ quan quản lý cần theo dõi sát sao các diễn biến trên thị trường. May là chúng ta có luật rồi, đủ điều kiện pháp lý để điều hành quản lý thị trường. Tôi cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đi bằng 2 chân, thứ nhất là tư vấn, ban hành pháp luật cho đầy đủ (các nghị định, thông tư hướng dẫn luật), chân thứ hai là giám sát.

Vừa rồi Ủy ban có phát hiện nhiều trường hợp công ty chứng khoán vi phạm, có xử lý khá nặng tay. Trong luật quy định rất rõ những hành vi nào thì bị phạt tiền, phạt như thế nào, có thể nói Ủy ban có đầy đủ căn cứ pháp lý để phạt nghiêm minh.

Tôi nói vậy bởi kiểm tra thường xuyên có tác động rất lớn đến thị trường, thông tin về kiểm tra cũng cần minh bạch rõ ràng, chỉ cần thông tin nào đó không được công bố là ảnh hưởng tới thị trường ngay.

Khi nhu cầu đầu tư chứng khoán tăng mạnh, bà nghĩ sao về ý kiến Nhà nước nên bán bớt phần vốn sở hữu trong các doanh nghiệp để tăng cung?

Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội chưa đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên cá nhân tôi thấy chúng ta đang muốn xã hội hóa đầu tư, Nhà nước do đó cần cân nhắc lĩnh vực nào cần nắm giữ, lĩnh vực nào không cần để bán ra tăng cung cho thị trường. Lĩnh vực nào cũng nắm giữ nhiều quá thì không phải lúc nào cũng có lợi.

Có ý kiến trong Quốc hội lo thị trường chứng khoán xì hơi tác động lớn đến hệ thống ngân hàng, trái tim của nền kinh tế. Bà thấy sao?

Trong năm 2006, tại kỳ họp thứ 10 chúng tôi có đưa ra báo cáo giám sát về chất lượng tín dụng ngân hàng, trong đó có cảnh báo về vốn tín dụng chảy vào chứng khoán. Phiên họp vừa rồi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng tôi đặt lại vấn đề đó.

Về mặt chính thức, Ngân hàng Nhà nước nói vốn đổ vào chứng khoán chiếm 2,2% dư nợ, tôi thấy cần xem lại con số thống kê bởi có thể người dân vay tiền để trực tiếp đầu tư, có thể họ vay với mục đích khác rồi lại cho vào mua cổ phiếu.

Bản thân các ngân hàng cũng có nhiều con đường dẫn tới mục tiêu chứng khoán. Chúng tôi đã đề cập với Ngân hàng Nhà nước cần sự thống kê chính xác, theo dõi chặt chẽ, cho vay với mức độ lớn thì không được.

Hồi tôi còn làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có đề nghị ban hành hướng dẫn cho vay chứng khoán. Hồi đó tôi thấy rất rủi ro nên đã từ chối. Sau này chính sách tín dụng cởi mở hơn, cơ quan quản lý cho làm, như vậy cũng hợp quy luật thôi nhưng vừa cho vay vừa phải theo dõi.

Nếu không sát sao, có vấn đề gì đó với thị trường tiền tệ thì trở tay không kịp.

Trong những ngày đầu năm, dư luận xôn xao về chuyện kiểm soát vốn nước ngoài. Bà thấy các đại biểu Quốc hội có ý kiến gì về vấn đề này?

Đây là vấn đề chỉ đạo nghiệp vụ nên Quốc hội không liên quan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nghe được ý kiến của hội đồng tài chính tiền tệ quốc gia và thấy quyết định không kiểm soát vốn của Thủ tướng là đúng. Thị trường đang trên đà phát triển chưa có biểu hiện gì khủng hoảng, nếu mình dùng thuốc sai liều thị trường khủng hoảng thì sao.

Trong giai đoạn này cần hướng cho thị trường phát triển trong phạm vi nào đó, cơ sở pháp lý đã có, theo tôi cần cung nhiều hơn. Giải quyết cung cầu tốt, nhà đầu tư muốn mua thị trường có hàng đáp ứng thì làm gì phải tranh cướp như thế, giá cả sẽ không nóng như thế. Điều hành quan hệ cung cầu nhanh, hợp lý, thị trường không những phát triển mạnh mà còn kiểm soát được đầu cơ.

Như bây giờ tôi thấy chứng khoán là miếng đất cho đầu cơ hoành hành.

Khi xây dựng luật, bà thấy kinh nghiệm nước ngoài thường xử lý thế nào khi thị trường phát triển quá nóng?

Thị trường đang trên đà phát triển nóng nhưng tôi không trực tiếp tham gia nên không đo đếm cụ thể được. Qua báo chí tôi thấy chứng khoán nóng và thực sự cần một dòng nước mát.

Vào những năm 1992 khi tôi viết đề án phát triển thị trường chứng khoán, các chuyên gia nước ngoài từng phân tích khá kỹ sự kiện Thẩm Quyến của Trung Quốc. Có những thước phim ghi lại trong một ngày có hàng nghìn người tham gia thị trường vì thấy lợi nhuận cao nhưng khi sụt giảm nhiều người mất trắng, nhảy lầu.

Khi xây dựng Luật Chứng khoán, chúng tôi tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và thấy thị trường của họ cũng có những đợt trồi sụt mạnh.

Nhìn lại thị trường của mình, nhà đầu tư rất nhanh nhạy với các diễn biến, nhưng chưa hiểu nguyên lý vận hành, thiếu kiến thức. Khi thị trường ngày càng phát triển, cách chống rủi ro hiệu quả nhất vẫn là nâng cao trình độ của nhà đầu tư, nâng cao khả năng giám sát của cơ quan quản lý chứ không có liệu pháp hành chính nào là tối ưu.