14:05 09/10/2010

Chứng khoán tuần qua: Kỷ lục chưa từng có của khối ngoại

Nguyễn Hoàng

Nỗ lực đỡ giá từ khối ngoại là điểm đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua

Kênh dao động 440-470 điểm vẫn được giữ từ tháng 9 đến nay
Kênh dao động 440-470 điểm vẫn được giữ từ tháng 9 đến nay
VN-Index tuần qua trải qua 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, đóng cửa ở mức 459,26 điểm. Chung cuộc, chỉ số vẫn tăng 7,55 điểm tính theo tuần, một con số không quá tệ, thậm chí còn cao nhất trong 5 tuần trở lại đây.

Nỗ lực đỡ giá từ khối ngoại là điểm đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua.

Tính riêng những giao dịch có tác động đến VN-Index (khớp lệnh), trên 17,7 triệu đơn vị đã được khối này mua ròng, một kỷ lục chưa từng có với chuỗi số liệu ghi nhận được ít nhất từ đầu năm 2006!

Về giá trị, lượng vốn mua ròng khớp lệnh đạt 687,5 tỷ đồng, mức cao nhất chỉ sau tuần đầu tiên của tháng 2/2010 (695,9 tỷ đồng). Tuần qua cũng là tuần lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài đóng góp 24% giá trị khớp lệnh của sàn HOSE.

Nếu tính trên cả hai sàn, thêm khoảng 731,8 tỷ đồng được rót ròng vào thị trường, đứng sau tuần cuối tháng 4/2010. Khối ngoại mua ròng cả tuần trên cả hai sàn, trong đó riêng HNX khoảng 25,8 tỉ đồng. Dù hoạt động mua vào mạnh mẽ này là nhằm bình quân giá với khối lượng kẹp trên cao hay đầu tư mới thì đều đóng góp quan trọng cho thanh khoản và lực đỡ VN-Index.

Trái ngược với sự sôi động của khối ngoại, nhà đầu tư trong nước tham gia khá dè dặt và thị trường nhiều phiên tuần qua rơi vào trạng thái thanh khoản thấp. Tổng lượng cổ phiếu khớp lệnh tại HOSE chỉ đạt 171,87 triệu đơn vị, không phải là cao so với tháng 9. Tổng mức thanh khoản cả hai sàn tuần qua cũng chỉ tăng được 10%, đạt 314,68 triệu đơn vị. Thanh khoản thấp cũng là một nguyên nhân dẫn đến tỉ trọng giao dịch của khối ngoại cao đột biến.

Hoạt động mua vào mạnh của dòng vốn ngoại tại nhóm blue-chip đóng góp quan trọng cho sự bình ổn theo chiều hướng tăng tuần qua của VN-Index. Tuy nhiên thị trường bắt đầu trở nên khó đoán vì sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu trụ đã diễn ra hai phiên cuối tuần. Nếu các blue-chip không còn mạnh, Index khó có sự đột phá. BVH là một ví dụ, khi cổ phiếu này có một phiên giảm sàn, chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng giá liên tục, trong đó có 3 phiên trần.

Về mặt kỹ thuật, hai phiên cuối tuần kết hợp thành một chỉ báo sớm khá xấu. Tuy nhiên điều quan trọng là thị trường từ đầu tháng 9 đến nay vẫn trong trạng thái đi ngang không có xu hướng. Kênh giá được hình thành bởi ngưỡng kháng cự 470 điểm và hỗ trợ 440 điểm vẫn được duy trì. Khi chưa có sự đột biến phá vỡ kênh giá này thì các diễn biến tăng giảm hàng ngày vẫn chỉ là dao động phi xu hướng tích lũy. Kênh giá này cũng khá hẹp và thực tế thị trường trên góc độ kỹ thuật vẫn được xem là khả quan khi nằm trên đường giá trung bình 20 ngày.

Chiến lược thường được áp dụng trong tình trạng phi xu hướng tích lũy là mua ngưỡng hỗ trợ và bán tại ngưỡng kháng cự. Hoạt động tăng mua, tăng bán tại các ngưỡng này có thể thấy rõ trong hơn một tháng qua và điều đó ngược lại, góp phần củng cố kênh giá. Với độ dao động không cao (khoảng 30 điểm) và thực tế các cổ phiếu cũng dao động nhỏ - ngoại trừ một số mã cá biệt tăng nóng dài hơn T+3 - hoạt động “trading” như vậy mang nhiều ý nghĩa hạ giá vốn hàng sẵn có hơn là tìm kiếm lợi nhuận theo sóng.

Hai phiên cuối tuần một lần nữa cho thấy mức kháng cự 470 điểm vẫn được các nhà đầu tư lớn cân nhắc. Thực tế với lượng cung không cao, khả năng tạo ra đột phá cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên thị trường hiện tại chưa có thông tin hỗ trợ đủ mạnh để khơi nguồn hưng phấn trên bình diện chung. Chiến lược tích lũy, hạ giá vốn vẫn đảm bảo an toàn cao, thậm chí có thể sinh lời nếu thời gian tích lũy đủ dài. Khả năng hạ giá vốn xuống dưới mức hỗ trợ 440 điểm sẽ tạo thuận lợi nếu thị trường khởi sắc vào cuối năm.

Từ góc độ tâm lý, hiện tại cũng khó có thông tin nào đủ xấu để tạo ra một sự hoảng loạn hay đổ vỡ. Cầu dĩ nhiên không mạnh nhưng cung cũng yếu, kể cả trong những tình huống giảm điểm. Điều đó dẫn đến hai khả năng: Số lớn nhà đầu tư bị “kẹp” đã đủ “chai sạn” để ôm cổ phiếu dài hạn thay vì cắt lỗ; thứ hai, lượng cổ phiếu giao dịch tại các vùng đáy nằm phần lớn trong tay nhà đầu tư dài hạn nên lực chốt lời không mạnh và chủ yếu từ hoạt động đảo hàng. Thực tế khi giá sụt giảm về sát vùng hỗ trợ lực cầu đều mạnh lên.

Trong bối cảnh dòng tiền nó chung còn yếu, rất có thể dòng tiền nóng bắt đầu tìm kiếm các cơ hội ở nhóm cổ phiếu nhỏ. Thị trường sẽ chờ đợi tín hiệu từ nhóm này. Sự nhen nhóm đã bắt đầu có ở một vài mã như VKP.

Đặc điểm chung của cổ phiếu nhỏ là vốn hóa thấp, khối lượng lưu hành trôi nổi (floating) thấp nên cung dễ nắm bắt. Thứ hai là yếu tố đột biến. Nhóm cổ phiếu lớn khó có sự đột biến trong quý 3 về lợi nhuận. Khoản lợi nhuận kinh doanh khả năng lớn là tốt ở mức thông thường, khả năng hoàn nhập dự phòng không cao vì thị trường chưa có sóng lớn so với quý 2.

Với cổ phiếu nhỏ, làm ăn không được tốt, nhiều cổ phiếu lỗ nhưng khả năng đột biến lại cao. Chẳng hạn một số mã phải trích lập dự phòng hàng tồn kho lớn sẽ có cơ hội khi giá hàng hóa phục hồi. AGC quý 2 là một ví dụ về sự đột biến khi quý đầu năm có lượng tồn kho khổng lồ 318,4 tỉ đồng sau khi đã trừ đi dự phòng giảm giá. Ngoài ra, cổ phiếu lỗ thì dễ tạo bất ngờ nếu lãi, dù là nhỏ vì quá trình giảm giá mạnh vừa qua đã phản ánh vào giá khá nhiều.

Tóm lại, với dao động nhỏ của thị trường và vẫn còn hoạt động giữ nhiệt thì khả năng đi ngang có thể còn tiếp diễn tuần tới.