09:52 20/01/2009

Chứng khoán và “điều tồi tệ nhất”

Trường Giang

Cảm xúc của đa số nhà đầu tư luôn đi sau những biến động của thị trường

Việc đầu tư chứng khoán chưa bao giờ được coi là đơn giản và thị trường chứng khoán bao giờ cũng đầy thử thách - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc đầu tư chứng khoán chưa bao giờ được coi là đơn giản và thị trường chứng khoán bao giờ cũng đầy thử thách - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong những ngày thị trường chứng khoán không mấy sáng sủa, có vẻ như câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra nhất là “có phải điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra?”.

Dường như màu đỏ thường xuyên trên thị trường đã cướp của chúng ta quá nhiều niềm tin, đến nỗi chúng ta gần như bị ám ảnh rằng mọi chuyện tồi tệ vẫn còn có thể tồi tệ hơn nữa.

Nhìn lại vết trượt dài của chỉ số hai sàn từ thời kì đỉnh cao, hoặc đơn giản hơn là nhìn vào tài khoản của chính mình - nếu bạn là một nhà đầu tư, thì có lẽ chẳng ai có thể thuyết phục bạn tin tưởng hơn vào thị trường được nữa.

Dường như luôn có một kịch bản đúng với diễn biến tâm lý của các nhà đầu tư trong mọi thị trường chứng khoán từ trước tới nay, đó là: lạc quan (khi thị trường chứng khoán tăng trưởng) - vô cùng lạc quan (khi thị trường lên đỉnh cao) - tiếp tục lạc quan (khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu đi xuống) - vẫn còn lạc quan (khi thị trường đã trượt một nửa dốc).

Tiếp đó, khi thị trường đã thực sự đi xuống, giai đoạn tiếp theo sẽ là: bi quan - cực kì bi quan - gần như tuyệt vọng (khi thị trường xuống đáy) - nghĩ tới chuyện rời bỏ thị trường (khi thị trường chứng khoán có những dấu hiệu phục hồi) - tiếp tục bi quan (khi thị trường bắt đầu giai đoạn tăng trưởng đầu tiên)…

Rồi sau đó một chu kỳ mới lại bắt đầu.

Đó có lẽ là lí do tại sao việc đầu tư chứng khoán chưa bao giờ được coi là đơn giản và thị trường chứng khoán bao giờ cũng đầy thử thách. Cảm xúc của đa số nhà đầu tư luôn đi sau những biến động của thị trường. Ai nấy đều mong chờ một tiếng chuông vang lên để báo hiệu cho họ biết thị trường đang ở thời điểm nào, nhưng tiếng chuông đó sẽ chẳng bao giờ vang lên, hoặc vang lên khi đã quá muộn.

Phải chăng điều tồi tệ nhất chưa xảy ra? Vậy điều tồi tệ đó là gì? Có lẽ sẽ có quá nhiều bi kịch được chúng ta phác họa ra: kết quả báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sau kiểm toán tồi tệ hơn dự kiến, các nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà với thị trường chứng khoán Việt Nam khi những diễn biến của nên kinh tế toàn cầu ngày càng bi đát, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi những khó khăn mà hiện tại còn chưa bộc lộ hoàn toàn… rồi ta tự hỏi, phải chăng năm Kỷ Sửu sẽ lặp lại con dốc mà năm Mậu Tý đã trải qua?

Nhưng, kể cả khi có một thông tin tốt rằng kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khả quan hơn so với nhìn nhận trước đó, thì những người bi quan vẫn có thể tiếp tục cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ còn nằm ở những quý tiếp theo, hoặc một cái gì đó tương tự...

Đó có thể là lý do tại sao mọi thông tin tích cực, mọi nỗ lực của Nhà nước trong thời gian qua cũng chỉ đến được với thị trường như những con sóng để lướt, không hơn không kém!

Nhiều nhà đầu tư cũng đưa ra những giả thiết tích cực trong một vài phiên tăng điểm ngắn ngủi rồi lại nhanh chóng im lặng nếu bảng điện tử chuyển sang màu đỏ “quen thuộc”, và hoang mang tự hỏi “phải chăng mình đã sai?”.

Có thể, nhiều nhà đầu tư đã quá nhàm tai khi nghe tới nhiều thông tin được kỳ vọng là tích cực mà rút cuộc thị trường vẫn chẳng có một tin hiệu vui gì khi nó xảy ra, nhưng biết đâu chính tại những lúc như thế này, khi những tin tốt cũ "lịm" dần, những tin tốt mới sẽ có cơ sở vững chắc để tạo đà cho thị trường.

Bởi, khi thị trường bắt đầu khiến chúng ta phải tự hỏi nhau rằng, phải chăng điều tồi tệ nhất chưa xảy ra, thì gần như có nhiều khả năng nó đang nằm trong giai đoạn đầu tiên của đợt phục hồi. Dù rằng, trong giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam đang trầy trật sát mức 300 điểm (tại sàn Tp.HCM) và 100 điểm (tại sàn Hà Nội) như hiện nay, nhiều người sẽ gọi đó là lạc quan tếu.

Ai cũng tin vào tương lai dài hạn, nhưng bất kỳ một sự tăng trưởng nào đều phải có quá trình, và biết đâu ngay chính trong giai đoạn này, những mầm mống đầu tiên đã xuất hiện mà chúng ta không hề hay biết.