01:48 09/06/2010

“Chứng khoán Việt Nam đã phản ứng thái quá”

Minh Đức

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã phản ứng thái quá và chủ yếu chịu tác động tâm lý từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu

Với riêng thị trường chứng khoán, một lo ngại nổi bật là biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp, nhưng thực tế là nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giải ngân và mua ròng liên tiếp từ tháng 10/2009 đến nay…
Với riêng thị trường chứng khoán, một lo ngại nổi bật là biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp, nhưng thực tế là nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giải ngân và mua ròng liên tiếp từ tháng 10/2009 đến nay…
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã phản ứng thái quá và chủ yếu chịu tác động tâm lý từ cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Đây là nhận định được đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBS) đưa ra tại cuộc hội thảo “Khủng hoảng nợ châu Âu và những ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam”, do Sacombank - SBS phối hợp với hãng tin Bloomberg tổ chức tại Hà Nội chiều 8/6.

“Ảnh hưởng không quá lớn”

Tại hội thảo này, một lần nữa diễn biến và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp dẫn đến những bất ổn của kinh tế khu vực châu Âu lại được mổ xẻ.

Diễn biến và nguyên nhân đã được đề cập nhiều, thế nhưng một câu hỏi cũ được nhà đầu tư đặt ra lại vẫn mới: tại sao các tổ chức có trách nhiệm của khu vực và quốc tế lại không có những cảnh báo kịp thời, cập nhật các mức độ cảnh báo để đến khi khủng hoảng xẩy ra, ảnh hưởng của nó lan rộng mới tập trung phân tích, rồi kêu gọi giải pháp, hỗ trợ?

Theo ông Nitin Jaiswal, chuyên gia của Bloomberg, các cuộc khủng hoảng thường xẩy ra trước khi nó được biết đến do những ảnh hưởng.

Với Việt Nam, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện nay được các chuyên gia tại hội thảo trên cho rằng là không quá lớn; hay những nguy cơ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tương tự là không đáng lo ngại.

Ông Lê Bá Hoàng Quang, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô của Sacombank - SBS, cho rằng cần nhìn nhận các yếu tố đã tạo nên cuộc khủng hoảng, như tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP, tốc độ tăng trưởng GDP, thâm hụt ngân sách để tìm đến những kết luận.

“Ở khu vực châu Á, chúng ta có thể thấy nợ quốc gia trên GDP của nhiều nước đều ở mức thấp nếu so với Hy Lạp, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP của nhiều nước khu vực châu Á được duy trì khá cao so với các khu vực khác. Tôi không nhìn thấy những rủi ro ở khu vực châu Á, xét theo những yếu tố tạo nên cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp”, ông Quang nói.

“Chúng ta thấy 3 chỉ tiêu: thứ nhất là tăng trưởng GDP của chúng ta vẫn duy trì ở mức cao và ổn định, có chiều hướng tích cực lên; thứ hai, tỷ lệ nợ trên GDP của chúng ta ở mức đảm bảo và là các nghĩa vụ nợ dài hạn; thứ ba là thâm hụt ngân sách chưa đến mức phải quan ngại nhiều. Do đó, nếu nhìn vào 3 nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nợ Hy Lạp thì Việt Nam ở vị thế mà theo quan điểm của tôi không quá lo ngại về khủng hoảng nợ và tác động của nó”, chuyên gia của Sacombank - SBS phân tích thêm.

Ảnh hưởng cụ thể và trực tiếp nhất từ cuộc khủng hoảng trên, theo phân tích đưa ra tại hội thảo là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khi khủng hoảng Hy Lạp tác động đến cả khu vực châu Âu, làm cho đồng Euro giảm đi đồng nghĩa với hàng hóa xuất khẩu từ châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ đắt lên và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, chuyên gia của Sacombank - SBS khuyến nghị: nhà đầu tư có thể nhìn ở góc độ châu Âu là nền kinh tế nhập khẩu nhiều, và khi nền kinh tế bị ảnh hưởng như vậy thì nhu cầu hàng hóa cũng sụt giảm. Nhưng cần xem đó là nhu cầu những hàng hóa gì và mức độ tác động với mỗi nước là khác nhau. Mặt khác, cần xem xét kỹ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này; và hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu nên ít chịu những tác động xấu.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Bá Hoàng Quang tỏ ra lạc quan: “Đối với Việt Nam, chúng ta nhìn nhận Hy Lạp cũng là một nền kinh tế mới nổi. Hy Lạp cũng đã và đang là địa chỉ thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Nhìn ở góc độ Hy Lạp là một địa chỉ cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thì châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng an toàn hơn sẽ ở vị trí cạnh tranh thuận lợi hơn”.

Yếu tố tâm lý?

Theo tập hợp mà chuyên gia Nitin Jaiswal đưa ra, thị trường chứng khoán thế giới từng mất 1 năm để có tăng trưởng 16%, nhưng chỉ cần 1 tháng để giảm 7,6% trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Lo ngại mà ông Nitin Jaiswal đưa ra là khả năng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trở thành hiệu ứng domino, lan rộng tới các quốc gia khác mà không chỉ bó hẹp ở Hy Lạp, như với Đức hoặc Tây Ban Nha…

Với Việt Nam, thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán thời gian qua cũng đã phản ánh những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng đó. Mối quan hệ với thị trường thế giới sau một thời gian dài mờ nhạt đã trở nên nổi bật, đặc biệt từ cuối tháng 4 trở lại đây.

Cả chuyên gia của Bloomberg và của Sacombank - SBS đều cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới, chịu những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nhưng chủ yếu là ở yếu tố tâm lý.

Ông Lê Bá Hoàng Quang nói rằng “tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tới thị trường chứng khoán chúng ta không phải là lớn. Phản ứng mà chúng ta nhìn thấy trên thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây theo tôi là mang yếu tố tâm lý nhiều hơn và có phần thái quá”.

Ngoài những phân tích tác động nói trên, chuyên gia của Sacombank - SBS tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam thậm chí sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô và giá trị trong thời gian tới nhờ những yếu tố nội tại tốt và đang có hướng vận động tích cực.

Cụ thể, ông Quang nhận định diễn biến của lạm phát hai tháng gần đây đang cho thấy tín hiệu tích cực; khả năng lạm phát năm 2010 sẽ ở mức một con số, cụ thể là dự báo từ 8% - 9%.

Khi lạm phát cơ bản được kiềm chế, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ mạnh hơn (sau khi tăng rất chậm trong 5 tháng đầu năm với 7,46% và dư địa còn lại theo mục tiêu 25% còn lớn). Tuy nhiên, chuyên gia này từ chối đưa ra bình luận về khả năng nới lỏng tiền tệ, cũng như dự báo các công cụ mà Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng trong thời gian tới.

Mặt khác, một thực tế được đưa ra là Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực và trên thế giới sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2009. GDP đã tăng trưởng 5,83% trong quý 1/2010 và dự báo sẽ tăng từ 6,2% - 6,3% trong quý 2 này.

Trong khi đó, nhập siêu, thâm hụt thương mại hay vấn đề tỷ giá được chuyên gia Sacombank - SBS bình luận là ổn định và trong tầm kiểm soát.

Với riêng thị trường chứng khoán, một lo ngại nổi bật là biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp, nhưng thực tế là nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giải ngân và mua ròng liên tiếp từ tháng 10/2009 đến nay…