Chứng khoán: Xu thế nào cuối năm Trâu?
VnEconomy giới thiệu nhận định của đại diện 5 công ty chứng khoán lớn về diễn biến thị trường trong hai tuần cuối năm Kỷ Sửu
Diễn biến thị trường chứng khoán trong hai tuần cuối năm Kỷ Sửu đang là chủ đề được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Bởi đây là bước đệm cho diễn biến xu hướng khi thị trường bước sang năm Canh Dần.
Thanh khoản tuần qua đã sụt giảm và ngưỡng hỗ trợ ở vùng 480 điểm tỏ ra khá vững với nhiều phiên tái kiểm tra mà không bị xuyên thủng. Nhưng liệu thị trường có thể tăng lên được hay không, các yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường?
VnEconomy giới thiệu nhận định của đại diện 5 công ty chứng khoán lớn về diễn biến thị trường trong hai tuần cuối năm Kỷ Sửu.
Dự báo thị trường sẽ khả quan trong tuần tới
(Ông Phạm Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SME)
“Thị trường tuần này cơ bản tích cực hơn tuần trước, cụ thể chỉ số VN-Index đã tăng với mức tăng xấp xỉ 1%. Đặc biệt hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trong bối cảnh thị trường quốc tế giảm điểm. Điều này minh chứng rằng, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam là tích cực và kết quả kinh doanh của đại đa số các công ty niêm yết trong năm 2009 hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Yếu tố quan trọng trong năm 2010 của Việt Nam và thế giới chính là kiểm soát lạm phát đi đôi với tăng trưởng và phục hồi bền vững nền kinh tế. Chính yếu tố lạm phát là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong thời gian vừa qua. Yếu tố tâm lý bị chi phối bởi những kịch bản xấu gần đây về lạm phát và sự suy giảm của giá chứng khoán.
Tuy nhiên, qua quan sát điều hành chính sách tiền tệ với việc rút kinh nghiệm của đợt lạm phát trước, Chính phủ đã sử dụng các công cụ hợp lý để kiểm soát lạm phát . Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 và việc cải thiện tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng là một minh chứng.
Hơn thế nữa, với vai trò đầu tầu của nền kinh tế thế giới thì Hoa Kỳ đã có chính sách kiểm soát đầu cơ vào dầu, vàng và một số yếu tố đầu vào trọng yếu. Điều này sẽ giúp cho chi phí đầu vào được kiểm soát và hạn chế lạm phát. Song song với chi phí được kiểm soát, dòng tiền từ các hoạt động đầu cơ sẽ giảm và di chuyển sang các kênh đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc thực thi chính sách kiểm soát lạm phát đã tác động rất mạnh và làm giảm tính hấp dẫn vào các kênh đầu tư bất động sản, vàng, ngoại tệ. Song song với kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết năm 2009 và sự suy giảm giá chứng khoán từ 630 điểm về dưới ngưỡng 500 đã tạo nên rất nhiều cổ phiếu có giá rất hấp dẫn so với các kênh đầu tư như tiền gửi, vàng, bất động sản.
Kết hợp với diễn biến tăng điểm của tuần này so với tuần trước cùng với việc 480 điểm được kiểm tra là ngưỡng hỗ trợ tốt, thị trường quốc tế có thể sẽ kết thúc giảm điểm vào tuần này, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ khả quan trong tuần tới”.
VN-Index sẽ quanh mốc 500 điểm trước tuần nghỉ Tết
(Ông Hoàng Xuân Quyến - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt - TVSI)
“Có ba điều kiện để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững. Thứ nhất, thị trường cần có đông đảo các nhà đầu tư tham gia với mục tiêu, kỳ hạn đầu tư khác nhau và hơn nữa có các quan điểm nhìn nhận khác biệt đa chiều về thị trường và giá cổ phiếu.
Thứ hai, quy chế giao dịch phải hỗ trợ và đảm bảo tính thanh khoản cao của thị trường. Thứ ba, các nhà đầu tư tham gia thị trường bình đẳng về cơ chế tiếp nhận thông tin.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, cả ba điều kiện trên đều đang khiếm khuyết. Số lượng nhà đầu tư tham gia chưa đủ lớn và chưa đa dạng; mục tiêu đầu tư ngắn hạn vẫn là chủ yếu; kỳ hạn giao dịch T+4 quá dài, công cụ giao dịch (giao dịch ký quỹ), đòn bẩy tài chính, vay mượn chứng khoán chưa có… càng làm cho rủi ro thanh khoản cao. Cơ chế tiếp nhận thông tin chưa công bằng và minh bạch.
Một khi các khiếm khuyết trên chưa được khắc phục, trên thị trường chứng khoán các nhà đầu tư trở nên đồng nhất về cách nhìn, tương đồng về rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận, thuần nhất về thời điểm tham gia… Như thế thị trường chứng khoán sẽ trở nên đơn điệu, vận động một chiều.
Tôi cho rằng các nhà đầu tư đã biết khá rõ về kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết và đều chung nhận định giá nhiều cổ phiếu đang rất thấp.
Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước trong ngắn hạn tuy tạm yên nhưng chưa ổn. Không ít nhà đầu tư có cùng ý nghĩ thị trường chứng khoán sẽ chưa thể tăng mạnh trong 1-2 tuần tới vì Tết âm lịch đang đến gần, cùng kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể còn đi xuống các mốc hỗ trợ thấp hơn trước đây nên tâm lý chung là kiên nhẫn chờ mua giá rẻ.
Bên cạnh đó, khuyến nghị của nhiều công ty chứng khoán đều cho là thị trường chứng khoán có thể còn tiếp tục giảm điểm cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể. Các nhà đầu cơ lớn phát lệnh trên thị trường cũng đang chực chờ cơ hội để sử dụng đòn bẩy.
Khi tất cả đều nhìn chung một hướng tiêu cực, kết quả kinh doanh dù có tốt cũng khó làm xoay chuyển được xu thế. Tuy nhiên, tình hình thị trường tuần tới và tuần cuối năm nhiều khả năng sẽ có những diễn biến khác.
Số lượng các nhà đầu tư tham gia mua dần cổ phiếu giá rẻ, thanh khoản tốt để đón đầu khả năng thị trường tăng điểm mạnh hơn sau Tết sẽ tăng dần. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư bán cắt lỗ và cơ cấu danh mục sẽ giảm dần.
Thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm có thể từ giữa tuần tới. Nhưng xu thế tăng mạnh và kéo dài là khó diễn ra ngay vì tất cả đều cảnh giác. Vì thế nhiều khả năng thị trường sẽ xoay quanh mốc 500 điểm trước tuần nghỉ Tết”.
Thị trường sẽ bật lại vào tuần trước hoặc sau Tết
(Ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt - AVSC)
“Thị trường dường như chỉ tăng được 1 ngày khi các tin tốt công bố rồi sau đó giảm ngay. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này chủ yếu do tâm lý chưa ổn định của nhà đầu tư và tâm lý này thường bỏ qua các tin tốt (một cách đáng tiếc).
Tâm lý này có thể một phần xuất phát từ thực tế mọi nhà đầu tư đều quan sát thấy hàng ngày là khối lượng giao dịch trong tháng 1, nhất là cuối tháng, giảm đáng kể so với tháng 12 (thống kê cho thấy giảm khoảng 10%). Thông thường khối lượng giao dịch giảm phản ánh sự ít quan tâm của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực được kiểm định rõ ràng trong những phiên gần đây là mỗi khi thị trường giảm mạnh thì người bán thường không muốn bán nữa, làm khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh theo. Cụ thể, ngày 25/1, khối lượng giao dịch giảm mạnh xuống 19,5 triệu cổ phiếu - mức thấp nhất trong 8 tháng qua, và 2 ngày sau đó thị trường tăng lại khá mạnh.
Theo phân tích kỹ thuật, khối lượng giao dịch thấp là tín hiệu của vùng đáy vì xu hướng giảm là do người bán quyết định và khối lượng giao dịch thấp là lúc người bán không còn muốn bán nữa, và sau đó là người mua, quyết định xu hướng tăng, sẽ thắng thế.
Tôi cho rằng vùng 475-480 điểm là ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index và khi nào thị trường giao dịch với khối lượng dưới 20 triệu cổ phiếu trên HOSE là tín hiệu ở vùng đáy, nhà đầu tư nên mạnh dạn mua vào. Vùng đáy có thể diễn ra vài ngày hoặc 1, 2 tuần, chẳng hạn như hồi cuối tháng 2/2009.
Chúng tôi cũng đã cập nhật lợi nhuận các doanh nghiệp công bố đến nay và tính P/E 2009 của toàn thị trường là 12,5, là mức rất thấp trong nhiều tháng qua. Tôi tin tưởng nhà đầu tư nước ngoài đã dự báo được các vấn đề cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam rất tốt nên đã kiên trì mua ròng suốt 4 tháng qua.
Do đó, tôi cho rằng VN-Index đã tạo đáy ở vùng 475-480 điểm, tuy nhiên cần thêm một thời gian để tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại rồi thị trường sẽ bật lại. Tôi dự kiến thời gian đó có thể rơi vào tuần trước hoặc sau Tết.
Khi tâm lý đã ổn định thì nhà đầu tư sẽ hấp thụ hợp lý các tin hỗ trợ và chỉ cần một số thông tin hỗ trợ vừa phải sẽ giúp thị trường tăng đáng kể”.
Tuần cuối cùng của năm có thể sẽ tốt hơn
(Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long - TSC)
“Vào dịp gần Tết, thị trường nhìn chung không nhận được sự quan tâm nhiều của nhà đầu tư. Điều này được thể hiện thông qua diễn biến trong khoảng thời gian này những năm gần đây. Cả giá trị giao dịch và sự thay đổi điểm số nhìn chung đều nhỏ so với khoảng thời gian khác.
Chúng ta đã có rất nhiều thông tin tốt trong thời gian qua, nhưng thực sự thì giá cổ phiếu đã phản ánh trước đó và đã tăng cao hơn rất nhiều so với những sự kỳ vọng. Việc thông tin thị trường đưa ra thường được cho là cơ hội để bán bởi thị trường thực tế đã đầu cơ theo những kỳ vọng trước đó. Thị trường hiện tại thực tế đang kỳ vọng rằng lãi suất cơ bản sẽ được tăng lên.
Tôi nghĩ rằng chỉ có hai khả năng dẫn tới việc thị trường tăng điểm mạnh trong thời gian tới: một là tăng lãi suất cơ bản và hai là chứng minh được rằng không có lý do gì để tăng lãi suất cơ bản trong năm 2010. Một khi một trong hai thông tin này được công bố, thì đó sẽ là cơ sở để thị trường tăng trưởng bởi nguyên tắc bán theo kỳ vọng xấu và mua lại theo tin sẽ phát huy tác dụng.
Tuần tới và tuần cuối cùng của năm Kỷ Sửu có thể tiếp tục là một sự dao động. Tôi nghĩ rằng tuần cuối cùng của năm có thể sẽ tốt hơn”.
Bên lạc quan có cơ sở khi tín dụng chứng khoán sẽ ổn định hơn
(Bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI)
“Muốn nhìn diễn biến thị trường trong tháng 1 vừa qua chúng ta quay lại một chút từ tháng 10/2009, thời điểm VN-Index đã lên đỉnh 633 điểm, đây cũng là thời điểm đòn bẩy tài chính được sử dụng nhiều nhất khiến sức cầu tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch của HOSE cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử vào thời gian này, 137 triệu cổ phiếu.
Chính việc sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều đã khiến thị trường trở nên nhạy cảm với các chính sách tiền tệ bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến luồng tiền vào thị trường chứng khoán. Điều này đã được minh chứng khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 11, một động thái được cho là thắt chặt tiền tệ, đã khiến thị trường chứng khoán đã rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Trong đợt điều chỉnh từ tháng 10 đến giữa tháng 12, VN-Index đã giảm từ đỉnh 633 điểm xuống đáy 427 điểm, tương đương 32,5% trong khi hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới có xu hướng tăng.
Chỉ số định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm nhanh khiến thị trường trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, họ liên tiếp mua ròng kể từ đầu tháng 11. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nội bị thiệt hại nặng do sử dụng đòn bẩy và tỏ ra bi quan.
Vào thời điểm cuối tháng 12, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và việc cho vay chứng khoán vẫn rất căng thẳng. Tuy nhiên thị trường chứng khoán với đặc điểm là thị trường của kỳ vọng đã có những phản ánh sớm với kỳ vọng thanh khoản ngân hàng và tăng trưởng tín dụng sẽ có cải thiện khi sang năm mới.
Điều này đã được minh chứng là đúng khi sang năm mới, nhiều công ty chứng khoán đã cấp lại hạn mức cho vay chứng khoán và các ngân hàng đã giải ngân cho vay nhiều hơn so với tháng 12.
VN-Index đã có sự hồi phục khá nhanh từ đáy 427 điểm lên mức 544 điểm, mức tăng 27%. Tuy nhiên vào đầu tháng 1, những tin đồn về tăng lãi suất cơ bản lại có tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng bác bỏ những tin đồn đó thì bài học cuối tháng 11 vẫn còn in đậm khiến nhà đầu tư hoài nghi. Chỉ khi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản được công bố chính thức trên website của Ngân hàng Nhà nước thì thị trường mới thực sự hưng phấn và tăng điểm mạnh.
Tuy nhiên ngay sau đó, đã có những yếu tố khiến thị trường khó tăng điểm. Thứ nhất là thời điểm cuối tháng 1 việc cấp tín dụng đầu tư chứng khoán có một số thay đổi ở một số công ty chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải bán ra làm thị trường giảm ngay sau khi tăng điểm mạnh.
Thứ 2 là tâm lý giáp tết khiến nhiều nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường hoặc chốt lời nhanh. Sau 2 phiên tăng/giảm mạnh vào 26-27/1 và 2 phiên giao dịch cuối tháng 1 cho thấy thị trường đã đạt trạng thái cân bằng khi bên mua chưa sẵn sàng mua giá cao và bên bán không còn áp lực phải bán với giá thấp.
Trong một trạng thái tâm lý chờ đợi và thận trọng, những thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh của công ty dường như được phản ánh vào giá rõ hơn các thông tin tích cực.
Điều dễ thấy là luồng tiền có xu hướng tìm đến những cổ phiếu nhỏ, ít tác động đến xu hướng thị trường và thanh khoản không cao trong bối cảnh xu hướng thị trường chưa rõ ràng.
Sang tuần sau, tuần đầu của tháng 2, sự thận trọng sẽ vẫn có cơ sở để tiếp tục bởi lo ngại lạm phát sẽ tăng cao trong tháng Tết âm lịch. Bên cạnh đó thị trường chứng khoán thế giới đang có những diễn biến không thuận lợi.
Tuy nhiên, bên lạc quan cũng có cơ sở của mình khi sang đầu tháng, luồng tiền tín dụng đầu tư chứng khoán sẽ ổn định hơn. Mức hỗ trợ ở vùng 480 điểm tỏ ra khá vững với nhiều phiên tái kiểm tra và đã không bị xuyên thủng.
Sự giằng co và cầm chừng của 2 ngày cuối tuần vừa qua rất có thể sẽ lại tiếp diễn trong những phiên đầu tuần tới. Và trong khi chưa có nhiều thông tin vĩ mô trong nước, xu hướng của thị trường chứng khoán thế giới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Thanh khoản tuần qua đã sụt giảm và ngưỡng hỗ trợ ở vùng 480 điểm tỏ ra khá vững với nhiều phiên tái kiểm tra mà không bị xuyên thủng. Nhưng liệu thị trường có thể tăng lên được hay không, các yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường?
VnEconomy giới thiệu nhận định của đại diện 5 công ty chứng khoán lớn về diễn biến thị trường trong hai tuần cuối năm Kỷ Sửu.
Dự báo thị trường sẽ khả quan trong tuần tới
(Ông Phạm Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SME)
“Thị trường tuần này cơ bản tích cực hơn tuần trước, cụ thể chỉ số VN-Index đã tăng với mức tăng xấp xỉ 1%. Đặc biệt hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trong bối cảnh thị trường quốc tế giảm điểm. Điều này minh chứng rằng, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam là tích cực và kết quả kinh doanh của đại đa số các công ty niêm yết trong năm 2009 hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Yếu tố quan trọng trong năm 2010 của Việt Nam và thế giới chính là kiểm soát lạm phát đi đôi với tăng trưởng và phục hồi bền vững nền kinh tế. Chính yếu tố lạm phát là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong thời gian vừa qua. Yếu tố tâm lý bị chi phối bởi những kịch bản xấu gần đây về lạm phát và sự suy giảm của giá chứng khoán.
Tuy nhiên, qua quan sát điều hành chính sách tiền tệ với việc rút kinh nghiệm của đợt lạm phát trước, Chính phủ đã sử dụng các công cụ hợp lý để kiểm soát lạm phát . Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 và việc cải thiện tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng là một minh chứng.
Hơn thế nữa, với vai trò đầu tầu của nền kinh tế thế giới thì Hoa Kỳ đã có chính sách kiểm soát đầu cơ vào dầu, vàng và một số yếu tố đầu vào trọng yếu. Điều này sẽ giúp cho chi phí đầu vào được kiểm soát và hạn chế lạm phát. Song song với chi phí được kiểm soát, dòng tiền từ các hoạt động đầu cơ sẽ giảm và di chuyển sang các kênh đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc thực thi chính sách kiểm soát lạm phát đã tác động rất mạnh và làm giảm tính hấp dẫn vào các kênh đầu tư bất động sản, vàng, ngoại tệ. Song song với kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết năm 2009 và sự suy giảm giá chứng khoán từ 630 điểm về dưới ngưỡng 500 đã tạo nên rất nhiều cổ phiếu có giá rất hấp dẫn so với các kênh đầu tư như tiền gửi, vàng, bất động sản.
Kết hợp với diễn biến tăng điểm của tuần này so với tuần trước cùng với việc 480 điểm được kiểm tra là ngưỡng hỗ trợ tốt, thị trường quốc tế có thể sẽ kết thúc giảm điểm vào tuần này, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ khả quan trong tuần tới”.
VN-Index sẽ quanh mốc 500 điểm trước tuần nghỉ Tết
(Ông Hoàng Xuân Quyến - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt - TVSI)
“Có ba điều kiện để thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững. Thứ nhất, thị trường cần có đông đảo các nhà đầu tư tham gia với mục tiêu, kỳ hạn đầu tư khác nhau và hơn nữa có các quan điểm nhìn nhận khác biệt đa chiều về thị trường và giá cổ phiếu.
Thứ hai, quy chế giao dịch phải hỗ trợ và đảm bảo tính thanh khoản cao của thị trường. Thứ ba, các nhà đầu tư tham gia thị trường bình đẳng về cơ chế tiếp nhận thông tin.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, cả ba điều kiện trên đều đang khiếm khuyết. Số lượng nhà đầu tư tham gia chưa đủ lớn và chưa đa dạng; mục tiêu đầu tư ngắn hạn vẫn là chủ yếu; kỳ hạn giao dịch T+4 quá dài, công cụ giao dịch (giao dịch ký quỹ), đòn bẩy tài chính, vay mượn chứng khoán chưa có… càng làm cho rủi ro thanh khoản cao. Cơ chế tiếp nhận thông tin chưa công bằng và minh bạch.
Một khi các khiếm khuyết trên chưa được khắc phục, trên thị trường chứng khoán các nhà đầu tư trở nên đồng nhất về cách nhìn, tương đồng về rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận, thuần nhất về thời điểm tham gia… Như thế thị trường chứng khoán sẽ trở nên đơn điệu, vận động một chiều.
Tôi cho rằng các nhà đầu tư đã biết khá rõ về kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết và đều chung nhận định giá nhiều cổ phiếu đang rất thấp.
Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước trong ngắn hạn tuy tạm yên nhưng chưa ổn. Không ít nhà đầu tư có cùng ý nghĩ thị trường chứng khoán sẽ chưa thể tăng mạnh trong 1-2 tuần tới vì Tết âm lịch đang đến gần, cùng kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể còn đi xuống các mốc hỗ trợ thấp hơn trước đây nên tâm lý chung là kiên nhẫn chờ mua giá rẻ.
Bên cạnh đó, khuyến nghị của nhiều công ty chứng khoán đều cho là thị trường chứng khoán có thể còn tiếp tục giảm điểm cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể. Các nhà đầu cơ lớn phát lệnh trên thị trường cũng đang chực chờ cơ hội để sử dụng đòn bẩy.
Khi tất cả đều nhìn chung một hướng tiêu cực, kết quả kinh doanh dù có tốt cũng khó làm xoay chuyển được xu thế. Tuy nhiên, tình hình thị trường tuần tới và tuần cuối năm nhiều khả năng sẽ có những diễn biến khác.
Số lượng các nhà đầu tư tham gia mua dần cổ phiếu giá rẻ, thanh khoản tốt để đón đầu khả năng thị trường tăng điểm mạnh hơn sau Tết sẽ tăng dần. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư bán cắt lỗ và cơ cấu danh mục sẽ giảm dần.
Thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm có thể từ giữa tuần tới. Nhưng xu thế tăng mạnh và kéo dài là khó diễn ra ngay vì tất cả đều cảnh giác. Vì thế nhiều khả năng thị trường sẽ xoay quanh mốc 500 điểm trước tuần nghỉ Tết”.
Thị trường sẽ bật lại vào tuần trước hoặc sau Tết
(Ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt - AVSC)
“Thị trường dường như chỉ tăng được 1 ngày khi các tin tốt công bố rồi sau đó giảm ngay. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này chủ yếu do tâm lý chưa ổn định của nhà đầu tư và tâm lý này thường bỏ qua các tin tốt (một cách đáng tiếc).
Tâm lý này có thể một phần xuất phát từ thực tế mọi nhà đầu tư đều quan sát thấy hàng ngày là khối lượng giao dịch trong tháng 1, nhất là cuối tháng, giảm đáng kể so với tháng 12 (thống kê cho thấy giảm khoảng 10%). Thông thường khối lượng giao dịch giảm phản ánh sự ít quan tâm của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực được kiểm định rõ ràng trong những phiên gần đây là mỗi khi thị trường giảm mạnh thì người bán thường không muốn bán nữa, làm khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh theo. Cụ thể, ngày 25/1, khối lượng giao dịch giảm mạnh xuống 19,5 triệu cổ phiếu - mức thấp nhất trong 8 tháng qua, và 2 ngày sau đó thị trường tăng lại khá mạnh.
Theo phân tích kỹ thuật, khối lượng giao dịch thấp là tín hiệu của vùng đáy vì xu hướng giảm là do người bán quyết định và khối lượng giao dịch thấp là lúc người bán không còn muốn bán nữa, và sau đó là người mua, quyết định xu hướng tăng, sẽ thắng thế.
Tôi cho rằng vùng 475-480 điểm là ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index và khi nào thị trường giao dịch với khối lượng dưới 20 triệu cổ phiếu trên HOSE là tín hiệu ở vùng đáy, nhà đầu tư nên mạnh dạn mua vào. Vùng đáy có thể diễn ra vài ngày hoặc 1, 2 tuần, chẳng hạn như hồi cuối tháng 2/2009.
Chúng tôi cũng đã cập nhật lợi nhuận các doanh nghiệp công bố đến nay và tính P/E 2009 của toàn thị trường là 12,5, là mức rất thấp trong nhiều tháng qua. Tôi tin tưởng nhà đầu tư nước ngoài đã dự báo được các vấn đề cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam rất tốt nên đã kiên trì mua ròng suốt 4 tháng qua.
Do đó, tôi cho rằng VN-Index đã tạo đáy ở vùng 475-480 điểm, tuy nhiên cần thêm một thời gian để tâm lý nhà đầu tư bình ổn trở lại rồi thị trường sẽ bật lại. Tôi dự kiến thời gian đó có thể rơi vào tuần trước hoặc sau Tết.
Khi tâm lý đã ổn định thì nhà đầu tư sẽ hấp thụ hợp lý các tin hỗ trợ và chỉ cần một số thông tin hỗ trợ vừa phải sẽ giúp thị trường tăng đáng kể”.
Tuần cuối cùng của năm có thể sẽ tốt hơn
(Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long - TSC)
“Vào dịp gần Tết, thị trường nhìn chung không nhận được sự quan tâm nhiều của nhà đầu tư. Điều này được thể hiện thông qua diễn biến trong khoảng thời gian này những năm gần đây. Cả giá trị giao dịch và sự thay đổi điểm số nhìn chung đều nhỏ so với khoảng thời gian khác.
Chúng ta đã có rất nhiều thông tin tốt trong thời gian qua, nhưng thực sự thì giá cổ phiếu đã phản ánh trước đó và đã tăng cao hơn rất nhiều so với những sự kỳ vọng. Việc thông tin thị trường đưa ra thường được cho là cơ hội để bán bởi thị trường thực tế đã đầu cơ theo những kỳ vọng trước đó. Thị trường hiện tại thực tế đang kỳ vọng rằng lãi suất cơ bản sẽ được tăng lên.
Tôi nghĩ rằng chỉ có hai khả năng dẫn tới việc thị trường tăng điểm mạnh trong thời gian tới: một là tăng lãi suất cơ bản và hai là chứng minh được rằng không có lý do gì để tăng lãi suất cơ bản trong năm 2010. Một khi một trong hai thông tin này được công bố, thì đó sẽ là cơ sở để thị trường tăng trưởng bởi nguyên tắc bán theo kỳ vọng xấu và mua lại theo tin sẽ phát huy tác dụng.
Tuần tới và tuần cuối cùng của năm Kỷ Sửu có thể tiếp tục là một sự dao động. Tôi nghĩ rằng tuần cuối cùng của năm có thể sẽ tốt hơn”.
Bên lạc quan có cơ sở khi tín dụng chứng khoán sẽ ổn định hơn
(Bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI)
“Muốn nhìn diễn biến thị trường trong tháng 1 vừa qua chúng ta quay lại một chút từ tháng 10/2009, thời điểm VN-Index đã lên đỉnh 633 điểm, đây cũng là thời điểm đòn bẩy tài chính được sử dụng nhiều nhất khiến sức cầu tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch của HOSE cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử vào thời gian này, 137 triệu cổ phiếu.
Chính việc sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều đã khiến thị trường trở nên nhạy cảm với các chính sách tiền tệ bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến luồng tiền vào thị trường chứng khoán. Điều này đã được minh chứng khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 11, một động thái được cho là thắt chặt tiền tệ, đã khiến thị trường chứng khoán đã rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Trong đợt điều chỉnh từ tháng 10 đến giữa tháng 12, VN-Index đã giảm từ đỉnh 633 điểm xuống đáy 427 điểm, tương đương 32,5% trong khi hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới có xu hướng tăng.
Chỉ số định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm nhanh khiến thị trường trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, họ liên tiếp mua ròng kể từ đầu tháng 11. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nội bị thiệt hại nặng do sử dụng đòn bẩy và tỏ ra bi quan.
Vào thời điểm cuối tháng 12, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và việc cho vay chứng khoán vẫn rất căng thẳng. Tuy nhiên thị trường chứng khoán với đặc điểm là thị trường của kỳ vọng đã có những phản ánh sớm với kỳ vọng thanh khoản ngân hàng và tăng trưởng tín dụng sẽ có cải thiện khi sang năm mới.
Điều này đã được minh chứng là đúng khi sang năm mới, nhiều công ty chứng khoán đã cấp lại hạn mức cho vay chứng khoán và các ngân hàng đã giải ngân cho vay nhiều hơn so với tháng 12.
VN-Index đã có sự hồi phục khá nhanh từ đáy 427 điểm lên mức 544 điểm, mức tăng 27%. Tuy nhiên vào đầu tháng 1, những tin đồn về tăng lãi suất cơ bản lại có tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng bác bỏ những tin đồn đó thì bài học cuối tháng 11 vẫn còn in đậm khiến nhà đầu tư hoài nghi. Chỉ khi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản được công bố chính thức trên website của Ngân hàng Nhà nước thì thị trường mới thực sự hưng phấn và tăng điểm mạnh.
Tuy nhiên ngay sau đó, đã có những yếu tố khiến thị trường khó tăng điểm. Thứ nhất là thời điểm cuối tháng 1 việc cấp tín dụng đầu tư chứng khoán có một số thay đổi ở một số công ty chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải bán ra làm thị trường giảm ngay sau khi tăng điểm mạnh.
Thứ 2 là tâm lý giáp tết khiến nhiều nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường hoặc chốt lời nhanh. Sau 2 phiên tăng/giảm mạnh vào 26-27/1 và 2 phiên giao dịch cuối tháng 1 cho thấy thị trường đã đạt trạng thái cân bằng khi bên mua chưa sẵn sàng mua giá cao và bên bán không còn áp lực phải bán với giá thấp.
Trong một trạng thái tâm lý chờ đợi và thận trọng, những thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh của công ty dường như được phản ánh vào giá rõ hơn các thông tin tích cực.
Điều dễ thấy là luồng tiền có xu hướng tìm đến những cổ phiếu nhỏ, ít tác động đến xu hướng thị trường và thanh khoản không cao trong bối cảnh xu hướng thị trường chưa rõ ràng.
Sang tuần sau, tuần đầu của tháng 2, sự thận trọng sẽ vẫn có cơ sở để tiếp tục bởi lo ngại lạm phát sẽ tăng cao trong tháng Tết âm lịch. Bên cạnh đó thị trường chứng khoán thế giới đang có những diễn biến không thuận lợi.
Tuy nhiên, bên lạc quan cũng có cơ sở của mình khi sang đầu tháng, luồng tiền tín dụng đầu tư chứng khoán sẽ ổn định hơn. Mức hỗ trợ ở vùng 480 điểm tỏ ra khá vững với nhiều phiên tái kiểm tra và đã không bị xuyên thủng.
Sự giằng co và cầm chừng của 2 ngày cuối tuần vừa qua rất có thể sẽ lại tiếp diễn trong những phiên đầu tuần tới. Và trong khi chưa có nhiều thông tin vĩ mô trong nước, xu hướng của thị trường chứng khoán thế giới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam”.